Người bệnh viêm khớp dạng thấp có nên tập thể dục?

Tập thể dục rất quan trọng với người bệnh viêm khớp dạng thấp, giúp giảm đau và tổn thương khớp thêm, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, cải thiện sức mạnh cơ bắp, sức khỏe tinh thần...

Viêm khớp dạng thấp (RA) là một rối loạn tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh, bao gồm cả khớp. Các yếu tố nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm tuổi tác, giới tính, di truyền, phơi nhiễm môi trường (sử dụng thuốc lá, tiếp xúc với ô nhiễm không khí, phơi nhiễm nghề nghiệp)…

Nội dung

1. Lợi ích của tập thể dục với người bệnh viêm khớp dạng thấp

2. Một số bài tập tốt cho người viêm khớp dạng thấp

2.1 Bài tập tim mạch

2.2 Bài tập sức mạnh

3. Các bài tập cần tránh với người viêm khớp dạng thấp

4. Lưu ý khi tập luyện

Những người sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp thường đi kèm với nhiều thách thức về thể chất như đau khớp, giảm sức mạnh cơ… Mặc dù các phương pháp điều trị mới đã cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, nhưng căn bệnh vẫn có thể dẫn đến tổn thương khớp và khuyết tật lâu dài. Đây là lý do tại sao việc kết hợp các hình thức hoạt động thể chất phù hợp cùng với quá trình điều trị lại rất quan trọng.

1. Lợi ích của tập thể dục với người bệnh viêm khớp dạng thấp

Nghiên cứu cho thấy rằng, tập thể dục giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) và cải thiện chức năng hàng ngày. Đối với những người bị viêm khớp dạng thấp, hoạt động thể chất rất quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng bệnh và duy trì lối sống lành mạnh.

Tham gia hoạt động thể chất (như đi bộ, bơi lội) và/hoặc các bài tập vận động thường xuyên có thể cải thiện phạm vi chuyển động, cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Viêm khớp dạng thấp có thể gây khuyết tật...

Viêm khớp dạng thấp có thể gây khuyết tật...

Nhiều người bị viêm khớp dạng thấp tránh tập thể dục vì sợ rằng sẽ làm trầm trọng thêm cơn đau khớp. Tuy nhiên, hoạt động thể chất thường xuyên là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm đau, cứng khớp và tình trạng tàn tật thường liên quan đến viêm khớp dạng thấp.

Ngoài ra, tập thể dục còn giúp:

- Ngăn ngừa sự phát triển của chứng suy mòn dạng thấp: Chứng suy mòn dạng thấp là tình trạng mất khối lượng cơ nhanh chóng, góp phần gây khuyết tật và đã được báo cáo ở phần lớn bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, bao gồm cả những người mắc viêm khớp dạng thấp ổn định. Nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ hoạt động thể chất thấp, góp phần vào sự phát triển của chứng suy mòn này.

- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch (CVD):Những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp ít hoạt động thể chất có hồ sơ yếu tố nguy cơ tim mạch kém hơn đáng kể (bao gồm cholesterol toàn phần cao, huyết áp tâm thu cao hơn và mức lipoprotein mật độ thấp), so với những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp hoạt động thể chất nhiều. Điều này đặc biệt có liên quan, vì một trong những nguyên nhân làm giảm tuổi thọ ở người bệnh nhân viêm khớp dạng thấp là bệnh tim.

- Cải thiện mật độ khoáng xương: Lối sống ít vận động khiến bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao bị giảm mật độ khoáng xương (BMD), kết hợp với viêm toàn thân (do bệnh) và tác dụng phụ từ thuốc steroid uống liều cao (điều trị bệnh) làm tăng nguy cơ mất xương ở những người bệnh này.

- Cải thiện sức khỏe khớp: Tổn thương khớp là một trong những thách thức rõ rệt nhất của viêm khớp dạng thấp, vì bệnh ảnh hưởng đến dây chằng. Chức năng chính của dây chằng là ổn định thụ động và giúp khớp chuyển động bình thường. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục giúp tăng cường dây chằng, tăng cường cơ xung quanh các khớp bị ảnh hưởng.

- Cải thiện chức năng chung: Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường bị mệt mỏi, đau – cứng khớp, suy giảm chức năng thể chất… Tập thể dục có thể giúp cải thiện một số hoặc tất cả các triệu chứng này, đặc biệt là chức năng và sức khỏe tâm lý…

2. Một số bài tập tốt cho người viêm khớp dạng thấp

Tập thể dục cường độ thấp ở những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp ổn định và hoạt động, được kiểm soát giúp tăng khả năng vận động của khớp, chức năng thể chất và khả năng hiếu khí.

2.1 Bài tập tim mạch

Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Đây là lý do tại sao người bệnh nên tập các bài tập tim mạch. Điều này sẽ giúp tim khỏe hơn, giảm huyết áp và cải thiện mức cholesterol.

Đi bộ là bài tập tốt cho người bệnh viêm khớp dạng thấp.

Đi bộ là bài tập tốt cho người bệnh viêm khớp dạng thấp.

Các bài tập tim mạch có thể bao gồm đi bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ…

- Đi bộ: Là bài tập đặc biệt tốt, ít tác động, an toàn, không tốn kém và dễ thực hiện vì không cần thiết bị gì ngoài một đôi giày thể thao tốt.

- Đạp xe:Cũng là một hoạt động aerobic tốt, giúp rèn luyện các nhóm cơ lớn, cải thiện sức mạnh cơ và khả năng vận động của khớp mà không làm trầm trọng thêm bệnh.

- Bơi lội: Là một hình thức hoạt động thể chất tuyệt vời vì nó gây rất ít căng thẳng cho các khớp trong khi cho phép bạn tập luyện hết khả năng của mình. Nó liên quan đến hầu hết các cơ và khớp và là một bài tập toàn diện tốt.

- Khiêu vũ: Là một hình thức tập thể dục nhịp điệu có thể giúp giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu và mệt mỏi.

Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mất xương, các bài tập chịu trọng lượng như đi bộ, khiêu vũ và leo cầu thang… giúp ngăn ngừa loãng xương.

2.2 Bài tập sức mạnh

Bài tập sức mạnh là các bài tập thể lực, rèn luyện sức bền hoặc cơ bắp bằng cách sử dụng các dụng cụ hỗ trợ hoặc chính bản thân người tập. Thực hiện các bài tập sức bền hai đến ba lần một tuần để có cơ bắp khỏe hơn, giúp hỗ trợ khớp tốt hơn và đốt cháy nhiều calo hơn. Lợi ích của các hoạt động tăng cường cơ bắp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bao gồm:

Cải thiện chức năng thể chất
Tăng khối lượng cơ
Giảm khối lượng mỡ

Người bệnh có thể thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh bằng cách sử dụng dây kháng lực, trọng lượng cơ thể (chống đẩy), gập người… Các bài tập tăng cường sức mạnh cho bàn tay cũng đã được chứng minh là có hiệu quả đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Ví dụ, Các bài tập tăng cường sức mạnh cho tay, duỗi ngón tay, nắm đấm… (nên nhờ chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn cách thực hiện từng động tác).

3. Các bài tập cần tránh với người viêm khớp dạng thấp

Đối với người bệnh viêm khớp dạng thấp, tốt nhất là tránh các bài tập sức đề kháng cường độ cao, có thể gây căng thẳng cho các khớp bị ảnh hưởng. Mục tiêu là giảm thiểu các triệu chứng bùng phát, viêm khớp và đau thêm.

Ví dụ về các hoạt động cường độ cao cần tránh bao gồm:

Chạy, nhảy
Chơi bóng rổ
Squats sâu
Leo cầu thang nhiều
Đi bộ đường dài
Đứng lâu…

4. Lưu ý khi tập luyện

Bơi lội là hoạt động thể chất tác động thấp tốt nhất cho người mắc bệnh khớp.

Bơi lội là hoạt động thể chất tác động thấp tốt nhất cho người mắc bệnh khớp.

- Kết hợp các bài tập aerobic và sức mạnh: Kế hoạch tập luyện tốt nhấtcho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp là nên kết hợp tập aerobic (tim mạch) và sức mạnh. Sức khỏe tim mạch là mối quan tâm hàng đầu của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, khiến cho các bài tập aerobic trở nên cần thiết. Việc kết hợp các bài tập sức mạnh cũng rất quan trọng để chống lại chứng suy mòn do thấp khớp và cải thiện sức khỏe cơ xương, chức năng khớp và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Cần kết hợp cả hai loại bài tập này để duy trì mật độ xương. Khi bắt đầu, bác sĩ thấp khớp có thể đề xuất các buổi vật lý trị liệu. Dưới sự hướng dẫn của một chuyên gia vật lý trị liệu giàu kinh nghiệm, bạn có thể tùy chỉnh các bài tập của mình dựa trên các mục tiêu cá nhân và điều chỉnh các yếu tố như hoạt động của bệnh, các vấn đề về khớp và các triệu chứng viêm khớp.

- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu hiện tại bạn không hoạt động, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn hoạt động nào là tốt nhất cho bạn. Đối với người bị tổn thương khớp quá mức, cần phải có sự giám sát của một bác sĩ vật lý trị liệu hoặc một chuyên gia tập thể dục có kinh nghiệm liên quan trước khi bắt đầu một chế độ tập thể dục mới. Cường độ tăng dần phải luôn chậm hơn bình thường và luôn dựa trên phản hồi của bạn với người giám sát.

- Bắt đầu chậm rồi tăng dần thời gian và cường độ: Với bất kỳ hoạt động nào, người bệnh luôn nên bắt đầu ở cường độ thấp và tăng dần khối lượng. Các hoạt động tác động thấp (bơi lội, đi bộ và đạp xe) là tốt nhất để bắt đầu, vì chúng giúp bạn tham gia vào hoạt động thể chất mà không gây căng thẳng cho khớp, dây chằng và cơ. Thái cực quyền cũng là một bài tập tác động thấp phổ biến cho những người bị viêm khớp dạng thấp. Bắt đầu với các hoạt động tác động thấp trong vài tháng có thể chuẩn bị cho cơ thể bạn để thực hiện các bài tập cường độ cao hơn (như đi bộ nhanh và đạp xe và tập kháng lực) nếu bạn muốn thực hành…

- Lắng nghe cơ thể:Người bệnh cần tự điều chỉnh tốc độ tập luyện. Khi các triệu chứng bùng phát, có thể cần thời gian nghỉ ngơi. Điều này không có nghĩa là nằm, nghỉ ngơi trên giường (trừ khi bác sĩ khuyên), vì khi người bệnh không vận động, cơ bắp sẽ yếu đi và cơn đau khớp có thể trở nên tồi tệ hơn.

Nếu bạn đang trong giai đoạn bùng phát (khi một khớp/các khớp đặc biệt sưng và đau), tốt nhất là tập trung vào việc để các khớp ổn định và thực hiện các bài tập phạm vi chuyển động – ROM (là bài tập vật lý trị liệu được thiết kế để tăng cường chuyển động và tính linh hoạt của khớp), thay vì các hoạt động tập thể dục khác, chẳng hạn như tập luyện sức mạnh, gây nhiều áp lực hơn cho các khớp.

Liệu pháp lạnh cũng có thể có lợi để giảm đau khớp và sưng trong giai đoạn bùng phát. Khi cơn bùng phát thuyên giảm, bạn có thể dần dần quay lại mức độ tập thể dục tăng lên.

- Khởi động trước khi tập: Có thể đi bộ tại chỗ hoặc đi bộ, đạp xe nhẹ trong 3-5 phút. Bên cạnh đó đi giày dép vừa vặn, hấp thụ sốc, phù hợp với hoạt động cũng rất quan trọng.

Các triệu chứng nguy hiểm của viêm khớp dạng thấp.

BS. Tăng Minh Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-benh-viem-khop-dang-thap-co-nen-tap-the-duc-169250429114800407.htm
Zalo