Dấu ấn phòng, chống thiên tai 2024

Tối 17/12, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức chương trình Tọa đàm 'Dấu ấn phòng, chống thiên tai 2024'.

Những căn nhà đầu tiên tại Khu tái định cư làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN

Những căn nhà đầu tiên tại Khu tái định cư làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN

Chương trình được phát trực tiếp trên trang Facebook thông tin phòng, chống thiên tai tại địa chỉ https://www.facebook.com/phongchongthientaivn.

Chương trình kết nối với đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, tính từ đầu năm đến nay, tại Việt Nam đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai.

Sau những tháng đầu năm hạn hán tại khu vực phía Nam do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino là bão mạnh, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rất rộng tại Bắc Bộ; mưa lũ lớn ở Trung Bộ. Đặc biệt, trong tháng 9/2024, bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền đã ảnh hưởng tới nước ta. Bão và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Cùng với đó, mưa lũ lớn tại khu vực miền Trung sau bão số 6, trong đó tại Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đạt 4,14m, trên báo động 3 là 1,44m gây ngập lụt diện rộng.

Thiên tai năm 2024 đã làm 514 người chết, mất tích, 2.207 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 88.748 tỷ đồng.

Thiên tai năm 2024 diễn ra khốc liệt, cực đoan (đặc biệt là bão số 3), song với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó thiên tai được thực hiện xuyên suốt, kịp thời, quyết liệt từ sớm, từ xa, thống nhất, thông suốt từ trung ương tới cơ sở với phương châm chỉ đạo là “chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất” và “bốn tại chỗ”.

Công tác khắc phục hậu quả bão, lũ đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, nỗ lực khắc phục khó khăn của người dân, doanh nghiệp cùng với hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm với tinh thần đại đoàn kết, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, do vậy đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại do tác động của thiên tai.

Thông tin về những khó khăn trong dự báo mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất hiện nay, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng, dự báo mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất là việc khó không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Ngành Khí tượng thủy văn đã và đang tăng cường hợp tác quốc tế, sử dụng các công nghệ hiện đại để thực hiện việc dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất có khả năng xảy ra trong thời gian từ 6 giờ, 12 giờ... tại các huyện, xã trên phạm vi cả nước, người dân căn cứ vào các dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn để có những biện pháp ứng phó kịp thời.

Nhận định về xu thế các hình thái thời tiết có khả năng xảy ra trong năm 2025, Giám đốc Mai Văn Khiêm cho rằng, với nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng, do vậy chúng ta sẽ phải đối mặt với nắng nóng gay gắt và khốc liệt. Cùng với đó là mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, bão và siêu bão khả năng xuất hiện ngày càng nhiều hơn... Việt Nam cần chuẩn bị về mọi mặt để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai cực đoan.

Đề cập đến các thiệt hại do thiên tai gây ra và những giải pháp khả thi trong ứng phó thiên tai trong thời gian tới, đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa đều cho biết, thiên tai dị thường, cực đoan trong năm 2024 đã gây thiệt hại rất lớn tại các địa phương này. Song nhờ sự chủ động vào cuộc của chính quyền và người dân với tinh thần ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" đã góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai.

"Sự cố cống tiêu Nổ Thôn, đê tả Mã, tỉnh Thanh Hóa là sự cố đặc biệt nguy hiểm, có diễn biến phức tạp, nếu không kịp thời xử lý sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ đê. Với sự chỉ đạo sát sao, bắt kịp tình hình của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ, máy móc, phương tiện, vật tư, kịp thời xử lý sự cố, đảm bảo an toàn cho tuyến đê, cho khu vực bảo vệ bên trong gồm 14 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Lộc với diện tích khoảng 7.515 ha và 59.000 người", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường nêu ví dụ.

Để công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả trong thời gian tới, các địa phương nêu trên tập trung vào các giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai, tập huấn, diễn tập các tình huống giả định về thiên tai sát với thực tế, tăng cường sự phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống thiên tai...

Theo nhà báo Tùng Thư, Đài Truyền hình Việt Nam, việc ứng phó với các loại hình thiên tai khẩn cấp ở Việt Nam được thực hiện rất tốt vì có lực lượng chuyên nghiệp trong công tác này. Các công tác như sơ tán người dân, thông đường, thông tuyến, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn được thực hiện khẩn trương, kịp thời.

"Tuy nhiên trước tình hình diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, điều làm tôi trăn trở là làm thế nào để có các kế hoạch, quy hoạch phòng, chống thiên tai cụ thể hơn, vấn đề nhà cửa, sinh kế bền vững của người dân ra sao để thích ứng lâu dài, nhất là đối với những khu vực khó khăn, dễ bị tổn thương...", nhà báo Tùng Thư chia sẻ.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và các giải pháp hiệu quả hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn, bền vững trước thiên tai...

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/dau-an-phong-chong-thien-tai-2024-20241217225947598.htm
Zalo