Việt Nam - Trung Quốc: Hướng đến thương mại cân bằng, bền vững
Trong bối cảnh hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, có thể thấy tiềm năng, dư địa để khai thác và phát triển hợp tác giữa hai bên. Thời gian tới, để hướng đến thương mại cân bằng, bền vững, cần có sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ, giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp hai bên.

Thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đạt kỷ lục 205,2 tỷ USD năm 2024. Ảnh minh họa
Điểm sáng về hợp tác kinh tế, thương mại
Trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc, điểm sáng nhất chính là hợp tác kinh tế và thương mại. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong hơn 20 năm qua, bắt đầu từ năm 2004. Còn Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc nếu tính theo đơn vị quốc gia.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, thương mại hai nước đạt 260,65 tỷ USD vào năm 2024, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước đó. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung hiện chiếm 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cũng cho biết, năm 2024, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD, đánh dấu cột mốc chưa từng có trong quan hệ kinh tế song phương của Việt Nam với bất kỳ quốc gia nào. Năm 2024, Trung Quốc chiếm 26% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường nhập khẩu hàng hóa số một của Việt Nam. Riêng trong quý I/2025, thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 51,17 tỷ USD và tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta.
Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước rất đa dạng, phong phú từ nông sản đến hàng tiêu dùng và linh kiện điện tử. Sự đa dạng trong cơ cấu hàng hóa giữa hai nước giúp tận dụng được lợi thế so sánh của từng bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung.
Mở rộng không gian hợp tác mới
Các chuyên gia đánh giá triển vọng thương mại song phương của hai nước vẫn rất lớn. Ông Đỗ Nam Trung - nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) dự báo, kim ngạch song phương của hai nước có thể đạt 300 - 400 tỷ USD trong 5 - 10 năm tới nhờ lợi thế địa lý, quy mô thị trường và sự bổ trợ lẫn nhau về cơ cấu hàng hóa.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc
Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, với dòng vốn đầu tư nước ngoài không ngừng tăng lên. Tính đến đầu năm 2025, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và công nghệ cao.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia của Việt Nam nhìn nhận rằng, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn đóng gói, sở hữu trí tuệ... để phù hợp trong bối cảnh mới. Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, tỷ lệ tận dụng các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn thấp (30 - 40%), nguyên nhân không chỉ nằm ở chính sách mà còn do doanh nghiệp yếu năng lực tuân thủ và thiếu chiến lược thị trường rõ ràng. Đây là điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ nếu muốn tăng sức cạnh tranh hàng Việt tại thị trường láng giềng.
Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) cho hay, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ Công thương ký kết 4 thỏa thuận hợp tác với Bộ Thương mại, Tổng cục Giám sát quản lý quốc gia và hai địa phương là Trùng Khánh, Hải Nam.
Những văn kiện này sẽ giúp tạo điều kiện để mở rộng kênh quảng bá hình ảnh thương hiệu các sản phẩm quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, kết nối với các thị trường lân cận khác. Ngoài ra, việc trao đổi thông tin chính sách, nhu cầu hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp cũng sẽ được triển khai tích cực hơn.
Đáng chú ý, trong số các văn kiện này có 2 văn kiện hợp tác giữa Bộ Công thương với thành phố Trùng Khánh và tỉnh Hải Nam, mở ra nhiều cơ hội mới cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp chế biến, logistics, công nghệ cao. Đến nay, Bộ Công thương đã thiết lập quan hệ phối hợp công tác chặt chẽ với 9 địa phương Trung Quốc.
Thời gian tới, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao trong nước, đồng thời hướng tới mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và xuất phát từ nhu cầu thực tế và đề xuất của doanh nghiệp hai nước, Bộ Công thương sẽ tiếp tục thúc đẩy phía Trung Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực liên kết điện, qua đó tận dụng tiềm năng và lợi thế của từng khu vực khác nhau để mở rộng quy mô thương mại điện với Trung Quốc.
Nhiều hoạt động xúc tiến thúc đẩy thương mại hai chiều
Thời gian qua, hợp tác với các địa phương tiềm năng của Trung Quốc được đẩy mạnh, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư đạt được thành quả đáng ghi nhận.
Trong đó, Bộ Công thương đã chủ động thúc đẩy giao lưu, kết nối với các địa phương là thị trường truyền thống của Việt Nam như Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam; đồng thời tăng cường tiếp xúc và mở rộng quan hệ thương mại với các địa phương có tiềm năng, thế mạnh khác của Trung Quốc như: Sơn Đông, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thượng Hải, Giang Tô và sắp tới là Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam...
Từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ Công thương đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc.
Cụ thể, ngày 12/3, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương phối hợp Sở Thương mại Quảng Tây tổ chức Hội nghị Hợp tác logistics đường sắt Việt Nam - Trung Quốc. Hội nghị là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai Bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy khai thác tuyến vận tải container đường sắt quốc tế Việt Nam - Trung Quốc được ký kết vào tháng 12/2024 giữa Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương Việt Nam) và Sở Thương mại Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là kết quả của nỗ lực hợp tác bền chặt giữa hai bên, đồng thời thể hiện quyết tâm chung trong việc phát triển vận tải đường sắt xuyên biên giới, nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy thương mại song phương.
Trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2025, ngày 11/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Ủy ban Thương mại TP. Trùng Khánh (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc (Trùng Khánh). Sự kiện có sự tham gia của 50 doanh nghiệp Việt Nam và hơn 20 doanh nghiệp đến từ Trùng Khánh.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, thời gian qua, Ủy ban Thương mại TP. Trùng Khánh đã tích cực phối hợp Cục Xúc tiến thương mại trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tăng cường giao lưu và đẩy mạnh hợp tác, giao dịch thương mại.
Trong các năm trước đây, Bộ Công thương cũng thường xuyên triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại với Trung Quốc nhằm tăng cường đưa hàng hóa hai bên vào thị trường của nhau…