Làm sao để 'xanh hóa' xe buýt đạt mục tiêu vào 2035?
Đề án của TP Hà Nội đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố đạt 100% vào năm 2035.
Xanh hóa xe buýt mạnh mẽ từ 2025
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".
Cụ thể, Đề án đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố đạt 100% vào năm 2035.
Theo đó, giai đoạn 2026-2035, thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG. Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe. Trong đó, năm 2025, thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (tỷ lệ 5%); giai đoạn 2026-2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).
Từ đầu năm 2025, các đơn vị vận tải đang triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.
Trong năm 2025 sẽ chuyển đổi với các phương tiện buýt diezel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Từ năm 2026, thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ triển khai thực hiện thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) theo thời gian sử dụng phương tiện thực tế trên từng tuyến.
Lộ trình “xanh hóa” xe buýt đã rõ ràng, nhưng với số lượng xe buýt chạy bằng dầu diezel còn rất lớn như trên, giải pháp nào để hài hòa mà vẫn đạt mục tiêu thành phố đưa ra?
Tại tọa đàm “Xanh hóa xe buýt: “Thách thức và Giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư” do báo Giao thông tổ chức vừa qua, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch & Vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội) cho biết, trong đề án được UBND TP Hà Nội phê duyệt, đã tính toán phát triển từng loại hình phương tiện xanh đối với từng tuyến.
Trong đó, các tuyến nằm trong nội đô sẽ sử dụng 100% xe buýt điện. Các tuyến ngoại vi, kết nối ngoại thành đến điểm tiếp chuyển sẽ sử dụng xe buýt năng lượng xanh như CNG/LNG.
Giai đoạn trước mắt, thành phố sẽ tập trung các tuyến buýt điện kết nối đường sắt đô thị.
Giai đoạn 2031 – 2035 định hướng phát triển hỗn hợp phù hợp với hạ tầng, các tuyến trục công suất lớn, phù hợp với quy hoạch của thành phố; Kết nối trực tiếp trung tâm của đô thị vệ tinh tới các điểm trung chuyển ở khu vực vành đai, đô thị, kết nối các điểm danh lam thắng cảnh.
Quan trọng vẫn là cơ chế, nguồn vốn
Ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Vinbus cho rằng, để thực hiện được lộ trình xanh hóa xe buýt cái thiếu rất quan trọng, là cơ chế về mặt tài chính, hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào cũng quan tâm tới chi phí đầu tư tài chính.
“Nếu doanh nghiệp hoạt động bỏ quá nhiều tiền sẽ không có nguồn lực. Tôi nghĩ Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn, lãi vay”- ông Nhật bày tỏ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng đánh giá, xanh hóa xe buýt là xu thế không tránh được và chúng ta bắt buộc phải đi theo.
Thông qua chuyển đổi xanh sẽ làm thay đổi môi trường giao thông, thay đổi bức tranh đô thị trong bối cảnh ô nhiễm. Các doanh nghiệp vận tải đã bước đầu tiếp cận được vấn đề chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên vẫn có nhiều thách thức cần trao đổi nhiều hơn, kèm sự hỗ trợ của Chính phủ, thành phố để có cơ chế, định hướng, để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh nhất nhằm đạt được mục tiêu tới năm 2035, 100% doanh nghiệp sẽ chuyển sang sử dụng xe điện, tương ứng hơn 2.000 xe.
Cùng với chuyển đổi sang xe buýt xanh, theo ông Hải, một cái mới khác cần lan tỏa trong phát triển hệ thống xe buýt đó là tác phong của lái xe và nhân viên phục vụ từ đó tạo ra môi trường văn minh, thu hút hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.
Đồng tình với nhận định này, ông Nhật cho rằng, chuyển đổi xanh cần thời gian, nguồn vốn cần cân đối, nhưng có những điều ta có thể tự thay đổi được là thái độ phục vụ. Khi có tư duy đó, khách hàng sẽ hài lòng, đi 1 lần sẽ quay lại và lan tỏa sự tích cực của giao thông công cộng. Nhiều người đi xe buýt cũng đang suy nghĩ chuyến đi của mình đóng góp cho cộng đồng, giảm phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm.
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho hay: "Giai đoạn đầu khi TP Hà Nội thảo luận lập Đề án, tôi có phần hoài nghi, không biết có thực hiện được hay không. Với tôi, trở ngại lớn nhất là nguồn vốn. Trong bối cảnh Hà Nội còn nhiều nguồn cần chi như đường sắt đô thị, thành phố có thể thu xếp được nguồn vốn hay không là nỗi băn khoăn.
Ngoài ra, với phụ tải về điện, hàng nghìn xe buýt có tạo áp lực phụ tải lớn với mạng lưới điện hay không cũng là điều tôi băn khoăn. Tuy nhiên, khi thành phố đã phê duyệt, tôi nghĩ thành phố đã cân đối về khả năng nguồn chi. Tôi rất mong trong tương lai, cơ chế bố trí vốn, hỗ trợ vốn vay đối với doanh nghiệp sẽ được thực hiện linh hoạt, đảm bảo sự đồng hành cùng Nhà nước".
Theo ông Nguyễn Công Nhật, trong 3 năm qua, Vinbus đã vận chuyển hơn 9 triệu hành khách. 3 năm qua, các chuyến xe của Vinbus đã giảm được hơn 40 nghìn tấn CO2, tương đương trồng 1,8 triệu cây xanh.
Theo thống kê, 1 xe buýt thường nếu được thay thế bằng xe chạy điện thì sẽ giảm phát thải 220kg CO2/xe/ngày. Với hơn 2000 xe, chúng ta có thể đạt được mục tiêu giảm 420 tấn CO2/ngày.
Nếu Hà Nội chuyển đổi trong 10 năm nữa, ta sẽ giảm được 450 tấn CO2/ngày và điều này sẽ mang lại hiệu quả cho xã hội.