Việt Nam có làng nghề đầu tiên thuộc Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới

Tối 14/2, diễn ra Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới do UBND thành phố Hà Nội tổ chức.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Sự kiện có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Sa'ad al-Qaddumi, Chủ tịch hội đồng Thủ công thế giới cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội cũng như các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương; có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, nổi bật như các sản phẩm gốm sứ, dệt, thêu, ren, đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản...

Hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc không chỉ là những biểu tượng của nghề thủ công truyền thống Việt Nam, mà là những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, kết tinh từ tài hoa cùng tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi.

Đến nay, thế giới có 68 làng nghề thuộc 28 quốc gia được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Việc hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc được Hội đồng Thủ công thế giới công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới vừa là niềm tự hào vừa là minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu thời đại.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, thời gian tới, Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Thủ công thế giới để quảng bá rộng rãi hơn nữa những tinh hoa nghề thủ công của Hà Nội cũng như thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề của Thủ đô.

Bát Tràng không chỉ là cái nôi của nghề gốm sứ Việt Nam mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Bát Tràng nổi tiếng với nghề làm gốm cách đây hơn 500 năm, các nghệ nhân gốm với bề dày kinh nghiệm, sự sáng tạo đã khôi phục được các mẫu gốm từ thời xa xưa như thời nhà Lý, Trần, Lê, Mạc... Gốm Bát Tràng được làm từ kỹ thuật tạo men và nung lò vô cùng tỉ mỉ, chuẩn xác, mang đến sự hài hòa cả về hình thể lẫn màu sắc của gốm, là nơi giao thoa nghề gốm truyền thống và hiện đại của Việt Nam. Những sản phẩm gốm sứ không chỉ tinh tế về hình thức, còn đa dạng về mẫu mã, từ đó ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và đại biểu tham quan không gian trưng bày sản phẩm lụa Vạn Phúc. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và đại biểu tham quan không gian trưng bày sản phẩm lụa Vạn Phúc. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Về làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã có bề dày hàng nghìn năm, được các nghệ nhân gìn giữ và phát triển nghệ thuật dệt lụa, với những tấm lụa không chỉ đẹp về màu sắc mà còn tinh xảo trong từng đường nét hoa văn. Làng nghề dệt Lụa Vạn Phúc đang trở thành điểm du lịch, tham quan nổi tiếng của Thủ đô để du khách khám phá, tìm hiểu về nét đẹp truyền thống.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin, năm 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đề xuất Hội đồng Thủ công thế giới công nhận thêm ít nhất 2 làng nghề là thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội xác định vai trò quan trọng của các làng nghề, từ đó đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 11 nhóm giải pháp.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được trưng bày giới thiệu tại buổi lễ. Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được trưng bày giới thiệu tại buổi lễ. Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Tới đây, để làng nghề thực sự là điểm nhấn trong phát triển kinh tế, gắn với chuỗi du lịch văn hóa, làng nghề với nông nghiệp nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tham mưu cho thành phố triển khai một số nội dung về rà soát Quy hoạch các làng nghề; trong đó, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng; rà soát những nghề cần gắn với làng để phát triển làng nghề gắn với du lịch nông thôn, kết nối các tour tuyến du lịch, giáo dục trải nghiệm, tạo ra đa giá trị cho làng nghề.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ, bảo tồn phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn phù hợp với Luật Thủ đô năm 2024để từng bước tháo gỡ, khó khăn, điểm nghẽn trong phát triển làng nghề , từ đó tạo điều kiện thuận lợi nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề và phát triển bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tiến bộ khoa học công nghệ, đưa công nghệ số, hạ tầng số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế để thiết kế sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đương đại những vẫn giữ được bản sắc vốn có của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư cải tiến vật liệu mới vào sản xuất để tiết kiệm nguyên liệu, lao động; ưu tiên các công nghệ sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường theo xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và phát triển làng nghề, cải tiến mẫu mã sản phẩm và tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá của Hội đồng Thủ công thế giới với các làng nghề tham gia ứng viên vào thành phố thủ công sáng tạo thế giới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát và tạo điều kiện cho các làng nghề tiềm năng, cơ sở sản xuất kinh doanh, khắc phục những điểm hạn chế, tồn tại; nâng cao phát huy những lợi thế, điểm mạnh của làng nghề hoàn thiện hồ sơ đáp ứng yêu cầu để đề nghị công nhận trong thời gian tới./.

Nam Giang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/viet-nam-co-lang-nghe-dau-tien-thuoc-mang-luoi-cac-thanh-pho-thu-cong-sang-tao-the-gioi/363232.html
Zalo