Vị tướng trăm tuổi Nguyễn Văn Phước với ký ức bốn lần gặp Bác

Có những ký ức không chỉ lưu giữ bằng trí nhớ, mà còn được khắc sâu bằng tim và cả những vết thương còn in hằn trên cơ thể. Với vị tướng già gần trăm tuổi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước, đó là bốn lần trong đời được gặp Bác Hồ. Bốn lần gặp ấy, một đời không quên.

Sinh năm 1930 tại Hưng Nguyên (Nghệ An), mảnh đất địa linh nhân kiệt cũng là quê hương Bác. Mới 15 tuổi, khi ấy chàng trai trẻ Nguyễn Văn Phước đã từng đi bộ hàng nghìn cây số từ quê hương ra đất Bắc để “xin bằng được đi bộ đội”. Đó là một hành trình không chỉ bằng đôi chân không mỏi, mà bằng cả một khát vọng lớn lao và cháy bỏng được cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông cùng đoàn quân áo vải giành chính quyền. Ông là một trong những người lính trẻ nhất, gan góc nhất, mà sau này, trở thành một trong những “quả đấm thép”, một trong những con người của “thế hệ vàng” lính xe tăng Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước - nguyên Chủ nhiệm Tăng thiết giáp các mặt trận B70, B5, B4 và Quân đoàn 1, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tăng thiết giáp của Học viện Quốc phòng.

Năm 1946, Toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Văn Phước theo cha gia nhập Công binh xưởng Huỳnh Thúc Kháng. Trong khi đó, chiến sự giữa ta và Pháp ngày một lan rộng. Quân Pháp đã chiếm được hầu hết các thành phố lớn và nhiều địa bàn quan trọng của ta trên cả ba miền. Tuy nhiên, hầu hết các địa bàn nông thôn, rừng núi của vùng Thanh - Nghệ Tĩnh vẫn nằm trong sự kiểm soát của ta.

Vị tướng trăm tuổi Nguyễn Văn Phước với ký ức bốn lần gặp Bác. Ảnh: Thái Mạnh.

Vị tướng trăm tuổi Nguyễn Văn Phước với ký ức bốn lần gặp Bác. Ảnh: Thái Mạnh.

Ngày 1/1/1955, thời khắc vị tướng già không bao giờ quên. Khi đó, ông là chỉ huy trưởng khối duyệt binh vinh dự và tự hào cùng đồng đội sải bước ngang qua lễ đài. Trên cao, Bác Hồ kính yêu đứng đó mái tóc bạc phơ, ánh mắt chan chứa yêu thương. Cái khoảnh khắc ngẩng đầu chào Bác, trái tim ông như lặng đi trong niềm kiêu hãnh và xúc động. Từ tận gan ruột, một lời thề được găm sâu trong huyết mạch: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Lần thứ hai, là buổi sáng lịch sử ngày Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Đứng trong hàng ngũ danh dự, đón Bác và Trung ương Đảng trở về Thủ đô. Cờ bay trong gió, lòng người hân hoan và ánh mắt Bác, một người cha trở về ngôi nhà của mình sau bao tháng năm chờ đợi. Giữa dòng người reo hò, trái tim người lính trẻ khi ấy như thắt lại. Đó là niềm tự hào lớn nhất đời binh nghiệp.

Lần thứ ba, là buổi gặp gỡ khi ông và đoàn chiến sĩ thi đua Đại đoàn 304 lên thăm Bác ở nơi sơ tán. Bác tới bắt tay từng người. Cái bắt tay của Bác ấm áp. Bác dặn: “Xe tăng là sức mạnh, nhưng phải biết giữ người, giữ xe như giữ chính đồng đội mình”. Lời dặn năm ấy, đến tận bây giờ vẫn là phương châm sống, là mệnh lệnh thiêng liêng trong tim từng người lính thiết giáp.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, người lính xe tăng 380 đã từng có mặt tại khoảnh khắc lịch sử trưa 30/4/1974 tại Dinh Độc lập là hậu duệ, đồng đội thân thiết của tướng Phước. Nhiều năm qua, ông vẫn lặng lẽ gom góp viết lại những trang sử hào hùng về những đồng đội, tướng lĩnh nổi danh với nhiều đóng góp lớn lao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước là vị tướng mà ông luôn trân trọng, mến yêu.

Nhắc đến lần thứ tư gặp Bác, khi ấy vẫn ở nơi sơ tán, sức khỏe Bác đã yếu, vị Tướng từng vượt qua bao chiến tranh bom đạn lại nghẹn ngào. Bốn lần gặp Bác là bốn lần khắc cốt khi tâm. Bốn lần gặp Bác là bốn dấu son rực rỡ trong cuộc đời gần trăm năm của một con người đã trải qua bao trận mạc, bao thăng trầm lịch sử đất nước. Và ánh mắt của Bác cùng sự động viên ấy đã khắc vào tim vị Tướng ấy một niềm tin sắt đá: Dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ.

Dù thời gian đã phủ màu lên mái tóc, dù những mảnh đạn vẫn còn găm trong cơ thể, Tướng Phước vẫn cười hiền, đó là vết thương của lòng tự hào của người lính. Bởi ông và đồng đội đã làm tròn sứ mệnh của mình, sống và chiến đấu vì Tổ quốc, đúng như lời Bác dạy.

Bây giờ, khi đã gần trăm tuổi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước vẫn luôn lặng thầm nhắc nhớ: “Cả cuộc đời này, tôi chỉ có một điều không bao giờ quên, đó là ánh mắt Bác Hồ”.

Thực hiện Thái Mạnh - Thanh Thảo

Nguồn Công Thương: https://media.congthuong.vn/vi-tuong-tram-tuoi-nguyen-van-phuoc-voi-ky-uc-bon-lan-gap-bac-15134.media
Zalo