Giá trị tư tưởng, nghệ thuật của trường ca 'Theo chân Bác'

1. Tố Hữu kể lại, ông viết trường ca 'Theo chân Bác' trong thời gian dưỡng bệnh tại Liên Xô (trước đây). Như có phép thần, bài thơ viết xong ngày 2-1-1970, cũng là lúc ông khỏi bệnh. Có thể vì một nung nấu tinh thần quá lớn, khi hoàn thành, năng lượng được giải phóng, cơ thể cân bằng trở lại. Đúng như tên bài, mạch thơ đi theo bước chân Bác, từ khi tìm đường cứu nước đến lúc 'Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay...'. Dài 119 khổ, có trích thơ Bác, tổng số gần 500 câu thơ. Mỗi khổ 4 câu, mỗi câu 7 chữ theo thể tứ tuyệt Đường luật mực thước, cổ điển, trang trọng, hàm súc giống với kết cấu các bài trong 'Nhật ký trong tù' của Bác Hồ. Trường ca 'Theo chân Bác' cơ bản và chủ yếu là tạo ra âm hưởng, giọng điệu phù hợp vừa ca ngợi, tôn vinh, khẳng định, vừa là giãi bày, đồng cảm với lãnh tụ.

Hoạt cảnh sân khấu tái hiện hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Bác Hồ trong Chương trình "Quà tháng 5 dâng Người", kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VIỆT LAM

Hoạt cảnh sân khấu tái hiện hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Bác Hồ trong Chương trình "Quà tháng 5 dâng Người", kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VIỆT LAM

Nhiều nghiên cứu trên thế giới về Bác Hồ (đời tư, phong cách, tác phẩm) thường có lời “phi lộ” rằng, vì có sự thống nhất, chặt chẽ, hài hòa hai phạm trù “bình thường” và “vĩ đại” trong con người vĩ nhân Hồ Chí Minh, trong cái “bình thường” là sự “vĩ đại” và ngược lại nên khó làm rõ từng phương diện một mà phải đồng thời cả hai. Đấy cũng là nét rất riêng của Bác Hồ. Điều ấy thể hiện cả trong hầu hết sáng tác văn chương về Người.

Để làm rõ, xin đưa ra một đối sánh, cũng dùng thể trường ca miêu tả lãnh tụ gắn liền với các sự kiện lịch sử, chịu ảnh hưởng của diễn ngôn truyện thánh trong văn học trung đại Nga, trường ca “V.I.Lênin” của Mayakovsky tạo ra “khoảng cách sử thi” giữa lãnh tụ và tác giả. “Theo chân Bác” của Tố Hữu rút ngắn khoảng cách ấy theo nguyên tắc “đời thường hóa”, “tập quán hóa”, “thân mật hóa” để thể hiện cái vĩ đại, lớn lao trong cái bình thường, giản dị. Hai khổ ở phần đầu thể hiện rõ điều này: “Tôi viết bài thơ mừng thọ Bác”... và “Tôi viết bài thơ cho các con”... Như vậy, tác phẩm là lời chúc thọ Bác, cũng là viết cho các con về Bác vẫn “như còn”. Tức Bác chỉ “đi vắng” (sinh thời, vào dịp sinh nhật, Bác thường đi công tác để tránh chúc tụng). Bác vẫn đang sống mãi cùng ta, vẫn đang hướng con cháu đi đến đích hạnh phúc. Đi suốt trường ca là những hình ảnh sống động: “Bác vẫn đi kia... giữa cánh đồng/ Thăm từng ruộng lúa, hỏi từng bông”; “Bác vẫn về kia... Những sớm trưa/ Hỏi lò than, xưởng máy, giàn tơ”...

Nguyên tắc này là chìa khóa nghệ thuật để mở ra thế giới nội dung tác phẩm được thể hiện một cách tự nhiên quan điểm chân tình, chân thành với nhiều chất giọng, với các sắc điệu khác nhau. Dài nhưng không có cảm giác đuối, hụt hơi. Viết về cái chết nhưng không có cảm giác bi lụy, vì là viết về sự “tái sinh”, bất tử (“Cứ nghĩ: Hồn thơm đang tái sinh”). Viết về sự ra đi, tổn thất, thương tiếc mà không phải “văn tế”, lại là văn viết về sự sống. Sự sống nhân lên sự sống... Bác đã vĩ đại lớn lao như vũ trụ, nay vẫn sống cùng vũ trụ: “Đỏ như sao Hỏa, sáng sao Kim!”. Bình sinh Bác là ngôi sao, nay dù ngôi sao ấy “lặn”, cũng chỉ là sự chuyển đổi trạng thái ánh sáng “hóa bình minh”. Lời văn nhìn chung tình cảm, lạc quan, đầy niềm tin, hy vọng. Trường ca "Theo chân Bác" là một thi phẩm xuất sắc trong số hàng nghìn bài thơ viết về Bác.

Nội dung chính bắt đầu từ sự “trở về” của tác giả: “Tôi trở về quê Bác, làng Sen”. Trở về nơi nguồn cội, đúng với bản sắc văn hóa Việt: Làng là đơn vị trung tâm. Cũng đúng với chốn Bác sinh ra: Làng Sen. Như vậy “trở về” để tạo ra một hành trình mới, hành trình “theo chân Bác”. Đồng thời cũng là một cách cắt nghĩa: Bác vĩ đại vì sinh ra từ quê hương như vậy. Bác vĩ đại trong bình thường, giản dị. “Quê chung” cũng vậy, lớn lao trong những vẻ rất đỗi đơn sơ, dân dã, với “Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn...”. Những ý tứ ấy đã tạo ra ở trường ca có hai mạch chìm nổi, mạch nổi “theo chân Bác”, mạch chìm là “theo” đạo lý, chân lý, công lý. “Theo chân Bác” tức cũng là đi theo đạo lý, chân lý, công lý. Giá trị văn hóa của kiệt tác là ở đấy.

2. Với những ai quan tâm, tự thân biểu tượng là một đối thoại và luôn tạo ra các đối thoại. Tố Hữu đã chọn những sự kiện, nhân vật mang tính biểu tượng cao nhất. Như Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là biểu tượng về sự thay đổi cuộc đời: “Công nông ta làm chủ đời ta”. Lênin là biểu tượng lớn lao tiêu biểu cho “liên văn hóa” của tư cách “Người Thầy, Người Cha” để trở thành “Niềm tin trong sáng mãi...”. Biểu tượng luôn tỏa sáng, Lênin là như vậy: “Vầng trán mênh mông tỏa chói lòa”.

Có khổ thơ tiêu biểu cho “liên văn hóa” về tư tưởng: “Về phương Đông, ta về phương Đông/.../ Chặt xiềng gông, chặt hết xiềng gông!”. Sau khi thu lượm những tư tưởng mới mẻ, quan trọng, cần thiết, Bác chuyển hướng về hoạt động ở phương Đông. Ba chữ “về phương Đông” điệp lại, diễn tả bước đi mạnh mẽ, dứt khoát ứng với câu cuối là mục đích được khẳng định, quyết tâm: “Chặt xiềng gông, chặt hết xiềng gông!”. Rất hợp lý, sau khổ này, biểu tượng Phù Đổng mới xuất hiện (khổ thứ 35): “Ôi sức trẻ! Xưa trai Phù Đổng/ Vươn vai, lớn bổng dậy nghìn cân”. Đó là sự gặp gỡ giữa lý tưởng yêu nước cách mạng và truyền thống quật cường chống xâm lược. Cũng là một chân lý: Tiếp nhận cái mới càng tri nhận rõ hơn giá trị cũ!

Như lẽ tự nhiên, tái hiện những sự kiện lịch sử tiêu biểu gắn liền với Bác-người kiến tạo, cần đến cả một hệ thống biểu tượng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, yêu hòa bình, tự do: “Hôm nay sáng mồng Hai tháng Chín/ Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình”. Tự do nên không gian không hề có vật cản: “Trời bỗng xanh hơn, nắng chói lòa”. Bác vừa là lãnh tụ, cũng vừa là đồng bào, đồng chí. Tất cả bình đẳng: “Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta”. Việt Nam trở thành biểu tượng chiến thắng chủ nghĩa thực dân để thế giới chiêm ngưỡng, kính phục: “Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!”. Đến biểu tượng “Điện Biên! Lừng lẫy Việt Nam ta”, tính chất tỏa sáng càng xa rộng, để “Mở đường giải phóng Á-Phi-La!”. Giặc Mỹ nhảy vào xâm lược, miền Nam trở thành biểu tượng cho tinh thần “đi trước về sau”. Miền Bắc biểu tượng cho nghĩa vụ, trách nhiệm hậu phương lớn: “Hỡi miền Bắc đó, nặng đôi vai/ Gánh cả non sông, vượt dặm dài”, biểu tượng cho ý chí, quyết tâm không gì ngăn nổi: “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai!”.

3. Biểu tượng có từ xa xưa, theo thời gian được phù sa văn hóa bao bọc thành nhiều lớp, ký gửi nhiều ý nghĩa, được gọi là cổ mẫu (archetype). “Hang” là một cổ mẫu với ý nghĩa ngôi nhà đầu tiên của nhân loại. Gắn với đời sống (vật chất, tinh thần) con người thời tối cổ, là nơi diễn ra các hoạt động tâm linh, những sự kiện đặc biệt về sự sinh nở, phục sinh, các lễ thụ pháp của những vị thánh, người hùng trong các huyền thoại... Các tôn giáo lớn đều có biểu tượng “hang” với các ý nghĩa này. “Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi/ Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu/ Ai hay ngọn lửa trong hang núi/ Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau!”. Ở đây là tả thực, nhưng đặt trong trường văn hóa của biểu tượng, ý thơ trở nên lớn lao khác thường bởi giá trị phổ quát rộng rãi: Bác như vị thánh phục sinh sự sống.

Hiểu theo quan niệm ấy, năm 1997, con trai cố Tổng thống Mỹ John Kennedy đến thăm Pác Bó “vẫn không hiểu tại sao trong một cái hang nhỏ hẹp, tối tăm, ẩm thấp như vậy mà ông Hồ Chí Minh lại có thể nghĩ ra cả một kế hoạch lâu dài để giành lại đất nước”. Vì trong các huyền tích tôn giáo phương Tây, “phục sinh” thường nơi hang cao thoáng, đầy hương thơm, ánh sáng...

Tác phẩm nhiều lần nhắc đến “nhà” với nghĩa nơi Bác sinh ra, ăn ở, làm việc: “Ba gian nhà trống, nồm đưa võng”; “Nơi Bác ở: sàn mây vách gió/ Sáng nghe chim rừng gáy bên nhà”; “Như cổng nhà xưa Bác trở về”; “Nhà gác đơn sơ, một góc vườn”. “Nhà” là một cổ mẫu của nhân loại. “Nhà gác/ sàn” là cổ mẫu của văn hóa Việt. Theo các cứ liệu sử học, từ thời Hùng Vương, dân ta đã ở nhà sàn. Di chỉ trống đồng Đông Sơn cũng in khắc hình nhà sàn. Từ khi sinh ra, ở quê, ra nước ngoài, trừ những năm chống thực dân Pháp, Bác không ở nhà sàn. Nhưng từ sau năm 1955, Người chọn ở nhà sàn-một biểu hiện tinh tế về sự kế thừa văn hóa truyền thống. Phải hiểu Bác, hiểu văn hóa, nhà thơ mới có những điểm nhấn sâu sắc ấy.

Trên cơ sở bình đẳng, dân chủ, liên văn hóa là sự gặp gỡ, hội ngộ, sum vầy: “Ta vào thăm Bác, gặp Lê-nin/ Trán rộng yêu thương, dõi mắt nhìn/ Người đến cùng ta, ngồi với Bác/ Như hình với bóng, một anh linh”. Các thế hệ cùng kiến tạo đối thoại về hòa bình, hạnh phúc. Tư tưởng ấy xuyên suốt đến tận cuối trường ca: “Bác ơi! /Tết đến. Giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/ Ríu rít đàn em vui pháo nổ/ Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân...”. Tập quán người Việt “sống ở thác về”. Về “bên kia” nơi niết bàn, miền cực lạc nhưng cũng là “về nhà” để phù hộ, độ trì cho con cháu. Ngày Tết, ngày giỗ rất quan trọng bởi là sự sum họp của tất cả, cả người sống và người đã “quy tiên”. Đây là một biểu hiện của xu hướng “bất tử hóa” người thân quyến trong văn hóa Việt. Bình sinh mỗi giao thừa, Bác đều có thơ chúc Tết. Bác “lên đường theo tổ tiên”, Bác lại về, hòa lẫn vào cháu con, cùng cháu con “sang xuân” hạnh phúc. Bác trở thành tổ tiên của mỗi gia đình, là một thành viên, là một điểm tựa. Gần gũi, thiêng liêng và bất tử. Đấy là mạch chìm thứ hai của tác phẩm.

Một văn bản đối thoại đa âm, đa thanh, hướng tới nhiều đối tượng, phong phú nội dung, đa dạng bút pháp, giàu có ý tứ, tinh tế về cách biểu hiện, trường ca “Theo chân Bác” của Tố Hữu xứng đáng là một trong những kiệt tác về Hồ Chí Minh và trường tồn cùng di sản văn học cách mạng Việt Nam.

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/gia-tri-tu-tuong-nghe-thuat-cua-truong-ca-theo-chan-bac-3181278.html
Zalo