Dalat Palace và cuộc trù bị cho 'Hội nghị Fontainebleau'

'Hội nghị Đà Lạt' còn gọi là 'Hội nghị trù bị Đà Lạt' họp từ ngày 19/4 đến ngày 11/5/1946 tại Dalat Palace, Tp Đà Lạt, là một hội nghị dự bị, gặp gỡ giữa 2 phái đoàn Việt và Pháp chuẩn bị cho 'Hội nghị Fontainebleau' diễn ra vào tháng 7 năm đó.

Đây là lần thứ 2 tôi lên Đà Lạt, và cả hai lần tôi đều ghé thăm Khách sạn Dalat Palace. Cũng như lần ghé trước, sau 18 năm, khi tôi vừa gặp các nhân viên lễ tân để trình bày thì rất nhanh chóng được các nhân viên giúp đỡ. Sau cú điện thoại báo cáo quản lý khách sạn, tôi được cô Thúy Lan, nhân viên lễ tân, mời đi theo. Dọc theo lối hành lang tầng 1, tới cuối hành lang, chỗ có lối cầu thang thì chúng tôi tới một căn phòng đóng cửa.

Khách sạn Dalat Palace hồi năm 1946

Khách sạn Dalat Palace hồi năm 1946

Thấy tôi có vẻ băn khoăn khi đứng trước căn phòng, cô Thúy Lan vội nói: “Đây đúng là căn phòng diễn ra cuộc họp của Hội nghị trù bị chú ạ. Khách sạn vẫn bảo tồn như cách đây 79 năm trước”. Cô Thúy Lan sau khi thấy chúng tôi đã vào hẳn trong phòng thì đứng lặng im theo dõi chúng tôi làm việc. Chỉ khi nào chúng tôi cần hỏi điều gì thì cô mới lên tiếng. Cũng như lần trước, chúng tôi được phép quay phim và chụp ảnh mà không hề bị ngăn cản.

Đó là một căn phòng dành cho các cuộc họp, nó khá thoáng và sáng nhờ cửa ra vào và cửa sổ đều được lắp kính. Căn phòng rộng chừng 40 mét vuông, với chiếc bàn dài hình chữ nhật kê chính giữa phòng, cùng hai hàng ghế tựa kê hai bên. Tôi nói với cô Thúy Lan: “Giá kể khách sạn cho treo tấm biển ghi đây là phòng họp Hội nghị trù bị thì hay quá”. Sự tiếc của tôi còn đi kèm với trong phòng họp hiện không treo một bức ảnh nào cho thấy nơi đây đã diễn ra cuộc họp quan trọng năm xưa.

Khách sạn Dalat Palace hiện nay.

Khách sạn Dalat Palace hiện nay.

Cô Thúy Lan còn cho chúng tôi hay thêm: “Vào tháng 4/1930, đồng chí Trần Diệm đã triệu tập Hội nghị để thực hiện quyết định việc giải thể Chi bộ Tân Việt và thành lập Chi bộ Cộng sản tại Đà Lạt các chú ạ. Hội nghị được tổ chức trên tầng gác căn buồng số 2 của nhà xe khách sạn này. Chi bộ Đảng còn có tên là Chi bộ Palace đấy ạ”. Tôi nói: “Thì ra khách sạn này còn là một địa điểm lịch sử của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nữa”.

Xin được nói đôi chút về khách sạn Dalat Palace. Đây là một khách sạn cao cấp (5 sao) tọa lạc trên đỉnh một quả đồi rộng. Khách sạn cao cấp và có diện tích toàn bộ khuôn viên lên tới trên 40 ngàn mét vuông này có phong cách kiến trúc thời thuộc địa. Khách sạn được khởi công xây dựng vào năm 1916 và sau 4 năm xây dựng thì đến năm 1920, khách sạn chính thức đi vào hoạt động. Khách sạn trông ra hồ Xuân Hương. Nhìn sang bên kia hồ sẽ thấy Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nổi tiếng (trước kia là trường Grand Lyceé Yersin).

Thật là một địa điểm vừa thuận tiện lại vừa sang trọng để Hội nghị trù bị Đà Lạt được chọn tổ chức tại đây, tuy hiện tại khách sạn không lưu trữ được nhiều tư liệu cũng như về hình ảnh của hội nghị. Cô Thúy Lan cung cấp thông tin: “Đây là Hội nghị dự bị, gặp gỡ giữa hai phái đoàn Việt Nam và Pháp. Cũng là hội nghị chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau dự kiến họp vào tháng 7 cùng năm ở bên Pháp đấy các chú”.

Chúng tôi cùng đi vòng quanh phòng họp, chính xác hơn là chúng tôi đi vòng quanh dãy bàn ghế. Cũng là một cách để hình dung ra cuộc họp kéo dài những 23 ngày này. Một cuộc họp, hay nói cách khác là cuộc đấu trí giữa một bên là các “nhà ngoại giao còn ít kinh nghiệm” của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ với một bên là các nhà ngoại giao cáo già người Pháp.

Phái đoàn hai bên dự Hội nghị trù bị (Võ Nguyên Giáp ngoài cùng bên trái).

Phái đoàn hai bên dự Hội nghị trù bị (Võ Nguyên Giáp ngoài cùng bên trái).

Theo những trang tài liệu, chúng tôi được biết: Sau khi ký Hiệp định sơ bộ Pháp -Việt ngày mùng 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn có một hội nghị giữa Việt Nam và Pháp tại Paris để bàn định tương lai của nước Việt Nam và làm rõ những điểm đã nêu trong Hiệp định sơ bộ, với địa vị hai nước và hai sứ bộ ngang nhau, nhưng Toàn quyền Đông Dương thông qua Đô đốc hải quân Pháp là D'Argenlieu đã không chấp thuận, mà muốn một hội nghị tại Việt Nam để đặt những sự điều đình vào nội bộ địa phương mà thôi.

Cô Thúy Lan cho hay: “Ban đầu hội nghị không dự kiến sẽ được tổ chức ở đây đâu ạ. Nhưng do người Pháp muốn hội nghị này nhóm họp ở một nơi xa xôi để tránh áp lực của dân chúng nên đã chọn Đà Lạt để họp. Hội nghị này theo ý của người Pháp là chỉ có tính cách soạn sửa cho cuộc điều đình chính thức tại Pháp, vì vậy nên mới gọi hội nghị này là Hội nghị trù bị Đà Lạt đấy ạ”. Cô Thúy Lan còn cho biết thêm: “Địa điểm này chỉ là nơi diễn ra Hội nghị mà thôi. Còn phái đoàn của hai bên đều ở các khách sạn khác. Đoàn của ta lưu trú tại khách sạn Hôtel du Parc”.

Phái đoàn Đà Lạt của ta gồm 12 đại biểu, 12 cố vấn. Trưởng đoàn là Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Ngoại giao. Phó trưởng đoàn là Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quân ủy hội kiêm Trưởng ban quân sự Phái đoàn, Bộ trưởng Nội vụ. Và các thành viên là: Trịnh Văn Bính, Cù Huy Cận, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Vũ Hồng Khanh, Trần Đăng Khoa, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Luyện, Phạm Ngọc Thạch, Bùi Công Trừng và Nguyễn Mạnh Tường.

Báo chí đưa tin về hội nghị (năm 1946).0

Báo chí đưa tin về hội nghị (năm 1946).0

Cố vấn là: Tạ Quang Bửu, Kha Vạng Cân, Kiều Công Cung, Đinh Văn Hớn, Phạm Khắc Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Liên, Phan Văn Phát, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Tường Thụy và Hồ Hữu Tường.

Theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, thành viên của đoàn, viết trong “Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt” (ông được truy tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội và nhân văn” năm 2000, với cụm công trình “Lịch sử và lịch Việt Nam”), thì: Trong khi chọn lọc ủy viên tham dự hội nghị, Chính phủ Việt Nam lúc đó đã chú ý chọn mời những nhân vật có tiếng ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và sự có mặt của những nhân vật không đảng phái càng tỏ sự đoàn kết của người Việt trong thời bắt đầu độc lập. Tuy đây chỉ là một Hội nghị dự bị nhưng lại có tầm quan trọng đặc biệt vào thời điểm ấy, vì là lần đầu tiên có một hội nghị điều đình có tầm vóc quốc gia của Chính phủ Việt Nam độc lập (khi đó mang tên Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến).

Hành lang khách sạn dẫn vào phòng họp.

Hành lang khách sạn dẫn vào phòng họp.

Phái đoàn Pháp gồm: Trưởng đoàn là D'Argenlieu, Đô đốc hải quân, Cao ủy Pháp tại Đông Dương, Phó đoàn là Max André, nghị sĩ, cố vấn hạt Seine, nguyên Giám đốc ngân hàng Pháp Hoa, Hà Nội. Và 12 thành viên, cùng nhiều giám định viên chuyên môn.

Cũng theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì trước khi đoàn ta lên đường vào Đà Lạt có được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết: Chủ tịch dặn: "Căn cứ vào Hiệp định sơ bộ để đi đến công tác thực thà với Pháp". Trưởng đoàn Nguyễn Tường Tam trả lời thay cho phái đoàn: "Xin cảm ơn Chính phủ đã đề cử chúng tôi đàm phán. Xin hứa sẽ làm tròn nhiệm vụ và yêu cầu Chính phủ điều khiển nhân dân ủng hộ phái đoàn, và yêu cầu các đảng phái đoàn kết". Phó trưởng đoàn Võ Nguyên Giáp cũng biểu lộ sự đồng ý rồi thêm rằng: "Về việc các đại biểu đoàn kết với nhau, thì không đáng lo. Còn về phần các đảng phái đoàn kết thì hai đảng phái đã quyết nghị thống nhất bộ đội".

Phòng họp tại khách sạn Dalat Palace.

Phòng họp tại khách sạn Dalat Palace.

Theo lịch trình thì sáng ngày hôm sau, 19/4, toàn hai Phái đoàn họp ở Trường trung học Yersin, để lập các ủy ban và định các chương trình nhóm họp. Rồi bàn đến sự lập các ủy ban. Có 4 ủy ban: Chính trị; Kinh tế và tài chánh; Quân sự và Văn hóa. Trong mỗi ủy ban, mỗi bên đặt một số người, phái viên và cố vấn; một người có thể dự nhiều ủy ban. Trong mỗi một ủy ban, mỗi bên cử một chủ tịch để lần lượt chủ tọa những buổi nhóm. Theo đó các ủy ban sẽ nhóm họp riêng theo lịch khác ngày nhau. Cuộc họp toàn thể diễn ra vào các ngày sau khi các ủy ban họp.

Trong suốt 3 tuần lễ đàm phán, phía Pháp luôn giữ lập trường chia cắt Việt Nam, lập Liên bang Đông Dương, không chịu ngừng bắn, không đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ nhằm thực hiện âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam. Phía Việt Nam kiên quyết phản đối lập trường và hành động cố tình phá hoại hội nghị của phía Pháp như việc cho mật thám bắt Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch khi ông từ Nam Bộ lên tham gia phái đoàn. Hội nghị không đi đến kết quả, ngày 10/5/1946, phái đoàn Việt Nam rời Đà Lạt ra Hà Nội.

Hội nghị trù bị Đà Lạt tuy không đạt được sự nhất trí giữa hai bên nhưng là bước chuẩn bị cho hội nghị chính thức họp tại Paris. Tại Hội nghị, phía Pháp tỏ rõ lập trường thực dân, hiếu chiến trong khi phái đoàn Việt Nam tỏ rõ thiện chí hòa bình và thái độ cương quyết bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/dalat-palace-va-cuoc-tru-bi-cho-hoi-nghi-fontainebleau-i768781/
Zalo