Mỹ chuẩn bị áp loạt phí cảng biển với toàn bộ tàu đóng tại Trung Quốc
Ngày 18/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức phí cảng biển mới áp dụng cho các tàu do Trung Quốc đóng hoặc vận hành, với mục tiêu thúc đẩy ngành đóng tàu trong nước và hạn chế sự thống trị của Trung Quốc trong vận tải biển.
Hàng loạt mức phí mới
Theo quy định mới do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố, mức phí sẽ được tính theo trọng tải tịnh hoặc theo số lượng container đối với mỗi chuyến tàu có liên quan đến Trung Quốc vào cảng Mỹ.

Tàu biển do Trung Quốc vận hành hoặc đóng tại Trung Quốc sẽ phải chịu loạt phí mới tại Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Cụ thể, dự kiến từ ngày 14/10, các tàu Trung Quốc sẽ bị tính phí 50 USD mỗi tấn tịnh, tăng 30 USD mỗi năm trong ba năm tiếp theo. Tàu do công ty nước ngoài sở hữu nhưng đóng tại Trung Quốc sẽ bị tính phí khởi điểm 18 USD/tấn, tăng 5 USD mỗi năm.
Nếu tính theo container, mức phí là 120 USD/container đồng nghĩa một tàu chứa 15.000 container có thể phải chịu mức phí lên tới 1,8 triệu USD (gần 47 tỷ đồng). Mức phí này sẽ tăng lên 250 USD sau ba năm.
Toàn bộ các tàu chở ô tô không được đóng tại Mỹ cũng sẽ bắt đầu chịu phí sau 180 ngày.
Đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), quy định mới yêu cầu phải vận chuyển ít nhất 1% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ trên các tàu treo cờ Mỹ, do Mỹ vận hành và được đóng tại Mỹ trong vòng 4 năm tới. Tỷ lệ này phải được nâng lên 4% vào năm 2035 và 15% vào năm 2047.
USTR cũng loại bỏ đề xuất đánh phí theo tỷ lệ tàu đóng tại Trung Quốc trong đội tàu, thay vào đó áp dụng mức phí cụ thể cho mỗi chuyến đối với các tàu bị ảnh hưởng tối đa 6 lần/năm.
Ngoài ra, chủ tàu có thể được miễn phí nếu đặt mua tàu do Mỹ đóng mới.
Tuy nhiên, mức phí công bố nêu trên đã được điều chỉnh so với đề xuất cũ. Trước đó vào tháng 2/2025, cơ quan chức năng Mỹ đề xuất các tàu đóng tại Trung Quốc có thể phải chịu mức phí lên đến 1,5 triệu USD (gần 39 tỷ đồng) cho mỗi lượt cập cảng.
Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ từ ngành vận tải biển, bao gồm cả các chủ cảng và hãng vận tải trong nước, USTR đã loại bỏ mức phí trên, chấp thuận một số đề xuất miễn trừ và triển khai kế hoạch thu phí theo lộ trình dài hạn, thừa nhận rằng các nhà máy đóng tàu Mỹ hiện chỉ sản xuất được khoảng 5 tàu mỗi năm, so với hơn 1.700 chiếc của Trung Quốc.
Các mức phí mới cũng sẽ không áp dụng cho tàu biển hoạt động tại khu vực Ngũ Đại Hồ, vùng biển Caribe, tàu đi và đến các vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ, hoặc tàu rỗng đến Mỹ để chở hàng hóa số lượng lớn như ngũ cốc.
Ngoài ra, các tàu vận tải ô tô quốc tế dạng ro-ro sẽ được hoàn phí nếu trong vòng 3 năm đặt mua hoặc nhận bàn giao tàu tương đương do Mỹ đóng.
Đảo ngược sự thống trị của Trung Quốc
Theo báo The Guardian, quy định mức phí cảng biển đối với toàn bộ tàu đóng tại Trung Quốc hoặc do Trung Quốc vận hành được công bố đúng dịp tròn một năm USTR mở cuộc điều tra về hoạt động hàng hải của Trung Quốc. Theo kết luận điều tra, Bắc Kinh đang áp dụng các chính sách và thực tiễn không công bằng nhằm thống trị vận tải toàn cầu.
"Ngành tàu biển có vai trò sống còn đối với an ninh kinh tế Mỹ và dòng chảy thương mại tự do", Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nhấn mạnh khi công bố chi tiết về các mức phí mới.

Các hiệp hội đại diện cho 30 ngành công nghiệp Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tác động của mức phí mới đối với giá cả của hàng hóa nhập khẩu. (Ảnh: Reuters)
Ông Greer cho biết, các biện pháp này sẽ giúp đảo ngược sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực vận tải biển, tăng cường an ninh chuỗi cung ứng và phát đi tín hiệu về nhu cầu tàu biển do Mỹ sản xuất.
Bên cạnh phí cảng biển, dự kiến USTR sẽ bàn bạc việc áp thuế 100% với cần cẩu, rơ-moóc và phụ kiện chở container, những mặt hàng mà Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh. Cơ quan này không nêu rõ liệu nguồn thu từ các khoản phí và thuế trên có được sử dụng để đầu tư cho ngành đóng tàu nội địa hay không.
Lãnh đạo các nghiệp đoàn như United Steelworkers và Hiệp hội Công nhân cơ khí - hàng không Mỹ bày tỏ ủng hộ và sẵn sàng phối hợp với USTR cũng như Quốc hội để phục hồi ngành đóng tàu nội địa, tạo thêm việc làm chất lượng cao.
Tuy nhiên, các hiệp hội đại diện cho 30 ngành công nghiệp Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tác động của mức phí mới đối với giá cả của hàng hóa nhập khẩu.
Các lãnh đạo trong ngành lo ngại việc áp dụng đồng loạt các khoản phí cao sẽ khiến chi phí xuất khẩu của Mỹ khó có thể cạnh tranh và có thể đội thêm khoảng 30 tỷ USD vào chi phí nhập khẩu của người tiêu dùng Mỹ mỗi năm.
Hiệp hội May mặc & Giày dép Mỹ cảnh báo phí cảng và thuế quan mới đối với thiết bị cảng sẽ làm giảm lưu lượng thương mại và đẩy giá hàng tiêu dùng lên cao.
Trong khi đó, một doanh nghiệp cho biết việc kết hợp các khoản phí này với thuế nhập khẩu nhôm, thép và hàng hóa từ Trung Quốc sẽ tạo áp lực lớn lên các nhà bán lẻ trong nước.
Theo hãng tin Reuters, việc duy trì một số khoản phí đối với tàu đóng tại Trung Quốc cũng góp phần làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh Washington đang áp mức thuế lên tới 145% với nhiều mặt hàng Trung Quốc nhằm thúc đẩy đàm phán.
Thực tế, ngành đóng tàu Mỹ từng giữ vị trí hàng đầu thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng hiện chỉ chiếm khoảng 0,1% sản lượng toàn cầu.
Trong khi đó, Trung Quốc đang sản xuất gần một nửa số tàu được hạ thủy mỗi năm, vượt qua cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Ba nước này hiện chiếm hơn 95% năng lực đóng tàu dân dụng toàn cầu.