Việt Nam - Ba Lan thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên
Tại buổi tiếp của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan đề xuất hai Bên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, hậu cần kho vận trong thương mại điện tử, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm...
Tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), sáng ngày 11/12/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã tiếp ông Wladyslaw Teofil Bartoszewski, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Ba Lan.
Tháp tùng Quốc vụ khanh có Đại sứ và Đại biện lâm thời nước cộng hòa Ba Lan cùng các Tham tán chính trị và kinh tế. Về phía Việt Nam, có đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Tại buổi tiếp, hai Bên đã cùng nhau trao đổi những nội dung liên quan nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Ba Lan của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và chuẩn bị nội dung cho cuộc họp Tham vấn kinh tế song phương lần thứ hai giữa hai nước dự kiến tổ chức vào đầu năm 2025.
Ông Wladyslaw Teofil Bartoszewski, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Ba Lan đã đề xuất một số nội dung hai Bên có thể xem xét thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới bao gồm: (i) Công nghệ thông tin; (ii) chuyển đổi số trong dịch vụ công; (iii) thanh toán điện tử; (iv) hậu cần kho vận trong thương mại điện tử; (v) nghiên cứu địa chất và khai thác khoáng sản; (vi) mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho rằng những vấn đề mà Quốc vụ khanh Wladyslaw Teofil Bartoszewski nêu ra đều rất thiết thực. Thứ trưởng nhấn mạnh Ba Lan luôn là một đất nước có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt khi cộng đồng người Việt tại Ba Lan rất đông, đây chính là cầu nối quan trọng, gắn kết quan hệ giữa hai nước.
Trong thời gian trước, rất nhiều du học sinh Việt Nam đã sang Ba Lan học tập và quay lại cống hiến cho sự phát triển kinh tế của cả hai nước. Thứ trưởng đề nghị Ba Lan tiếp tục cấp học bổng và tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Ba Lan, đặc biệt là ưu tiên đào tạo những ngành nghề mà hai Bên có khả năng hợp tác như Quốc vụ khanh Wladyslaw Teofil Bartoszewski đã đề cập.
Kết thúc cuộc họp, hai Bên nhất trí sẽ tiếp tục trao đổi chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ nhằm chuẩn bị tốt nhất nội dung cho cuộc họp Tham vấn kinh tế song phương lần thứ hai.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, kinh tế Ba Lan phục hồi đã góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ba Lan từ cuối Quý II sang Quý III/2024.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ba Lan đạt 2,57 tỷ USD, tăng 24,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan đạt 2,28 tỷ USD, tăng 25,7% và nhập khẩu từ Ba Lan đạt 292 triệu USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (điện tử, may mặc, giày dép,…), các mặt hàng xuất khẩu khác có mức tăng trưởng cao như: chè (82,0%), bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (76,2%), Hạt tiêu (51,4%), và cà phê (50,4%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, có 02 mặt hàng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là sắt thép các loại (giảm 56,1%) và gạo (giảm 25,6%).