Chính phủ ý kiến về 6 đề nghị xây dựng luật, 1 dự án pháp lệnh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 240/NQ-CP ngày 17/12/2024 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2024.
Tại Nghị quyết, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị, xây dựng dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và trình Chính phủ bảo đảm thời gian, tiến độ và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Pháp lệnh được chuẩn bị kỹ, có chất lượng, bảo đảm bám sát 04 nội dung chính sách được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024.
Chính phủ thống nhất thông qua hồ sơ dự án do Bộ Quốc phòng chuẩn bị; giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (trong đó lưu ý, rà soát kỹ, bảo đảm chỉ quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội).
Tăng cường kiểm soát phát thải các-bon đối với các doanh nghiệp phát thải lớn
Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong quá trình hoàn thiện các chính sách, cần tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các tập đoàn, tổng công ty về năng lượng, trong đó lưu ý một số nội dung: Nghiên cứu bổ sung nội dung chính sách về chuyển đổi xanh, giảm phát thải để việc tiết kiệm năng lượng đi đôi với khuyến khích, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn;
Xây dựng các công cụ tăng cường kiểm soát phát thải các-bon đối với các doanh nghiệp phát thải lớn. Đảm bảo việc giám sát không chỉ có Bộ Công Thương mà có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân;
Bổ sung nội dung chính sách khuyến khích chuyển đổi số, quản lý bằng chuyển đổi số để tăng hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nghiên cứu, rà soát một số nội dung chưa có trong Luật Điện lực (sửa đổi) để xem xét bổ sung vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm bảo đảm việc sử dụng năng lượng thật sự tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với tình hình mới,
Giao quyền chủ động và chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp trong triển khai dự án năng lượng
Về Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Chính phủ cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ về các chính sách của đề nghị xây dựng Luật. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học để bổ sung, hoàn thiện các chính sách, trong đó lưu ý một số nội dung cụ thể như sau:
Tiếp tục nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa gắn với phân bổ nguồn lực và trách nhiệm của cá nhân, tập thể để tháo gỡ về thủ tục hành chính; nâng cao năng lực thực thi, tính chủ động của các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng với việc không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giao quyền chủ động và chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp trong triển khai, thực hiện các dự án năng lượng.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý người bị tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú
Về Đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật. Trong đó, cần tiếp tục tổng kết pháp luật và các quy định có liên quan, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; sửa đổi, bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn. Rà soát, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Khám bệnh, chữa bệnh... Thực hiện đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra là hợp lý, khả thi, hiệu quả. Tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm quốc tế quản lý người bị tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, văn hóa của Việt Nam. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án hình sự
Về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, Chính phủ thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về thi hành án hình sự, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý phù hợp, đầy đủ phục vụ công tác thi hành án hình sự, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người chấp hành án, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự.
Việc hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị trong công tác thi hành án hình sự là cần thiết, nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án hình sự. Bộ Công an cần nghiên cứu kỹ lưỡng các biện pháp giám sát đối với người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả, chặt chẽ về thẩm quyền, điều kiện áp dụng và giao Chính phủ quy định chi tiết về thủ tục, lộ trình thực hiện. Bên cạnh đó, cân nhắc việc quy định giao Chính phủ quy định tổ chức bộ máy trại giam theo thẩm quyền; nghiên cứu quy định công tác phối hợp giữa lực lượng công an và y tế trong bảo đảm an ninh, an toàn các cơ sở chữa bệnh bắt buộc phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đúng thẩm quyền;
Về quyền, nghĩa vụ và chế độ của người chấp hành án, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an đánh giá kỹ lưỡng việc triển khai Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho người đang chấp hành án phạt tù ngoài trại giam; trường hợp cần thiết, nghiên cứu quy định nguyên tắc chung nội dung này trong Luật và giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, phạm vi tổ chức, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, yêu cầu thực tiễn và đúng thẩm quyền.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả"
Chính phủ thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, trong đó lưu ý rà soát, bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, sớm báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan theo thẩm quyền rà soát, sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị trên cơ sở Hiến pháp năm 2013.
Nghị quyết cũng đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến việc phân công trong nội bộ từng cơ quan và mối quan hệ, cũng như cơ chế vận hành, quyền hạn và trách nhiệm của tập thể cơ quan với cá nhân người đứng đầu để thể hiện rõ tinh thần phân cấp trong chính các cơ quan của Chính phủ, qua đó, giúp bộ máy của Chính phủ vận hành hiệu quả.
Đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung nội dung liên quan đến ủy quyền trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với chính quyền địa phương.
Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính
Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), trong đó lưu ý:
Rà soát, bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chú trọng truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận. Tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu của chính sách phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không có thẩm quyền quyết định việc phân quyền, do đó Bộ Nội vụ cần tiếp tục rà soát, xác định nội dung chính sách phù hợp; đồng thời xác định phạm vi phân cấp, phân quyền tại Luật này bảo đảm thống nhất với việc quy định về phân cấp, phân quyền trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Việc xây dựng nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, tránh chồng chéo trùng lắp nhằm triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và khả năng quản lý, điều hành của từng cấp chính quyền địa phương. Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý vướng mắc, bất cập liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", bảo đảm khả thi, phù hợp với thẩm quyền các cơ quan, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu các mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó đánh giá thực tiễn triển khai thí điểm trong thời gian qua, đề xuất các mô hình bảo đảm khả thi, hoạt động hiệu quả.
Về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của phương án không tổ chức cấp chính quyền địa phương ở xã (không tổ chức Hội đồng nhân dân xã), nhất là quyền đại diện của Nhân dân và hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở.
Tránh tình trạng nợ đọng văn bản
Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, soạn thảo kịp thời, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, tránh tình trạng nợ đọng văn bản.
Tiếp tục rà soát các luật, văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện những vướng mắc, lạc hậu so với thực tiễn hoặc những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật.