4 biến số gây sức ép lên kinh tế Việt Nam 2025
Tỷ giá, ngoại thương, căng thẳng địa chính trị và nội tại nền kinh tế là những biến số cần chú ý trong năm 2025.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô công bố mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt 6,48%, trong khi lạm phát vượt mục tiêu 4%.
Quố hội, tại kỳ họp mới đây, đã giao Chính phủ mục tiêu GDP năm tới tăng 6,5 - 7%, lạm phát được kiểm soát ở mức 4,5%, nhằm đảm bảo kinh tế phục hồi và phát triển bền vững.
Còn tại phiên họp Chính phủ ngày 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm 2024 trên 7%, năm 2025 khoảng 8% để "tạo đà, tạo lực, tạo thế" cho giai đoạn 2026-2030 hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Các dự báo và mục tiêu này phản ánh quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, nhưng một số nhà phân tích vẫn giữ quan điểm thận trọng và chỉ ra các thách thức có thể gây áp lực lên nền kinh tế.
Bốn biến số trọng yếu
“Năm 2024 là năm đầy những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam và những thách thức này có lẽ sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2025”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói tại hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây.
Bên cạnh những tác động sẽ tiếp tục kéo dài từ năm 2024 sang 2025, ông Hiếu cũng dự báo tác động của những biến cố mới, đặc biệt là trên "mặt trận" địa chính trị.
Ông phân tích, với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống tái đắc cử Donald Trump, thế giới sẽ đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh.
Ông Hiếu lưu ý bốn biến số chính gây sức ép tới kinh tế Việt Nam trong năm tới.
Áp lực đầu tiên là tỷ giá khi chỉ số đồng USD đã tăng mạnh trong thời gian qua và dự báo cả năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của tổng thống Mỹ mới.
Ông Hiếu trích dẫn đánh giá của giới phân tích cho rằng các chính sách về thuế của ông Trump sẽ làm tăng thiếu hụt ngân sách Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách.
Khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể mua vào trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều hơn, làm tăng tổng tài sản và đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông.
"Những điều này có khả năng làm tăng lạm phát và buộc Fed đảo ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt. Điều này tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND", ông Hiếu nhận định.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng khẳng định quan điểm về khả năng Fed sẽ chuyển dần trạng thái lãi suất từ “nới lỏng” sang “thắt chặt”, bởi lạm phát tăng cao trở lại, qua đó càng gây khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam.
Một biến số khác là vấn đề ngoại thương khi Mỹ có thể áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào nước này.
Trong những năm qua, ngoại thương Việt Nam phát triển mạnh, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ cũng là một rủi ro. Các chính sách bảo hộ của ông Trump sẽ tạo ra thách thức lớn.
Ông Hiếu nhận định, nếu Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tác động lớn, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, ông Hiếu cho rằng cần phải cân bằng bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ nhằm giảm thặng dư thương mại. Đồng thời, cần đón nhận cơ hội từ các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất bán dẫn.
Biến số thứ ba được chuyên gia này chỉ ra là tình hình địa chính trị với những biến động tại các "điểm nóng" Ukraine, Trung Đông và mới đây là tại bán đảo Triều Tiên có thể tạo ra những diễn biến khó lường, tác động đến chính sách kinh tế toàn cầu và cũng như của Việt Nam.
Cuối cùng, ông Hiếu lưu ý về những vấn đề của nội tại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn chật vật phục hồi sau dịch Covid-19. Dù có hỗ trợ lớn từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Ông Hiếu cảnh báo năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Góc nhìn lạc quan
Trong khi đó, Tiến sĩ Lương Văn Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng, môi trường kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều động lực cho tăng trưởng năm tới.
Bên cạnh yếu tố lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, cả ba khu vực kinh tế của nước ta đều được CIEM đánh giá sẽ tăng trưởng ổn định, đặc biệt khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Mức sống dân cư cải thiện và lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi tốt, giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước. Xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng. Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng mạnh cũng là cơ sở để Nhà nước tiếp tục tăng chi đầu tư công và chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển.
Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật sửa đổi được ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết.
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các cơ hội, ông Khôi nhấn mạnh các cơ quan cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khai thác hiệu quả nguồn vốn cho phát triển, định hướng hiệu quả nguồn vốn FDI, hoàn thiện hạ tầng cho phát triển thông qua tăng đầu tư công, nhất là phát triển đường bộ cao tốc và các sân bay, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, ông Khôi nhấn mạnh hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp và hệ thống chính trị sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt trong năm tới trong bối cảnh AI được dự đoán sẽ đóng góp tới 15.700 tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030.
Đồng quan điểm với CIEM, Citi Bank cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2024 và đà tăng trưởng sẽ kéo dài trong trung và dài hạn. Ngân hàng này dự tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm tới có thể đạt 6,6%, cao hơn mức IMF dự báo.
Ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp, Khối Nguồn vốn, Citi Bank Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn còn có nhiều dư địa cho tăng trưởng nhờ các hiệp định thương mại tự do được ký kết với các nước, khu vực. Đây được xem là "của để dành" cho Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, mở rộng cơ hội phát triển.
Việt Nam còn có lợi thế về địa chính trị, gần nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu là Trung Quốc và thuận lợi trong kết nối giao thương. Yếu tố chi tiêu tiêu dùng cũng hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, sự dịch chuyển sản xuất đang mang lại lợi thế cho Việt Nam. Nước ta đang hưởng lợi nhiều khi các doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất tìm đến các nước trong khu vực châu Á, trong đó, Việt Nam là điểm sáng.
Về trung và dài hạn, ông Trung đánh giá Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn trong thu hút vốn FDI nhờ các yếu tố lợi thế địa chính trị, dân số trẻ, chi tiêu tiêu dùng tốt.
Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam đang thực hiện sáp nhập, tinh giản bộ máy, mạnh mẽ trong cải tổ thể chế, tạo điều kiện tốt cho toàn bộ môi trường kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, đồng thời có tài chính mạnh để ứng phó với các kịch bản kém tích cực.