Cuộc đua trên thị trường bán lẻ đồ gia dụng

Thị trường đồ gia dụng Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu quốc tế và sự đa dạng của thương hiệu nội địa.

Tiềm năng thị trường lớn

Theo Bộ Công thương, quy mô thị trường đồ gia dụng trong nước trị giá ước tính lên đến 12,5 -13 tỷ USD, nhu cầu mua sắm các thiết bị điện gia dụng, thiết bị nhà bếp sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2025. Tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 10% mỗi năm và mỗi hộ gia đình Việt Nam chi tiêu trung bình khoảng 8,4 triệu đồng cho các thiết bị gia dụng.

Mới đây, WMF, thương hiệu đồ gia dụng từ châu Âu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên để mở cửa hàng chính hãng (flagship store) tại thị trường Đông Nam Á. WMF là thương hiệu đồ gia dụng cao cấp của Tập đoàn Groupe Seb.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về lý do chọn thị trường Việt Nam, ông William Yates, Phó chủ tịch khu vực Đông Nam Á Tập đoàn Groupe Seb cho biết: “Việt Nam hiện có dân số hơn 100 triệu người, tương đương với khoảng gần 30 triệu hộ gia đình. Trong đó, khoảng 6 triệu hộ thuộc phân khúc cao cấp, đây chính là nhóm khách hàng trọng tâm mà chúng tôi hướng tới. Chúng tôi nhận thấy rằng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và ngày càng có điều kiện tài chính tốt hơn.

Khi mức sống được nâng cao, người tiêu dùng Việt bắt đầu tìm kiếm những trải nghiệm tốt hơn trong mọi khía cạnh của cuộc sống không chỉ riêng ở lĩnh vực đồ dùng nhà bếp. Họ muốn nâng cấp sự lựa chọn của mình ở tất cả các lĩnh vực, hướng đến chất lượng cao hơn, thiết kế tinh tế hơn và cuối cùng là một phong cách sống tốt hơn. Đó chính là lý do chúng tôi tin tưởng rằng WMF có thể gặt hái được thành công lớn tại thị trường Việt Nam”.

Tiềm năng thị trường đồ gia dụng tại Việt Nam được đánh giá cao

Tiềm năng thị trường đồ gia dụng tại Việt Nam được đánh giá cao

Nói thêm về tham vọng phát triển tại thị trường Việt Nam, ông Olivier Naccache, Phó chủ tịch điều hành Khu vực các thị trường mới và Khu vực châu Á Thái Bình Dương và Thành viên Tập đoàn Groupe Seb cho biết: “Tham vọng phát triển thương hiệu WMF tại Việt Nam đã được chúng tôi ấp ủ từ hơn 10 năm trước, khi mua lại công ty AsiaFan. Hiệu suất sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện đang rất mạnh. Riêng ở Đông Nam Á, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong những năm sắp tới. Việt Nam có dân số trẻ, tỷ lệ sinh cao, kinh tế phát triển năng động, đặc biệt là nhờ ngành du lịch. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục ổn định và năng lực sản xuất công nghiệp đang ngày càng được củng cố”.

WMF là một thương hiệu mang đậm dấu ấn nước Đức. Thương hiệu này đang mở rộng danh mục của mình gồm nồi, chảo, dao, phụ kiện nhà bếp, và các thiết bị gia dụng nhỏ (SDA). Các dòng sản phẩm này được điều chỉnh để phù hợp hơn với các nền văn hóa khác nhau, nơi thương hiệu đặt mục tiêu phát triển. Tại Việt Nam, WMF vừa ra mắt máy pha cà phê tự động.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) cho biết, mảng kinh doanh đồ gia dụng mang lại lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp, đồng thời kỳ vọng thiết bị gia dụng sẽ đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng của Digiworld năm nay.

Quý I/2025, Digiworld ghi nhận kết quả ấn tượng, tăng trưởng 2 chữ số với cả doanh thu và lợi nhuận, với doanh thu đạt 5.520 tỷ đồng, tăng trưởng 11% và lợi nhuận đạt 106 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành thiết bị gia dụng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu kỷ lục, tương ứng tăng 91% so với quý I/2024 và tỷ trọng cũng tăng mạnh từ 5% lên 8% tổng doanh thu DGW.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG), kết thúc quý I/2025 ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 1.547 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, mảng kinh doanh Thế giới di động và Điện Máy Xanh vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu 14% nhờ vào việc tập trung tăng doanh thu cửa hàng hiện hữu, với mức tăng trung bình 15% trên mỗi cửa hàng so với cùng kỳ.

Cuộc đua tăng tốc

Nhìn vào kế hoạch kinh doanh năm nay của các nhà bán lẻ lớn đều thấy mục tiêu tăng trưởng hai con số. Cụ thể, Digiworld đã đặt mục tiêu năm 2025 doanh thu đạt 25.450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 523 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12,8% và 16,7% so với thực hiện năm 2024.

Bên cạnh đó, Thế giới di động cũng đã đưa ra kế hoạch năm 2025 với chỉ tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 30% so với cùng kỳ.

CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) thông qua kế hoạch doanh thu 48.100 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế dự kiến 900 tỷ đồng, tăng 70,8% so với thực hiện trong năm 2024.

Với doanh nghiệp mới gia nhập ngành, để thành công tại thị trường Việt Nam, ông William Yates cho biết, WMF sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính, bao gồm xây dựng nhận diện thương hiệu và thu hút người tiêu dùng mới đến với WMF; mở rộng hệ thống phân phối, mục tiêu sẽ có hơn 10 cửa hàng WMF hiện diện trên toàn quốc; và điều quan trọng nhất là yếu tố con người. Trải nghiệm thương hiệu WMF không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn đến từ những con người trực tiếp kết nối với khách hàng. WMF không chỉ bán sản phẩm mà bán trải nghiệm.

“Khi bạn bước vào một cửa hàng WMF, nhân viên sẽ không chỉ nói về sản phẩm, họ sẽ trò chuyện về lối sống của bạn. Họ sẽ cùng bạn khám phá cách bạn muốn sống, muốn chia sẻ khoảnh khắc với gia đình trong gian bếp ấm cúng của mình. Đó chính là triết lý mà WMF theo đuổi”, ông William Yates nói.

Các doanh nghiệp đều bước vào cuộc đua tăng tốc năm nay dù thị trường còn đối mặt với nhiều thách thức từ ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ. Nhiều sản phẩm mới được đưa ra mắt thị trường, chinh phục khách hàng không chỉ bằng sản phẩm tốt mà còn bởi nhiều trải nghiệm

Các doanh nghiệp đều bước vào cuộc đua tăng tốc năm nay dù thị trường còn đối mặt với nhiều thách thức từ ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ. Nhiều sản phẩm mới được đưa ra mắt thị trường, chinh phục khách hàng không chỉ bằng sản phẩm tốt mà còn bởi nhiều trải nghiệm

Chia sẻ bí quyết luôn giữ tốc độ tăng trưởng trong phân phối đồ gia dụng tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Đức Nhã, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thương mại James & Partners cho biết, khách hàng cần những dịch vụ đảm bảo giá trị sản phẩm trong thời gian dài, bán sản phẩm đi kèm dịch vụ xứng tầm sẽ chinh phục được khách hàng.

Nhận định về ngành thiết bị gia dụng, theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), ngành này có tiềm năng tăng trưởng vượt trội nhờ dân số đông và quá trình đô thị hóa. Năm 2024, quy mô thị trường đạt 43.000 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước và dự báo sẽ đạt từ 8,6 - 9 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trung bình 5,15% mỗi năm nhờ sự bùng nổ của các thiết bị gia dụng thông minh. Nhiều gia đình được dự báo sẽ sớm nâng cấp và chuyển sang sử dụng thiết bị thông minh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành trong năm tới.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cuoc-dua-tren-thi-truong-ban-le-do-gia-dung-post368438.html
Zalo