Chủ tịch Quốc hội: cần bổ sung các chính sách ưu đãi cho kết quả nghiên cứu khoa học
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý dựa trên công nghệ hoặc phi công nghệ, mang lại giá trị gia tăng và ứng dụng thực tế.
Chiều 6/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Đề nghị chia sẻ dữ liệu để quản lý người nhập cảnh nghiên cứu khoa học
Phát biểu về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc xây dựng dự án luật này là cần thiết để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động khoa học và công nghệ; thu hút đầu tư từ xã hội để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả, tính tự chủ cho các tổ chức, doanh nghiệp và tạo cơ chế phát triển đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đối mới sáng tạo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu thảo luận tại tổ 13.
Về nội dung cụ thể của dự thảo luật, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và chỉnh lý, hoàn thiện thêm một số nội dung. Cụ thể, tại điểm c khoản 1 điều 41 dự thảo luật về thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài, đề nghị bổ sung yếu tố bảo đảm về an ninh quốc phòng được chặt chẽ hơn.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại phiên họp.
Tại điều 45 dự thảo luật về công nhận trung tâm đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị bổ sung quy định đối với trung tâm đổi mới sáng tạo thuộc cơ quan nhà nước thì không phải thực hiện trình tự, thủ tục để công nhận là trung tâm đổi mới sáng tạo theo quy định của điều này mà các cơ quan này sẽ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.
“Tại điều 78 dự thảo luật về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo hướng miễn giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh khi xin thị thực đối với người lao động nước ngoài nhập cảnh để thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, về nội dung này, đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thể phân loại, xác định được việc người đó xin thị thực vào Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ nêu trên qua kênh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với Bộ Công an để bảo đảm việc triển khai thực hiện được chặt chẽ, thuận lợi, nhất là đảm bảo quốc phòng, an ninh” - Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh.
Đảm bảo lợi ích tài chính cụ thể cho các nhà nghiên cứu
Cũng phát biểu về dự án luật này, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ tán thành cần thiết ban hành dự án luật, đồng thời đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết để có hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ vướng mắc về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN. Theo đại biểu, cần làm rõ "tài sản trang bị" bao gồm những gì? Chỉ là trang thiết bị được đầu tư mua sắm từ ngân sách nhà nước để phục vụ quá trình nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm KH&CN? Hay cả vật tư tiêu hao, phần mềm, cơ sở dữ liệu sản phẩm cuối cùng trong quá trình nghiên cứu các nhiệm vụ KH&CN được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu...? Ranh giới giữa "tài sản trang bị" (mua sắm để thực hiện) và "tài sản hình thành từ nhiệm vụ" (các loại tài sản được tạo ra hoặc có được trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ) phải rất rõ ràng. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết điều này để xử lý các vấn đề phát sinh về xử lý tài sản trong thực tiễn áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu tại phiên họp.
Là chủ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Như So nêu 3 nội dung góp ý cụ thể vào dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Đó là bổ sung quy định về cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ để bảo vệ kết quả nghiên cứu, không chỉ dừng ở việc cấp bằng sáng chế hay bản quyền mà phải bao gồm cơ chế thương mại hóa, chuyển giao, đảm bảo lợi ích tài chính cụ thể cho các nhà nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, tránh tình trạng "chỉ trên giấy".
Bổ sung chính sách ưu đãi thuế cụ thể: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, hoặc giảm thuế GTGT đối với sản phẩm, dịch vụ KH&CN có ứng dụng kết quả nghiên cứu trong nước; đồng thời triển khai mô hình đồng tài trợ công – tư. Thứ 2 là bổ sung cơ chế tài chính mang tính phân tầng, phù hợp với tầm vóc và trách nhiệm của doanh nghiệp đầu ngành. Thứ 3 là đề nghị quy định rõ thẩm quyền quyết định và cơ chế tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc quản lý và sử dụng quỹ, bảo đảm doanh nghiệp được toàn quyền chủ động xác định nhiệm vụ, lựa chọn hình thức triển khai phù hợp với nhu cầu thực tiễn và chiến lược phát triển của mình.
Phải bao quát toàn diện về đổi mới sáng tạo
Góp ý cụ thể về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị chỉnh sửa tên luật theo hướng Luật Khoa học, Công nghệ (sửa đổi) và Đổi mới sáng tạo. "Việc này cũng là để công bố cho cả trong nước và quốc tế thấy được Đảng, Nhà nước, Quốc hội hết sức quan tâm đến lĩnh vực khoa học, công nghệ. Chúng ta đã ban hành Luật Khoa học và Công nghệ từ năm 2013. Bây giờ theo yêu cầu của Nghị quyết số 57 và yêu cầu của tình hình mới thì Luật Khoa học và Công nghệ được sửa đổi và bổ sung thêm một lĩnh vực nữa là đổi mới sáng tạo" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ khái niệm và phạm vi của "đổi mới sáng tạo" vì theo dự thảo luật hiện nay, theo Chủ tịch Quốc hội, còn thiên về công nghệ, chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh phi công nghệ như đổi mới sáng tạo trong khoa học xã hội, nhân văn, mô hình kinh doanh, quản lý...
Nhấn mạnh, "phải bao quát toàn diện về đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần bổ sung rõ hơn, rộng hơn khái niệm "đổi mới sáng tạo". Theo đó, đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý dựa trên công nghệ hoặc phi công nghệ, mang lại giá trị gia tăng và ứng dụng thực tế. Làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh bao gồm cả các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, quản trị công được khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ về việc cần tăng cường hơn nữa các cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, dự thảo luật chưa có quy định điều khoản cụ thể nào về đột phá ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học. "Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rất rõ vấn đề này. Ban soạn thảo phải cập nhật ngay những quan điểm, chỉ đạo của Nghị quyết", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ. cần quy định rõ, mạnh mẽ các ưu đãi thuế, ví dụ như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các sản phẩm thương mại hóa từ nghiên cứu khoa học; thiết lập các cơ chế tài chính linh hoạt như Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đơn giản hóa các thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; giảm các rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, Quốc hội chỉ ban hành luật khung, Chính phủ sẽ ban hành nghị định, các bộ ban hành thông tư để quy định chi tiết, song phải bảo đảm sự thông suốt từ luật đến nghị định, thông tư, xóa các rào cản để khuyến khích các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển.
Đề cập vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần bổ sung các chính sách ưu đãi như: miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu cơ bản, chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc cao hơn, định hướng ngành nghề sớm cho học sinh, sinh viên; có các chương trình đào tạo liên ngành...
"Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta muốn phát triển nhanh thì phải dựa vào khoa học, công nghệ, dựa vào giáo dục đào tạo. Một nền giáo dục tốt sẽ có những nhà khoa học tài năng. Đây là vấn đề phải đặc biệt quan tâm để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.