Vì sao Chính phủ bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với GDP tăng 8%?
Tăng trưởng GDP 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài, bắt đầu từ năm 2026.
Chiều 10-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ trình bày Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày kế hoạch này.
Từ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024, kết hợp với bối cảnh, tình hình năm 2025, Chính phủ cho rằng: “Trong khó khăn, thách thức, cũng có những thời cơ mới có thể xuất hiện, chúng ta cần chủ động nắm bắt, khai thác tối đa mọi cơ hội, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển”.
“Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày.
Do đó, theo tờ trình của Chính phủ, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).
“Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
![Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày kế hoạch bổ sung phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được tăng trưởng GDP 8% năm 2025. Ảnh: QH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_114_51441107/649e0c3f3871d12f8860.jpg)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày kế hoạch bổ sung phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được tăng trưởng GDP 8% năm 2025. Ảnh: QH
Để đạt được tăng trưởng 2025 từ 8% trở lên, tờ trình của Chính phủ đề cập đến việc đổi mới tư duy, đến vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng như Hà Nội, TP.HCM. Đồng thời, đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, phát triển mạnh khoa học công nghệ,
“Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày.
Các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đề xuất gồm hoàn thiện thể chế, luật pháp; khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; đẩy mạnh xuất khẩu và cuối cùng là thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
“Ngay trong năm 2025 phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập một số luật có dự kiến sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Đồng thời là việc ban hành ngay cơ chế, chính sách đủ mạnh, quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đồng tình với tờ trình của Chính phủ. Trong đó, cơ quan thẩm tra lưu ý các giải pháp về tăng cường năng lực nội sinh, củng cố quan hệ quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả.
“Tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là về quy trình, thủ tục đầu tư, quy hoạch và tiếp cận đất đai. Thúc đẩy chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, thực chất, lan tỏa rộng rãi hơn.
Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm thực chất thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp. Không để việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày.
Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng: Cần ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:
(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên.
(2) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
(3) Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi NSNN lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.