Khi doanh nghiệp vươn mình trở thành niềm tự hào quốc gia
Tại Hội nghị 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' vừa tổ chức tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để tiếp sức đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, mỗi người Việt Nam hãy trở thành 'đại sứ hàng Việt', ưu tiên sử dụng và quảng bá sản phẩm Việt Nam.
Người ta làm được, doanh nghiệp Việt cũng làm được
Với vai trò người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, phát triển doanh nghiệp (DN), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn các DN Việt Nam cùng vươn lên, có những sản phẩm chất lượng, chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn ra quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thời gian qua, nhiều DN trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường. Những thương hiệu như: VinFast trong ngành xe điện, Hòa Phát trong ngành thép, Viettel trong lĩnh vực viễn thông, Vinamilk, TH trong ngành sữa, GrowMax trong ngành tôm… và nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên đóng góp cho ổn định và tăng trưởng kinh tế, cũng như xuất khẩu, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và đã trở thành niềm tự hào quốc gia, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.
“Tinh thần bền bỉ, không lùi bước trước các khó khăn đã giúp các thương hiệu này dần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, từ sự nghi ngờ sang lòng tin tưởng và tự hào về một thương hiệu Việt, giúp phá vỡ định kiến về trình độ và năng lực của người Việt. Chúng ta có thể tự hào nói rằng, người Việt Nam luôn dám đối mặt với thách thức, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn và có thể chinh phục được những đỉnh cao bằng những khát vọng của mình, cho thế giới thấy rằng “người ta làm được thì DN Việt Nam cũng làm được” và “không gì là không thể” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, các DN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tư duy sính ngoại còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Tâm lý ưa chuộng hàng ngoại, coi đó là biểu tượng của chất lượng và đẳng cấp, đã gây không ít khó khăn cho hàng Việt Nam trong việc mở rộng thị phần ngay trên sân nhà.
Về phía các DN cũng chưa thực sự đổi mới sáng tạo, làm ra các sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa được kiểm soát cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
Hãy trở thành những “đại sứ hàng Việt”
Chính vì vậy, để tiếp sức đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, mỗi người Việt Nam hãy trở thành những “đại sứ hàng Việt”, ưu tiên sử dụng và quảng bá sản phẩm Việt Nam.
Về phía các DN Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị, hãy tiếp tục nỗ lực không ngừng để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến chất lượng sản phẩm; đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa DN với DN và người tiêu dùng, tạo nên hệ sinh thái cùng phát triển, cùng hưởng lợi.
Cùng với đó, các DN cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào kênh phân phối, quảng bá sản phẩm để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn; thực hiện các chính sách giảm giá thành, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về phía Nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN trong nước phát triển bền vững; và với tư cách người tiêu dùng lớn nhất, cần tăng cường sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công.
“Để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là một khẩu hiệu, không chỉ là một phong trào, mà ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế - xã hội sinh động, là một nét văn hóa, là ý thức tự hào và trách nhiệm của mỗi người dân, chúng ta hãy cùng nhau hành động đưa hàng Việt Nam trở thành lựa chọn số một của người Việt Nam, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đưa hàng Việt gần hơn với người tiêu dùng
Trong khi đó, tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025” ngày 13/12, các đại biểu, đại diện cho các sở ngành, hệ thống phân phối bán lẻ đã thảo luận, tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thông tin về việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp đã dự trữ lượng hàng hóa gồm: 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 tấn thủy sản, 16.560 tấn thực phẩm chế biến, 238.500 tấn trái cây và 1.575 tấn bánh, mứt, kẹo…
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết, trong 15 năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.
Nhằm đưa hàng Việt chất lượng cao đến đông đảo người tiêu dùng Thủ đô, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố đã giao Sở Công thương tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình bình ổn giá, đặc biệt ngay trong dịp Tết Ất Tỵ 2025; tổ chức đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố; phối hợp với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tổ chức phiên chợ hàng Việt, những chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm...