Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển dịch vụ blockchain

Phát triển mạng lưới và dịch vụ blockchain đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới chứ không riêng tại nước nào.

Ngày 6-5, trong sự kiện công bố cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Blockchain Việt Nam" tổ chức tại Hà Nội, ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết việc phát triển công nghệ và dịch vụ blockchain đã trở thành xu thế chung của toàn cầu chứ không riêng quốc gia nào.

 Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Ảnh: Vietnam+

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Ảnh: Vietnam+

Câu chuyện phát triển blockchain tại Trung Quốc và châu Âu

Theo Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, blockchain tại Trung Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt tại Hồng Kông. Blockchain Trung Quốc đã phủ được tất cả 133 trung tâm dữ liệu trong nước và 8 trung tâm dữ liệu quốc tế.

Trong khi đó, châu Âu cũng thực sự phát triển blockchain từ năm 2018 và đã trải qua ba chu kỳ phát triển blockchain, đó là chu kỳ đặt nền móng cho chính sách, triển khai và phát triển blockchain.

Đến nay, châu Âu đã ban hành đạo luật thị trường tiền điện tử (MiCA) vào năm 2023 và tiếp tục tiến rất nhanh, hoàn thiện được khung pháp lý về tài sản mã hóa. Sau khi hoàn thành pháp lý, họ tiếp tục tiến đến hoàn thiện hệ thống định danh số kiểu như VNEID dựa trên cơ sở dữ liệu đã có.

Trong bối cảnh hiện tại, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam tin rằng Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển dịch vụ blockchain, phát triển ra quy mô quốc tế và kết nối với các nước có công nghệ blockchain tốt trên thế giới.

Phát triển nền tảng chuỗi khối Make in Vietnam

Phát biểu tại sự kiện, Trung tướng Đặng Vũ Sơn - Nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh: “Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị ban hành ngày 22-12-2024 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 phát triển hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số … trong đó có công nghệ chuỗi khối."

Chiến lược Blockchain Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1236 ngày 22-10-2024, đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong lĩnh vực blockchain.

Trong đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và các hội, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ “phát triển các nền tảng chuối khối Make in Vietnam. Xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng chuỗi khối hoạt động trên hạ tầng chuỗi khối Việt Nam. Tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng blockchain (blockchain platform) thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài”.

Hiện nay, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ blockchain và tài sản số, Việt Nam cũng đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý. Luật Công nghiệp Công nghệ số và Nghị định của Chính phủ về khung pháp lý cho giao dịch tài sản mã hóa đang trong quá trình xây dựng và sẽ sớm được ban hành. Đây là nền tảng quan trọng giúp bảo đảm sự phát triển minh bạch, bền vững và an toàn cho lĩnh vực này tại Việt Nam.

Việc phát triển công nghệ blockchain nội địa không chỉ giúp Việt Nam làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, tiến tới không lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài mà còn góp phần đảm bảo chủ quyền số, an toàn thông tin và an ninh quốc gia trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình số hóa toàn diện.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-co-tiem-nang-lon-trong-phat-trien-dich-vu-blockchain-post848211.html
Zalo