Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách
Thành phố Cần Thơ được quy hoạch là đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và được Trung ương quan tâm khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chấp thuận chủ trương dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 (Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ)…
Với nhiều yếu tố thuận lợi, Cần Thơ hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư; tuy nhiên, việc thiếu đầu tư và đầu tư kém hiệu quả đang là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố.
Thống kê từ Viện Kinh tế-Xã hội thành phố, giai đoạn 2014-2023, Cần Thơ còn phụ thuộc lớn vào nguồn ngân sách nhà nước, bình quân giai đoạn này là 13,86%, còn lại nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất hạn chế (chỉ đạt 7,5% và 5,24%). Chín tháng năm 2024, toàn thành phố chỉ cấp mới ba dự án. Thu hút đầu tư chưa đạt kỳ vọng, nhất là thu hút FDI từ các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia, các dự án mang tính dẫn dắt...
Thống kê từ Viện Kinh tế-Xã hội thành phố, giai đoạn 2014-2023, Cần Thơ còn phụ thuộc lớn vào nguồn ngân sách nhà nước, bình quân giai đoạn này là 13,86%, còn lại nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất hạn chế (chỉ đạt 7,5% và 5,24%).
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc thành phố chưa thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đó là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố diễn ra còn chậm, tỷ trọng các ngành kinh tế chưa thay đổi đáng kể theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa tương xứng và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Cùng với đó, nguồn lao động chất lượng hạn chế dẫn đến nhiều doanh nghiệp khó khăn khi tuyển dụng lao động có tay nghề cao cho các ngành công nghiệp đặc thù. Việc xây dựng chuỗi cung ứng công nghiệp tại thành phố và kết nối với các tỉnh lân cận vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về thiếu hụt các nguồn cung thượng nguồn và hạn chế về cơ sở hạ tầng, làm giảm tính liên kết và khả năng phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong vùng…
Để tận dụng những cơ hội và vượt qua những thách thức trong thu hút đầu tư, nhất là các nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn FDI, Cần Thơ cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn; từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, tạo tiền đề thu hút thêm các nguồn vốn. Thành phố cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư.
Chú trọng đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hàm lượng tri thức trong sản phẩm, nâng cao năng suất lao động...