Việt Nam sẽ sớm trở thành cường quốc mạnh về biển, phát triển bền vững

Đặc phái viên của Tổng thống Pháp cho biết Việt Nam có tiềm năng rất lớn về đại dương và Pháp hoàn toàn có thể hợp tác để giúp Việt Nam tận dụng được lợi thế, sớm trở thành cường quốc mạnh về biển.

Pháp từng là một trong những nước đi đầu trong kỷ nguyên Khám phá. Giờ đây họ tiếp tục thể hiện trách nhiệm của một cường quốc biển trong thế kỷ 21 và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để giải quyết các vấn đề liên quan tới đại dương, cũng là vấn đề liên quan đến tương lai của nhân loại.

Nhân dịp Việt Nam và Pháp thiết lập phiên đối thoại lần thứ nhất về các vấn đề liên quan đến biển, đại dương sẽ diễn ra vào ngày mai (18/12), phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ phụ trách Địa cực và đại dương Olivier Poivre d'Arvore - Đặc phái viên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, về kinh nghiệm bảo vệ đại dương và phát triển bền vững, qua đó giúp Việt Nam sớm trở thành cường quốc mạnh về biển.

Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn từ biển

- Đầu tiên, xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm, công tác tại Việt Nam lần này với vai trò là đặc phái viên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron?

Đại sứ Olivier Poivre d'Arvore: Lần nay tôi sang công tác tại Việt Nam, bởi vì tôi nhận thấy Việt Nam là một nước có tiềm năng rất lớn về đại dương.

Có thể nói đại dương là nguồn tiềm lực kinh tế rất lớn. Nếu coi đại dương là quốc gia thì chúng ta có nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Vì vậy, đại dương có rất nhiều tiềm năng để khai phá. Mặc dù trên thế giới, có những nước chỉ có khoảng 50km đường bờ biển, song cũng có những nước có bờ biển dài trên 3.260km như Việt Nam. Vì vậy, chúng ta có rất nhiều điều có thể chia sẻ với nhau về đại dương.

Trong vấn đề đại dương, bờ biển cũng có những hoạt động mang tính thường nhật như khai thác nguồn thực phẩm phục vụ cho nhu cầu đời sống của người dân và không gian biển cũng có thể phục vụ cho nhiều hoạt động mới. Ví dụ như vấn đề cáp ngầm dưới biển, khai thác điện gió. Pháp cũng là một cường quốc mạnh về đại dương, với đường bờ biển rất dài, có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với Việt Nam.

Do vậy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cử tôi sang Việt Nam với tư cách là đặc phái viên trong khuôn khổ 2 nước thiết lập phiên đối thoại lần thứ nhất về các vấn đề liên quan đến biển, khi hai bên đối thoại với nhau. Cụ thể sáng mai (18/12) sẽ khai mạc cơ chế thoại lần đầu tiên tổ chức với tham vọng hàng năm sẽ tổ chức diễn đàn này đồng thời mong muốn hai bên có thể trao đổi các vấn đề liên quan đến đại dương, cũng như vấn đề an ninh, luật pháp liên quan đến biển.

- Được biết vào tháng 6/2025, Pháp và Costa Rica sẽ đồng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đại dương của Liên hợp quốc tại Nice. Vậy Pháp mong đợi điều gì từ các nước tham gia hội nghị, trong việc bảo vệ đại dương và phát triển bền vững?

Đại sứ Olivier Poivre d'Arvore: Cách đây 10 năm, vào năm 2015, Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã được tổ chức, và chúng tôi mong muốn 10 năm sau (tức năm 2025) sẽ tổ chức hội nghị về đại dương để tiếp nối, tạo ra hòa bình rộng lớn, lan tỏa xoay quanh chủ đề về đại dương.

Như chúng ta biết đối với đề khí hậu, hiện còn có rất nhiều khó khăn, bởi chưa có giải pháp trước mắt để giải quyết triệt để được vấn đề khí hậu, ngoài việc thích ứng với thực trạng. Trái lại đối với đại dương, mặc dù vẫn còn những căng thẳng, nhưng về cơ bản đại dương có rất nhiều tiềm năng, cơ hội và các giải pháp để giải quyết (từ các vấn đề thực phẩm, liên quan đến việc tạo ra các sản phẩm tốt cho sức khỏe của người dân đến các sản phẩm mới). Vì vậy, chúng tôi mong muốn sẽ có những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực đại dương, để tạo nên nền hòa bình lan tỏa trên khắp toàn cầu.

Với mục tiêu đó, Pháp mong muốn các quốc gia có vị thế đặc biệt trong lĩnh vực đại dương sẽ cùng tham dự hội nghị lần tới. Chúng tôi hy vọng sẽ mời được khoảng 100 vị nguyên thủ các quốc gia cũng như người đứng đầu của các Chính phủ tham gia (trong đó có Việt Nam).

 Đại sứ phụ trách Địa cực và đại dương Olivier Poivre d'Arvore - Đặc phái viên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Đại sứ phụ trách Địa cực và đại dương Olivier Poivre d'Arvore - Đặc phái viên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Chúng tôi cũng hy vọng Việt Nam sẽ có vai trò trang trọng trong sự kiện này. Theo đó, trong vài ngày tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ nhận được giấy mời chính thức của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tham dự hội nghị với vai trò là khách mời danh dự của hội nghị. Đây cũng là dịp để Việt Nam có tiếng nói, thể hiện được tầm nhìn cũng như sự đánh giá của mình về vai trò của biển, của đại dương trong tương lai phát triển của Việt Nam.

Hình thành mô hình số hóa về đại dương

- Với việc Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đại dương tổ chức tại Nice, trong thời gian tới, liệu mở ra cơ hội mới về hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong khuôn khổ các dự án bảo vệ đại dương và phát triển bền vững?

Đại sứ Olivier Poivre d'Arvore: Có thể nói những hiểu biết của chúng ta về Mặt Trăng còn nhiều hơn về đại dương, vì vậy sự hợp tác để tăng sự hiểu biết về đại dương là hết sức cần thiết. Chúng tôi thấy rằng trong quan hệ hợp tác với Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định. Đơn cử tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (còn gọi là Đại học Việt-Pháp được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp ký ngày 12/11/2009), có rất nhiều nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia về lĩnh vực đại dương là người Pháp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn có sự hợp tác để làm sao khai thác được nhiều hơn những tàu thăm dò đại dương của Pháp, phục vụ cho công tác thu thập thông tin về vùng biển của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ tham gia vào ủy ban các nhà khoa học quốc tế để đóng góp vào việc tìm hiểu cụ thể hơn về hiện trạng hiện tại của đại dương. Thông qua các hoạt động của ủy ban này sẽ đưa ra được báo cáo định kỳ về tình hình đại dương, trên cơ sở đó, các nhà hoạch định chính sách có thể nắm bắt đầy đủ về tình hình đại dương.

- Theo Đại sứ, các sáng kiến bảo vệ môi trường biển có vai trò như thế nào trong việc phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam và các nước đang phát triển khác?

Đại sứ Olivier Poivre d'Arvore: Trong vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh nguy cơ nước biển dâng bởi nó ảnh hưởng đến tất cả các vùng duyên hải hay vùng đất thấp so với mực nước biển. Ở Việt Nam, theo các nghiên cứu thì Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cao hơn mực nước biển khoảng chừng 1m nên cũng thuộc vùng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng nước biển dâng. Tại khu vực này có khoảng 20 triệu người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng như bị “đe dọa” bởi vấn đề nước biển dâng. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải chịu ảnh hưởng bởi vấn đề này.

Vì vậy, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về Đại dương tổ chức vào tháng 6/2025, chúng tôi lần đầu tiên sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các vùng châu thổ ở trên thế giới và vùng ven biển bị đe dọa bởi hiện tượng nước biển dâng. Chúng tôi hy vọng sẽ tập hợp được khoảng 500 nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo của các vùng liên quan (là những người đại diện cho người dân bị ảnh hưởng ở trên thế giới) để có dịp gặp gỡ, trao đổi, tìm ra giải pháp và cùng nhau giải quyết.

 Xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, trú trọng phát triển kinh tế biển giúp người dân giảm nghèo. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, trú trọng phát triển kinh tế biển giúp người dân giảm nghèo. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Những mô hình phát triển bền vững ở ven biển

- Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường các sáng kiến phát triển bền vững, Pháp có thể hỗ trợ về mặt công nghệ và chính sách như thế nào để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển và quản lý tài nguyên biển?

Đại sứ Olivier Poivre d'Arvore: Ngày nay có rất nhiều vấn đề cần tìm ra giải pháp về kỹ thuật số, cũng như số hóa, tin học… Vì vậy, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về Đại dương tới đây, lần đầu tiên chúng tôi sẽ xây dựng và hướng tới việc hình thành các mô hình số hóa về đại dương trên toàn thế giới. Trên cơ sở các dữ liệu khoa học cập nhật được, chúng ta sẽ mô hình hóa lên, qua đó nắm bắt được dòng chảy, các dòng di chuyển của các sinh vật ở trong biển, thậm chí kể cả rác thải hay nguồn ô nhiễm để kịp thời nắm bắt thực trạng của biển cả, của đại dương.

Chúng tôi dự kiến đây là dự án do Ủy ban châu Âu tài trợ, qua đó cung cấp quyền truy cập miễn phí cho tất cả các nước thành viên tham dự sự kiện. Thông qua mô hình này, chúng ta có thể nắm bắt thông tin chi tiết về đại dương, mà không nhất thiết phải đi vào lòng đại dương để khảo sát.

Trên thực tế phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường đôi khi có thể xung đột với nhau. Vậy hỏi Đại sứ, làm thế nào để các quốc gia có thể tìm được sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái biển, đại dương?

Đại sứ Olivier Poivre d'Arvore: Chúng tôi biết rằng trong định hướng Quy hoạch không gian biển quốc gia, Việt Nam có tầm nhìn cho 20 năm tới. Khi có tầm nhìn dài hạn như vậy sẽ hạn chế được các mục tiêu ngắn hạn và đương nhiên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng phải là ưu tiên để có thể trở thành đối tác của các cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng khi hướng tới tầm nhìn dài hạn thì không thể chỉ nhìn vào kết quả, mà cần phải tính toán để nguồn lực có thể tái tạo, duy trì, khai thác lâu dài. Do vậy theo tôi cần phải thực hiện song song 2 vấn đề giữa bảo tồn và đảm bảo nguồn lực cho phát triển.

Tôi lấy ví dụ trong lĩnh vực thủy sản, chúng ta sẽ phải tính toán thời điểm đánh bắt phù hợp, với số lượng bao nhiêu để bảo đảm nguồn thủy sản có thể tái tạo, cũng như bảo đảm hệ sinh thái. Vì vậy, vai trò của khoa học giúp chúng ta đưa ra quyết định đúng đắn cho sự phát triển dài hạn là hết sức quan trọng.

- Hiện nay, Việt Nam đang phát triển nhanh về lĩnh vực du lịch và khai thác tài nguyên biển. Đại sứ có thể chia sẻ kinh nghiệm, hay khuyến nghị để các ngành này phát triển bền vững mà không gây tổn hại đến môi trường trong thời gian tới?

Đại sứ Olivier Poivre d'Arvore: Nói về du lịch, hàng năm Pháp đón khoảng 100 triệu khách du lịch, khoảng một nửa trong số này là khách du lịch (đặc biệt là lớp trẻ) đi đến các vùng biển, nhất là những vùng biển có các hoạt động trải nghiệm đánh dấu sự quan tâm tới việc bảo vệ môi trường. Đơn cử như liên quan đến du lịch và nghề cá. Nếu mỗi năm, chúng ta khai thác triệt để cả 12 tháng thì nguồn cá, hải sản sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt, tương lai sẽ không còn cá để khai thác.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần phải có hướng phát triển mới là mỗi năm phải có vài tháng ngừng đánh bắt cá. Thay vào đó, chúng ta có thể kết hợp với du lịch để đảm bảo sinh kế cho ngư dân vùng biển.

Ví dụ trong giai đoàn ngư nhàn (nhàn rỗi do ngừng đánh bắt cá), có thể cho khách du lịch đến tham quan trải nghiệm về nghề cá như cách đánh bắt cá, cách đóng tàu,… qua đó giúp ngư dân có thu nhập dù không đánh bắt cá. Theo tôi đây là mô hình du lịch thông mình cần được nhân rộng để phát triển bền vững.

 Vịnh trung tâm Cát Bà nằm trong khu vực được phát triển du lịch.

Vịnh trung tâm Cát Bà nằm trong khu vực được phát triển du lịch.

Cơ hội để Việt Nam sớm trở thành cường quốc mạnh về biển

- Theo Đại sứ, hợp tác quốc tế về bảo vệ đại dương và môi trường có thể mang lại những lợi ích kinh tế cụ thể nào cho các nước đang phát triển như Việt Nam?

Đại sứ Olivier Poivre d'Arvore: Khi đề cập đến đại dương thì chúng ta hiểu rằng cả thế giới chỉ có 1 đại dương duy nhất, cho nên không phải chỉ có một nước nào đó mẫu mực, trong khi các nước khác không đi theo hướng bảo vệ môi trường. Vì vậy cần phải bảo đảm việc chống lại ô nhiễm gây hại tới đại dương. Và để có sự thống nhất thì sự hợp tác là rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả.

Tôi lấy ví dụ như tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù chúng ta đã có những chính sách mới rồi, song vẫn cần phải phối hợp với các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong, để có sự phối hợp, bảo đảm nguồn nước ra biển không bị ô nhiễm, cũng như đảm bảo hòa bình chung. Ví dụ như trong một chung cư, thì cần phải đảm bảo sự chia sẻ, kết hợp hài hòa giữa tầng trên và tầng dưới.

- Thời gian qua, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã nhiều hỗ trợ giúp Việt Nam thực hiện các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của việc hỗ trợ này?

Đại sứ Olivier Poivre d'Arvore: AFD là một trong những thể chế hoạt động hợp tác rất hiệu quả của chúng tôi với quy mô tài chính rất lớn. Việt Nam cũng là một trong những đối tác quan trọng của AFD. Trong các việc triển khai các dự án của AFD, tôi thấy vai trò, mối quan hệ chính trị của hai nước Việt Nam và Pháp đã có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ.

Với tinh thần như vậy, chúng tôi rất vui mừng, cách đây vài tháng Tổng Bí thư Tô Lâm đã sang thăm Pháp. Điều này thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Pháp và Việt Nam. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hứa và hy vọng sẽ sớm có chuyến thăm chính thức sang Việt Nam.

Chúng tôi cũng hy vọng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đại dương của Liên hợp quốc tổ chức tại Nice vào tháng 6/2025. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ có được những sự phát triển mạnh mẽ, thậm chí là kinh nghiệm để chia sẻ với chúng tôi trong thời gian tới và trong tương lai gần sẽ có những chuyến gia của Việt Nam sang Pháp chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển các vùng bờ biển.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng có thể khai thác phát triển ở ven biển. Điển hình những dự án cảng biển ở khu vực Hải Phòng hay Đà Nẵng. Đây là những lĩnh vực mà Pháp hoàn toàn có thể hợp tác với Việt Nam, để giúp Việt Nam tận dụng được lợi thế, sớm trở thành cường quốc mạnh về biển./.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-se-som-tro-thanh-cuong-quoc-manh-ve-bien-phat-trien-ben-vung-post1002677.vnp
Zalo