Doanh nghiệp Nhật Bản tăng tốc nhập khẩu gạo

Trong bối cảnh giá gạo trong nước tăng mạnh nhất trong hơn 50 năm, các công ty Nhật Bản đang tăng tốc nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu của các nhà hàng, cửa hàng tiện lợi và các nhà buôn gạo khác.

Arata Hirano, chủ nhà hàng Shokudou Arata ở Tokyo đổ gạo Calrose vào nồi cơm điện để nấu hôm 14-4. Ảnh: Reuters

Arata Hirano, chủ nhà hàng Shokudou Arata ở Tokyo đổ gạo Calrose vào nồi cơm điện để nấu hôm 14-4. Ảnh: Reuters

Dữ liệu của Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố hôm 18-4 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á trong tháng Ba tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, giá gạo tăng đến 92,1% so với cách đây một năm, đánh dấu mức tăng hàng năm mạnh nhất khi dữ liệu bắt đầu được thống kê vào năm 2021. Giá gạo ở Nhật Bản đã tăng trong 6 tháng liên tục.

Nguồn cung gạo ở Nhật Bản đang thiếu hụt do vụ thu hoạch thất bát trong năm 2023 khi thời tiết khô hạn và tình trạng hoảng loạn mua tích trữ do cảnh báo “siêu động đất” vào năm ngoái.

Số lượng du khách nước ngoài kỷ lục cũng được cho là nguyên nhân khiến mức tiêu thụ gạo tăng cao trong khi một số thương nhân đang tích trữ gạo. Các món ăn truyền thống như cơm nắm (onigiri), sushi, cơm thố (donburi) rất được du khách ưa chuộng khiến nhu cầu gạo tăng vọt. Ước tính, du khách nước ngoài có thể làm tăng thêm 100.000 tấn nhu cầu gạo mỗi năm tại Nhật Bản

Tháng trước, lần đầu tiên kể từ năm 1995, chính phủ Nhật Bản bán đấu giá gạo từ kho dự trữ để giải tỏa tình trạng căng thẳng nguồn cung. Chính phủ đã bán ra khoảng 210.000 tấn gạo và có kế hoạch bán đấu giá thêm 100.000 tấn nữa trong tháng này.

Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, trong tuần kết thúc vào ngày 6-4, giá trung bình cho một bao gạo 5 kg tại các siêu thị là 4.214 yen (29,4 đô la Mỹ), tương đương khoảng 5,9 đô la/kg. Con số này cao gấp đôi so với giá mà người tiêu dùng phải trả trong cùng kỳ năm ngoái.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung, các công ty tư nhân của Nhật Bản đã tăng tốc nhập khẩu gạo trong năm qua.

Trong năm tài khóa 2024 (từ tháng 4-2024 đến tháng 3-2025), đơn xin nhập khẩu gạo của khu vực tư nhân nộp lên chính phủ đã đạt mức kỷ lục gần 1.500 tấn tính đến cuối tháng 2-2025.

Hiện nay, các công ty tư nhân có thể kiếm lợi nhuận từ gạo nhập khẩu này, dù họ phải trả mức thuế quan cao. Hồi tháng Hai, Kanematsu Corp, một công ty thương mại lớn có trụ sở tại Tokyo, cho biết sẽ nhập khẩu 10.000 tấn gạo trong năm 2025, một con số lớn chưa từng có tiền lệ.

Công ty cho biết quyết định này nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao ở trong nước, đặc biệt là lĩnh vực nhà hàng, chẳng hạn như các chuỗi nhà hàng cơm thịt bò (gyudon).

“Chúng tôi đang nhận được nhiều yêu cầu mua gạo nhập khẩu từ ngành nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và các nhà bán buôn gạo”, người phát ngôn của Kanematsu nói.

Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, trong tuần kết thúc vào ngày 6-4, giá trung bình cho một bao gạo 5 kg tại các siêu thị là 4.214 yen (29,4 đô la Mỹ), tương đương khoảng 5,9 đô la/kg. Ảnh: NHK

Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, trong tuần kết thúc vào ngày 6-4, giá trung bình cho một bao gạo 5 kg tại các siêu thị là 4.214 yen (29,4 đô la Mỹ), tương đương khoảng 5,9 đô la/kg. Ảnh: NHK

Có hai loại gạo nhập khẩu ở Nhật Bản. Gạo có thể được chính phủ nhập khẩu hoặc được các công ty thương mại và các công ty tư nhân khác nhập khẩu và phải trả thuế cho chính phủ.

Hạn ngạch nhập khẩu gạo không chịu thuế hàng năm của chính phủ Nhật Bản được thiết lập ở mức 770.000 tấn. Chính phủ Nhật Bản chủ yếu mua gạo từ Mỹ, Trung Quốc và Thái Lan.

Tuy nhiên, chỉ tối đa 100.000 tấn trong con số này được bán lại cho khu vực tư nhân để phục vụ nhu cầu làm thực phẩm chính hàng ngày của người dân. Số gạo còn lại sẽ được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và các thực phẩm chế biến khác. Năm ngoái là lần đầu tiên khu vực tư nhân sử dụng hết mức hạn ngạch 100.000 tấn.

Sự giới hạn này nhằm bảo vệ nông dân trồng lúa gạo trong nước. Mới đây, một hội đồng tư vấn của Bộ tài chính Nhật Bản đề xuất tăng hạn ngạch gạo nhập khẩu phục vụ nhu cầu làm thực phẩm chính hàng ngày. Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử Thượng viện đang đến gần, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền có thể sẽ hành động thận trọng để tránh làm mất long các cử tri nông dân.

Trong giai đoạn 2021-2023, khu vực tư nhân chỉ nhập khẩu 200-400 tấn gạo mỗi năm. Đến năm tài khóa 2024, con số này đã đạt tới 468 tấn vào cuối tháng 12. Đến cuối tháng 2-2025, con số nhập khẩu tăng lên gần 1.500 tấn.

Giá nhập khẩu gạo hạt vừa Calrose sản xuất tại Mỹ là khoảng 150 yen (1 đô la)/kg, bao gồm cả chi phí vận chuyển và các chi phí khác. Sau khi cộng thêm thuế quan, tổng chi phí sẽ lên mức 500 yen/kg.

Với gạo trong nước hiện được bán với giá khoảng 900 yen/kg, các công ty có thể thu được lợi nhuận đáng kể từ việc nhập khẩu. Chuỗi siêu thị OK có trụ sở tại Yokohama bán gạo Calrose tại 10 cửa hàng kể từ ngày 73 với giá 3.335 yen cho mỗi bao 5kg.

Nhiều nhà hàng ở Nhật Bản đang thay thế gạo trong nước bằng gạo nước ngoài có giá rẻ hơn. Nhà hàng Shokudo-Arata ở Tokyo đã chuyển sang sử dụng gạo Calrose vào năm ngoái. Giá gạo Calrose đã tăng gấp đôi kể từ mùa hè năm ngoái nhưng vẫn rẻ hơn gạo trong nước. Arata Hirano, chủ nhà hàng này cho biết trong tháng trước, giá gạo trong nước hơn 800 yen/kg trong khi giá gạo Calrose chỉ khoảng 530 yen/kg.

Tuần trước, chuỗi siêu thị khổng lồ Aeon bắt đầu bán loại gạo hỗn hợp Mỹ-Nhật theo tỷ lệ 80-20, rẻ hơn khoảng 10% so với gạo trong nước sau khi đợt bán thử nghiệm thành công. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Matsuya và nhà hàng Colowide bắt đầu phục vụ gạo Mỹ trong năm nay. Tại chuỗi siêu thị Seiyu, gạo Đài Loan cháy hàng khi đưa lên kệ vào năm ngoái.

Theo Kyodo, Reuters, Japan News

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-tang-toc-nhap-khau-gao/
Zalo