Chuẩn bị tốt cho kỳ tuyển sinh đại học
Năm 2025, phương án tuyển sinh của các trường đại học có nhiều điểm mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có dự kiến thay đổi một số điều trong Quy chế tuyển sinh. Thời điểm này, ngoài học tập và củng cố kiến thức, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin để chuẩn bị tốt cho đợt tuyển sinh sắp tới.
Đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh 2025 đã được công bố và lấy ý kiến rộng rãi, điểm mới được quan tâm là: Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh; Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm; Cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo…

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2024. Ảnh: Đình Minh.
Nói về những điểm mới này, bà Phạm Thanh Hà, phụ trách Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho hay: Về cơ bản, Trường Đại học Ngoại thương nhất trí với nội dung trong Thông tư sửa đổi và bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có thể nói, cách tiếp cận mới này trong dự thảo Thông tư đã đảm bảo được sự công bằng giữa các thí sinh. Các thí sinh được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất do điểm xét tuyển được quy về cùng một thang đo.
Về chỉ tiêu xét tuyển sớm chiếm tỷ lệ không quá 20%, trên thực tế tại Trường Đại học Ngoại thương, năm 2024 nhà trường đã giảm số lượng thí sinh trúng tuyển sớm xuống chỉ còn khoảng 12%. Còn lại chủ yếu là các phương thức xét tuyển riêng cũng như xét tuyển kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc là sử dụng riêng điểm thi tốt nghiệp THPT, và cùng xét tuyển chung trên hệ thống xét tuyển của Bộ.
Điều được nhiều người quan tâm là những thí sinh học chương trình cũ, khi tham gia tuyển sinh trong năm 2025, cần có lưu ý gì? Về điều này, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Đối với những thí sinh tự do, các em cần tìm hiểu đề án tuyển sinh trên cổng thông tin điện tử của các trường. Qua đó các em bám sát được những tổ hợp, phương thức xét tuyển của trường để lựa chọn đăng ký.
“Còn về thi, các em yên tâm là trong Quy chế thi THPT có một mục dành cho thí sinh tự do. Năm nay có điểm đặc thù rất khác so với các năm trước, đó là sẽ có hai nhóm thí sinh, một nhóm thí sinh học theo chương trình phổ thông mới, một nhóm thí sinh đã tốt nghiệp của các năm học trước học theo chương trình trước đây. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức để đảm bảo có đề thi dành cho đối tượng các thí sinh tự do. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo cũng sẽ song hành với Bộ trong việc lựa chọn, quy đổi điểm để có thể lựa chọn được thí sinh cho các trường. Các em yên tâm là Bộ sẽ sử dụng các dạng thức bài thi và đánh giá như chương trình phổ thông mà các em đã học chứ không áp dụng bài thi theo chương trình phổ thông mới cho thí sinh tự do trong năm 2025. Tuy nhiên, các em cũng cần đọc kỹ quy chế, việc này không thể kéo dài mãi trong vòng 5-7 năm tiếp theo. Các em cần có kế hoạch để đưa ra lựa chọn một cách phù hợp” - ông Dũng chia sẻ.
Khắc phục tình trạng “thí sinh ảo” thế nào?
Những năm trước, vấn đề lọc ảo là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà trường và thí sinh. Trong đó, việc thí sinh đăng ký xét tuyển sớm nhiều đã dẫn đến tình trạng ảo lớn. Năm nay, trong dự thảo Quy chế tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khống chế tỷ lệ dưới 20% với phương thức xét tuyển này. Trong nhiều cuộc tọa đàm, một số trường đại học cũng đã đề xuất không giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm trong 20% mà nên bỏ luôn.
Nói về vấn đề lọc ảo, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng cho hay: Đối với xét tuyển sớm, quyền lựa chọn của các em rất lớn. Về cơ bản, tất cả các cơ sở đào tạo đều dành chỉ tiêu, thậm chí dành lượng chỉ tiêu lớn cho xét tuyển sớm trong những năm vừa qua. Chính vì thế một thí sinh có thể nộp xét tuyển sớm tới 10-15 trường, đăng ký một trường 5-7 nguyện vọng. Mà bản chất một thí sinh chỉ xét tuyển được vào 1 ngành, 1 chương trình. Chúng ta nhân lên sẽ thấy được mức độ ảo của phương thức này nhiều như thế nào. Bên cạnh đó là những em có hồ sơ đẹp sẽ trúng rất nhiều trường, gần như nộp vào đâu trúng đấy, nên lại càng làm tăng số ảo. Thực tiễn cho thấy, nếu để như cũ, lượng ảo nhiều mà chưa mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyển sinh, gây xao nhãng nhất định với nhiều em trong quá trình học tập và thêm vất vả rất nhiều cho xã hội.
Theo ông Dũng, đây mới đang là dự thảo, có thể sẽ có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong thời gian tới liên quan đến những tham số này. Mong muốn cuối cùng là có thể lựa chọn được các thí sinh thực sự tốt.
Ông Dũng cũng thông tin thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo không giới hạn việc đăng ký nguyện vọng của các thí sinh. Các em vẫn sẽ tiếp cận để lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên cho ngành, chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo mình mong muốn. Trên cơ sở tổng số nguyện vọng đó, Bộ sẽ tiến hành lọc ảo. Về mặt kỹ thuật, lọc ảo năm nay không có sự thay đổi so với các năm trước. Tuy nhiên sẽ có thêm những rằng buộc, quy định liên quan đến tổ hợp môn, quy đổi điểm xét về một thang... Thí sinh vẫn sẽ trúng nguyện vọng cao nhất tại một ngành, một cơ sở đào tạo.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2025 đã được công bố và lấy ý kiến rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp đa chiều, ban soạn thảo quy chế tiếp tục đề xuất lãnh đạo Bộ một số điều chỉnh so với dự thảo đã công bố như bỏ xét tuyển sớm, bổ sung thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với nhóm ngành Sức khỏe, Sư phạm...