Vì sao quân đội chính phủ Syria tháo chạy khỏi Aleppo
Việc lực lượng nổi dậy nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát thành phố Aleppo cho thấy sự suy yếu của quân đội chính phủ Syria cũng như các đồng minh của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Dưới sự hỗ trợ của Nga, Iran và Hezbollah, quân đội của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad từng đánh lùi các nhóm phiến quân nổi dậy, giúp ông duy trì quyền lực trong bối cảnh nội chiến ở Syria. Lúc này, khi các đồng minh đang thiếu tập trung, chính quyền của ông Assad cũng bắt đầu lung lay, theo New York Times.
Hôm 30/11, sau cuộc tấn công chớp nhoáng, lực lượng nổi dậy tuyên bố đã giành quyền kiểm soát phần lớn Aleppo, thành phố lớn nhất Syria. Theo các tổ chức trên thực địa, quân nổi dậy hiện đã kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía tây và tây bắc Syria.
Đồng minh phân tán
Nội chiến Syria bùng phát năm 2011 giữa các nhóm vũ trang nổi dậy và các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad. Quân đội của Assad đã trụ vững trong nội chiến nhờ sự chống lưng của Nga, Iran và các nhóm do Tehran hậu thuẫn mà nổi bật là Hezbollah.
Nga đóng vai trò quan trọng nhất, khi cung cấp vũ khí, cố vấn quân sự, đồng thời tiến hành không kích quy mô lớn vào các vùng lãnh thổ do quân nổi dậy kiểm soát. Iran viện trợ vũ khí cho quân đội Assad, đồng thời chỉ đạo các nhóm vũ trang như Hezbollah trực tiếp tham chiến ở Syria.
Nhưng lúc này, các đồng minh của Assad đều đang vướng vào những cuộc xung đột riêng. Iran đã suy yếu sau nhiều năm tài trợ cho các nhóm phiến quân khắp khu vực. Tehran cũng chịu thiệt hại từ các cuộc không kích do Israel tiến hành, đồng thời nền kinh tế Iran đã lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Hezbollah, một trong những chân rết đắc lực nhất của Tehran, đã lung lay tới tận gốc rễ sau 13 tháng chiến tranh với Israel. Hàng loạt lãnh đạo cấp cao của nhóm này, bao gồm thủ lĩnh Hassan Nasrallah, đã bị tiêu diệt.
Nga, nhà bảo trợ chính của chính quyền Assad, bận rộn với chiến dịch quân sự tại Ukraine và đã dành phần lớn nguồn lực quân sự tại Đông Âu.
"Assad tồn tại được trong nội chiến tất cả nhờ sự hỗ trợ của đồng minh. Những trợ giúp đó giờ không còn. Israel đã thay đổi cân bằng sức mạnh tại khu vực khi tiến hành chiến tranh toàn diện với trục kháng chiến. Assad giờ hoàn toàn cô độc", Joshua Landis, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, nhận định.
Vị thế của Assad càng suy yếu hơn bởi sự thay đổi rõ ràng trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara từng phản đối các nhóm phiến quân ở miền bắc Syria tấn công quân đội chính phủ Assad. Thỗ Nhĩ Kỳ lúc này dường như không còn kiềm chế các nhóm nổi dậy.
Kể từ cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023, Israel đã gia tăng không kích nhắm vào Hezbollah và các lực lượng chân rết của Iran tại Syria. Bởi thiệt hại lớn, Hezbollah và các nhóm do Iran tài trợ đã rút khỏi Syria.
Nga hiện là nhà bảo trợ quan trọng nhất của chính quyền Assad. Dù vẫn tiến hành không kích hỗ trợ quân đội chính phủ Syria, phần lớn quân đội Nga đã rút khỏi Trung Đông để tập trung vào chiến sự ở Ukraine.
Trong những năm đầu nội chiến, ngay cả khi có Hezbollah và Iran hỗ trợ, quân đội chính phủ Syria vẫn liên tiếp thua trận và mất quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn vào tay quân nổi dậy. Chiến sự chỉ đảo chiều khi Nga can thiệp quân sự năm 2015 bằng các cuộc không kích quy mô lớn vào lãnh thổ quân nổi dậy.
"Quân chính phủ yếu hơn rất nhiều so với tưởng tượng của bất cứ ai, và quân đội Nga thì gần như biến mất trên chiến trường", bà Dareen Khalifa, cố vấn cấp cao tại International Crisis Group, nhận định.
Từ hôm 27/11, Nga đã mở một số cuộc không kích nhắm vào các thành phố do lực lượng nổi dậy kiểm soát, nhưng quy mô không đáng kể. Giới quan sát cho biết sự hỗ trợ hỏa lực của Nga không còn như trước đây.
Tuần trước, Hezbollah đã chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn với Israel. Các chuyên gia cho rằng sự kiện này đã khuyến khích nhóm nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham mở chiến dịch quân sự mới nhắm vào quân chính phủ. Quân nổi dậy lúc này không còn lo ngại Hezbollah tái can dự vào Syria.
Chỉ trong vòng 4 ngày kể từ khi chiến sự bùng phát, giới tuyến quân sự ở Syria, vốn đã ổn định suốt 4 năm qua, đã bị quân nổi dậy cơ bản vẽ lại.
Sai lầm của chính quyền Assad
Tình hình trên thực địa ở Syria cũng tạo ra những điều kiện quan trọng giúp cuộc tấn công vừa qua của quân nổi dậy nhanh chóng thắng lợi.
Bất chấp sự suy yếu của các đồng minh, chính quyền Tổng thống Assad dường như tự tin về sức mạnh của quân đội chính phủ đủ để bảo vệ giới tuyến quân sự hiện tại.
Thời gian qua, quân đội chính phủ đã rút bớt lực lượng khỏi tiền tuyến. Tại các vùng lãnh thổ do chính phủ kiểm soát, quân đội lập các trạm kiểm soát an ninh, nơi mà giới quan sát cho biết đã xảy ra nạn hối lộ trầm trọng.
Chính quyền Assad cũng không thể cải thiện nền kinh tế dù đã tái kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, trái với kỳ vọng của nhiều người dân Syria. Chính quyền Assad cũng không thể đoàn kết đất nước hay giành lại sự ủng hộ của bộ phận lớn người dân vốn là nạn nhân của nội chiến, nhiều người sống tại các lãnh thổ đã bị chính quân đội Assad và các đồng minh đánh bom dữ dội.
Chính cách cưỡng bức nhập cũ của chính quyền Assad cũng phản tác dụng. Các binh sĩ trẻ khi đối mặt cuộc tấn công vũ bão, có tổ chức của quân nổi dậy vào tuần qua, thay vì trụ lại kháng cự, đã bỏ chạy.
Giới chỉ huy của Hayat Tahrir al-Sham đã theo sát những chuyển biến địa chính trị, đặc biệt khi trục kháng chiến do Iran đứng đầu suy yếu cùng sự sa lầy của Nga tại Ukraine, và khai thác tối đa lợi ích từ chuyển biến này.
"Đồng thời, quân nổi dậy cũng tích cực củng cố năng lực quân sự suốt những năm gần đây, đã có những dấu hiệu về cuộc tấn công này từ 2 tháng qua", bà Khalifa nói.
Hôm 30/11, chính phủ Syria tuyên bố rút quân khỏi Aleppo để tái tập hợp, tái tổ chức, củng cố phòng tuyến cũng như chờ lực lượng tiếp viện trước khi phản công.