Giải pháp xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu
Ngày 6/5, tại Thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Trung tâm khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp 'Giải pháp xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu'.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn tham gia trao đổi tại diễn đàn.
Tham dự có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm khuyến nông, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Thái Bình..., một số hộ nông dân, đại diện các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi ở các tỉnh, thành phố...
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia Lê Minh Lịnh nhấn mạnh: Trong những năm qua, ngành chăn nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm của đất nước. Hiện nay, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn (trên 25%) trong cơ cấu của ngành nông nghiệp và là sinh kế quan trọng của hơn 10 triệu hộ gia đình nông thôn, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sang các nước hiện chưa được như mong muốn, cơ bản vẫn nuôi theo hình thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, chưa bảo đảm an toàn dịch bệnh. Việc tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm tại các nông hộ chưa nhiều do lực lượng thú y cơ sở "mỏng".

Đại diện các doanh nghiệp, chủ trang trại tham dự diễn đàn.
Công tác giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở một số nơi đôi lúc vẫn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, để người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm dịch bệnh lây lan. Cơ sở hạ tầng trong các vùng quy hoạch chăn nuôi, giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, ngành chăn nuôi không chỉ đóng vai trò then chốt trong bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm mà còn có tiềm năng lớn phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, việc xây dựng và duy trì cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ giúp kiểm soát rủi ro dịch bệnh, giảm thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tạo niềm tin với các đối tác quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các đại biểu tham gia trao đổi, tham luận tại diễn đàn.
Tại diễn đàn các đại biểu đã tập trung trao đổi và thảo luận luận làm rõ một số vấn đề như: Những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả trong chăn nuôi; giải pháp xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; những thách thức và cơ hội trong việc phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu thực phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Trong thời gian diễn ra diễn đàn, các đại biểu đã đến tham quan mô hình chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật tại Hợp tác xã Kim Dung, huyện Cao Lộc và Công ty TNHH MTV Thương mại và nông nghiệp, xã Mai Pha, Thành phố Lạng Sơn...