Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi và SSI không phải là người nói mà không làm

'Tôi không được tham gia các quyết định của tự doanh, hôm rồi tôi nói là theo cảm nhận cá nhân tôi. Nhưng tôi chắc chắn, tôi và SSI không phải là người nói mà không làm', ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI trả lời cổ đông.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI

ĐHCĐ CTCP Chứng khoán SSI diễn ra chiều 18/4 thông qua toàn bộ tờ trình ĐHCĐ, trong đó, phần hỏi đáp của SSI như thường niên hàng năm – nhận được rất nhiều câu hỏi từ nhà đầu tư.

Giai đoạn 2025 - 2030, SSI định hướng trở thành tập đoàn tài chính đa năng, cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính hiện đại. Công ty tập trung vào 5 trụ cột chiến lược:

Mở rộng hệ sinh thái tài chính: Phát triển các sản phẩm và dịch vụ đa dạng.

Tăng cường đầu tư công nghệ và chuyển đổi số: Xây dựng nền tảng tài chính số hiện đại.

Củng cố năng lực tài chính và quản trị rủi ro: Nâng cao năng lực vốn, mở rộng danh mục đầu tư.

Thúc đẩy phát triển bền vững (ESG): Hướng tới mô hình tài chính xanh, trách nhiệm xã hội.

Mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút vốn ngoại: Định vị SSI trên bản đồ tài chính khu vực.

Về kế hoạch kinh doanh, SSI đặt mục tiêu doanh thu đạt 9.695 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.252 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 20% so với kết quả thực hiện năm 2024. Kế hoạch này dựa trên kịch bản chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 1.450 – 1.500 điểm, với thanh khoản trung bình 19.500 tỷ đồng/phiên.

Trong đó, Dịch vụ chứng khoán - Khối Bán lẻ: Mục tiêu mở rộng thị phần lên 7,69%, tăng trưởng 15% so với năm 2024; dư nợ margin bình quân dự kiến đạt 19.909 tỷ đồng, tăng 16%; tốc độ tăng trưởng tài khoản mở mới đạt 15%. Công ty tiếp tục tập trung vào kinh doanh trực tuyến với mục tiêu thu hút ít nhất 50.000 khách hàng mới hoàn toàn qua kênh digital.

Dịch vụ chứng khoán – Khối Khách hàng tổ chức: Tập trung củng cố vị thế dẫn đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa giao dịch và danh mục đầu tư.

Dịch vụ Ngân hàng đầu tư: Đặt mục tiêu đạt doanh thu 105,9 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2024, tập trung vào việc phát triển mạnh các mảng dịch vụ cốt lõi.

Nguồn vốn và Kinh doanh tài chính: Hướng đến mức tăng trưởng 10% so với năm 2024, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường tài chính và tiền tệ, đồng thời mở rộng và tối ưu hóa danh mục đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Bộ phận Đầu tư: Tiếp tục chiến lược phân tích cơ bản trong việc lựa chọn ngành, cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt, định giá hợp lý. Cải tiến việc xây dựng kịch bản thị trường dựa trên phân tích định lượng để đưa ra tỷ trọng hợp lý cho từng giai đoạn, tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư.

Chiến lược hoạt động của các Công ty con cũng được hiện thực hóa cụ thể.

Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM): Hướng tới trở thành công ty quản lý quỹ lớn nhất trên thị trường Việt Nam. Phát triển kênh phân phối cả ở thị trường trong nước và quốc tế, trong đó việc phát triển kênh khách hàng cá nhân tại Việt Nam được đẩy mạnh với mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 15%.

Công ty cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital): Năm 2025, Công ty đặt kế hoạch rót vốn cho khoảng 10 dự án tại thị trường Việt Nam về lĩnh vực Blockchain và AI với số vốn giải ngân tối thiểu 10 triệu USD, mở rộng quy mô hoạt động và tiếp tục xây dựng quan hệ chiến lược với các đối tác quốc tế lớn.

Tại Đại hội lần này, SSI đã bầu 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2025 - 2030. Danh sách ứng viên gồm: ông Nguyễn Duy Hưng, ông Nguyễn Duy Khánh và ông Kosuke Mizuno. Trong đó, ông Nguyễn Duy Hưng và ông Nguyễn Duy Khánh được bầu là Thành viên HĐQT từ năm 2020 và nhiệm kỳ sẽ hết vào 2025. Ông Kosuke Mizuno được bầu thay thế cho ông Hironori Oka, cả 2 ông đều là đại diện của Daiwa Securities, cổ đông lớn Nhật Bản tại SSI.

Thảo luận tại Đại hội:

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI, Chủ tọa đoàn, điều phối thảo luận.

Kế hoạch kinh doanh của công ty đã tính đến các diễn biến bất định thị trường như thời gian qua chưa, có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Kế hoạch kinh doanh xây dựng từ tháng 12/2024, trước khi xảy ra các biến động gần đây trên TTCK do tác động bởi chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kết quả kinh doanh quý I/2025 đang tạo tự tin cho SSI, bởi vậy, không có lý do gì Công ty thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2025.

Cổ đông yên tâm, SSI là công ty luôn đặt vấn đề quản trị công ty, quản trị rủi ro lên cao nhất. Trong những thăng trầm của TTCK 25 năm qua, SSI đều không có hệ quả gì sau mỗi lần biến động mạnh. Không dám khẳng định là không bị ảnh hưởng, nhưng SSI tự tin có thể hoàn thành kế hoạch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc tài chính SSI

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc tài chính SSI

Mục tiêu kinh doanh 2025 tập trung mảng nào, tỷ trọng doanh thu – lợi nhuận ra sao. Kế hoạch dư nợ margin ra sao?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc tài chính: Các mảng kinh doanh của SSI gồm: Kinh doanh dịch vụ chứng khoán (môi giới, margin); Tự doanh; Kinh doanh nguồn; IB ; Dịch vụ quản lý quỹ đều được thúc đẩy để phục vụ trọn gói dịch vụ cho khách hàng, nhưng do đặc thù và tính chất mỗi dịch vụ nên sẽ có tỷ trọng đóng góp khác nhau. Doanh thu chính sẽ đến từ môi giới, cho vay, tiếp đến là tự doanh, còn lại một nguồn nhỏ từ IB và quản lý quỹ. Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng chúng tôi duy trì sự kết hợp chặt chẽ giữa các mảng hoạt động.

Năm 2024, dư nợ margin tăng tốt, bình quân tăng 41% so với 2023, quý I/2025 vẫn tiếp tục tăng trưởng, cả năm 2025 duy trì bình quân là 26.000 tỷ đồng, nhưng giai đoạn vừa qua, có thời điểm dư nợ có lúc lên 28.000 - 29.000 tỷ đồng. Nguồn lực tài chính của SSI đủ tiềm lực để tăng room margin cho khách hàng

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương - Giám đốc Khối cao cấp phụ trách Khối Đầu tư và Khối nguồn vốn & Kinh doanh Tài chính

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương - Giám đốc Khối cao cấp phụ trách Khối Đầu tư và Khối nguồn vốn & Kinh doanh Tài chính

Trong bối cảnh nhiều biến động, SSI quản lý danh mục tự doanh như thế nào?

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối cao cấp phụ trách Khối Đầu tư và Khối Nguồn vốn & Kinh doanh tài chính: Chiến lược đầu tư SSI là tập trung đầu tư các tài sản có rủi ro thấp, nâng cao hiệu quả thông qua quy mô tài sản. Quý I/2025, tổng giá trị quy mô giá trị tài sản đầu tư 52.000 tỷ đồng (so với 45.000 tỷ cuối năm), tỷ trọng các nhóm tài sản đầu tư gồm chứng chỉ tiền gửi khoảng 63%, tương ứng 33.000 tỷ đồng; Trái phiếu 30%, tương ứng 16.000 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng trái phiếu ngân hàng 80%, trái phiếu chính phủ 6%, bất động sản 0,06%, khu công nghiệp 1,23%, còn lại các nhóm khác.

Trong đợt suy giảm thị trường vừa qua, nhiều câu hỏi gửi tới SSI về danh mục đầu tư trái phiếu có liên quan đến nhóm khu công nghiệp không, họ e ngại ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh SSI vì nhóm này lao dốc mạnh. SSI có mua trái phiếu BCM chỉ 200 tỷ đồng và có biện pháp phòng ngừa để có thể bán lại bất cứ lúc nào.

Ông Hưng: SSI không có khẩu vị rủi ro ăn dày và đều có hedging

SSI có kế hoạch tăng vốn không?

Chưa có tờ trình kế hoạch tăng vốn giai đoạn này

Ông Bùi Thế Tân, Giám đốc khối bán lẻ

Ông Bùi Thế Tân, Giám đốc khối bán lẻ

SSI sẽ tăng thị phần môi giới ra sao, có rủi ro nào cho hoạt động cho vay margin?

Ông Bùi Thế Tân, Giám đốc khối bán lẻ: Cuối năm 2024, SSI đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 15% nhưng tới nay có nhiều thay đổi, SSI xác định không mở thị phần bằng mọi giá mà ưu tiên đảm bảo lợi ích khách hàng. Như các phiên giảm sâu của thị trường vừa qua, SSI không ép bán và khi có thông tin hoãn thuế 90 ngày thì ngay lập tức dỡ kế hoạch force sell.

Trước đây, thanh khoản thị trường tăng mà thị phần SSI không tăng được, giờ thì khi thanh khoản tăng thì thị phần SSI tăng, nhiều khách hàng bán trong phiên giảm sàn đã mua cover lại, và vẫn giao dịch tài khoản ở SSI.

SSI có lực lượng khách hàng highnetwork rất lớn và tiếp tục mở rộng tệp khách hàng đại trà, khách hàng trẻ.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Chúng tôi đặt an toàn hệ thống, an toàn tài chính lên trên các vấn đề khác. Chúng tôi tăng thị phần bằng cách tăng giá trị cho nhà đầu tư chứ không phải giảm tiêu chuẩn, nên kế hoạch tăng thị phần không ảnh hưởng gì tới rủi ro margin.

Mảng IB năm nay có deal nào đáng chú ý?

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: SSI làm tất cả deal lớn trên thị trường, hiện có deal lớn mà tạm dừng do tác động từ thị trường, phải tạm dừng lại để đánh giá thời điểm khác. Chúng tôi đang triển khai các deal liên quan tới FDI. Tất cả các deal lớn trên thị trường chúng tôi đều quan tâm.

SSI đánh giá thế nào về lợi thế khi KRX vào vận hành?

Ông Nguyễn Đức Thông, Phó tổng giám đốc: Chúng tôi đang tiếp tục kiểm thử với HOSE. Kỳ vọng tháng 5 sẽ được go live. Bước đầu thì hệ thống sẽ giống với hiện tại. Kỳ vọng trong tương lai sẽ có các sản phẩm khác như day trading, CCP…

Vận hành thị trường tài sản số, SSI có tham gia không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: SSI mục tiêu xây dựng thành định chế tài chính uy tín hàng đầu, không phải định chế tài chính to nhất.

Xu thế tài sản số là tất yếu trên thế giới. Tổng Bí Thư cũng đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam phải tiếp cận, thí điểm, quản lý tài sản số. Do đó, định chế tài chính hàng đầu như SSI không có lý gì không quan tâm, nghiên cứu, tìm tòi.

Có nhiều tin đồn SSI mở sàn, tuy nhiên chúng tôi chưa có chủ trương, nếu có thì phải tính toán hiệu quả và rủi ro. Chúng ta không chạy theo đám đông bất chấp rủi ro. Nói chung, tham gia vào tài sản số có nhiều việc phải làm và bước đầu SSI Digital là nơi ươm mầm cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài sản số, Fintech và blockchain.

SSI là định chế hàng đầu nên sẽ không đi chậm hơn người khác, nhưng sẽ chỉ làm khi an toàn về uy tín, có lợi nhuận, quản trị được rủi ro thì làm.

Khối ngoại rút vốn có ảnh hưởng gì đến SSI?

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SSIAM: Khối ngoại rút vốn sẽ ảnh hưởng tới SSI ở 2 góc độ là công ty quản lý quỹ và mảng môi giới khách hàng tổ chức.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý quỹ, các quỹ của SSIAM không thấy sự rút ra của khối ngoại mà lại ghi nhận tăng trưởng, năm 2024, tổng giá trị tài sản quản lý đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 30%. Từ đầu năm nay không ghi nhận rút vốn.

Với môi giới khách hàng tổ chức, ưu điểm là tạo thanh khoản cao cho thị trường, thị phần môi giới tổ chức của SSI đã tăng khoảng 15% so với năm trước.

Góc độ CTCK thì việc rút vốn khối ngoại là cơ hội để mang lại cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư khác. Thị phần khách hàng tổ chức của SSI quý I/2025 tăng tốt hơn so với 2024.

Khi nào giá cổ phiếu SSI về đỉnh cũ?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Giá cổ phiếu do thị trường quyết định. Giá cổ phiếu nằm ngoài tầm kiểm soát Công ty, SSI cam kết không bao giờ "đánh" kéo xả gì cổ phiếu.

Chiến lược kinh doanh đột phá SSI năm nay lưu ý nhiều đến hiệu quả. Các sản phẩm SSI tập trung nhu cầu nhà đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư gần gũi hơn.

Quý I thực hiện dưới 20% kế hoạch thì có chắc chắn thực hiện kế hoạch năm?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Nhưng năm nay phải tự tin chúng tôi mới dám trình đại hội kế hoạch kinh doanh như thế. Chúng tôi có thể đạt 100% hoặc có thể vượt hơn.

Chủ tịch Hưng hô bắt đáy rất chuẩn, vậy tự doanh SSI có “múc” không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi không được tham gia các quyết định của tự doanh, hôm rồi tôi nói là theo cảm nhận cá nhân tôi. Tôi cũng rất thận trọng khi nói, vì tôi hiểu nội dung tôi chia sẻ có ảnh hưởng. Nhưng tôi chắc chắn, tôi và SSI không phải là người nói mà không làm.

Phan Hằng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ong-nguyen-duy-hung-toi-va-ssi-khong-phai-la-nguoi-noi-ma-khong-lam-post367753.html
Zalo