Tài nguyên giáo dục mở - Nhân tố quan trọng trong chính sách chuyển đổi số giáo dục đại học
Các khuyến nghị của chuyên gia tư vấn quốc tế tập trung trước tiên vào việc hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số trong giáo dục đại học và khuyến khích sử dụng rộng rãi tài nguyên giáo dục mở.
Ngày 17.12, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Trường Đại học Văn Lang (VLU) đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Tài nguyên giáo dục mở phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam: Từ chính sách đến triển khai”.
Với hơn 200 đại biểu từ gần 40 cơ sở giáo dục đại học và tổ chức hợp tác trong khắp cả nước đăng ký tham dự, hội thảo hướng đến các mục tiêu nâng cao nhận thức của các nhà quản lý và các bên liên quan về vai trò của tài nguyên giáo dục mở (OER) trong quá trình chuyển đổi số giáo dục đại học tại Việt Nam.
Hội thảo cũng giới thiệu các nhân tố tham gia và quy trình triển khai (thiết kế, sản xuất và chia sẻ) OER trên phạm vi toàn cầu. Giúp làm quen với các quy chuẩn và tiêu chuẩn về OER trong khuôn khổ các công ước và hiệp định quốc tế.
Hội thảo này là một sự tiếp nối của dự án “Xây dựng khung pháp lý và nền tảng cho tài nguyên giáo dục mở dùng cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam”, do VLU chủ trì với nguồn tài trợ của AUF. Triển khai thành công từ năm 2021 đến năm 2023, dự án này đã góp phần vào sự ra đời của Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 25.9.2023.
Nhằm tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được, AUF đã mời chuyên gia quốc tế đến khảo sát hiện trạng phát triển và sử dụng OER tại nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia và Vanuatu) từ tháng 7 đến tháng 9.2024. Dựa vào kết quả khảo sát, chuyên gia này đã biên soạn một bản báo cáo tư vấn, kèm theo các khuyến nghị nhằm phát triển lĩnh vực OER trong Cộng đồng Pháp ngữ khoa học tại Việt Nam nói riêng và tại châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Bản báo cáo này cũng là một cơ sở để AUF tổ chức một hội thảo quốc tế để thảo luận, nâng cao nhận thức của các bên liên quan, kết hợp với một lớp chuyên sâu nhằm đào tạo một nhóm giảng viên nòng cốt về OER tại chỗ, làm tiền đề duy trì và mở rộng phạm vi đào tạo về sau.
Các khuyến nghị của chuyên gia tư vấn quốc tế tập trung trước tiên vào việc hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số trong giáo dục đại học và khuyến khích sử dụng rộng rãi tài nguyên giáo dục mở. Cụ thể hơn nữa, rất cần có sự công nhận một cách chính thức và rõ ràng các loại giấy phép mở trong quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhằm tạo một nền tảng pháp lý vững chắc cho việc sử dụng và biên soạn, sản xuất tài nguyên giáo dục mở, qua đó thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp sư phạm và chia sẻ tri thức trong cộng đồng giáo dục đại học Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng rất cần chú trọng hơn nữa công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, cải thiện quyền tiếp cận số của công dân và lưu trữ dữ liệu nghiên cứu trong các chính sách chuyển đổi số, giúp nâng cao chất lượng quản trị đại học và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phát triển một nền giáo dục toàn diện và có trách nhiệm.