Phát huy vai trò công nghiệp chế biến, tạo động lực tăng trưởng

Nhìn lại năm 2024, tình hình công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quá trình hồi phục và tăng trưởng ổn định, tạo đà cho sự bứt phá trong năm tiếp theo; các giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ tiếp tục phát huy hiệu quả.

Ngày 7/1, tại Cụm công nghiệp Vàm Cống (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) - thành viên của Tập đoàn Sao Mai tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng, góp phần tạo động lực tăng trưởng của tỉnh trong thời gian tới

Ngày 7/1, tại Cụm công nghiệp Vàm Cống (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) - thành viên của Tập đoàn Sao Mai tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng, góp phần tạo động lực tăng trưởng của tỉnh trong thời gian tới

Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp ước đạt 12.572 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 10,08% (tương ứng tăng 1.152 tỷ đồng), cao hơn mức tăng trưởng của năm 2023 và đang trong quá trình tăng trưởng ổn định trở lại sau suy giảm năm 2021. Hai ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện đều tăng trưởng trên 10%, đóng góp tích cực cho tăng trưởng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò then chốt, chiếm 18,27% trong GRDP (năm 2023 là 17,65%).

Năm 2024, tỉnh có 6/10 sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt và vượt kế hoạch như: gạo; miến, hủ tiếu, bánh tráng và sản phẩm tương tự; thức ăn gia súc, thủy sản; cát khai thác; các bộ phận dày dép; bia, cho thấy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp. Hai mặt hàng thủy sản chế biến và sản phẩm may chưa đạt kế hoạch do khó khăn từ thị trường, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng nhất định so với năm 2023. Riêng hai mặt hàng thuốc viên các loại và thuốc lá điếu sụt giảm nên làm hạn chế mức tăng trưởng chung.

Năm qua, tình hình thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 140.800 tỷ đồng, tăng 11,33% so với năm 2023. Giá trị tăng thêm khu vực thương mại và dịch vụ đạt 28.252 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 7,2% (tương ứng tăng 1.899 tỷ đồng), đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. Trong đó, du lịch lữ hành tăng 124,79% (vượt 91,07% KH), cho thấy tiềm năng của lĩnh vực này khá lớn. Các ngành bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ khác (tín dụng, vận tải, bảo hiểm, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin và truyền thông, nghệ thuật và văn hóa...) đều tăng trưởng nhưng chỉ ở mức khá do sức mua, tiêu dùng tại thị trường nội tỉnh chưa cao nên chưa đạt kế hoạch.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính hàng hóa tạm nhập, tái xuất) tăng trưởng đều đặn qua các năm, năm 2024 ước đạt 2,095 tỷ USD, tăng 48,94% so với năm 2023, đạt 149,67% kế hoạch. Xuất khẩu gạo, bánh phồng tôm, bánh kẹo, ngũ cốc, sản phẩm may vượt kế hoạch năm. Hoạt động nhập khẩu diễn ra ổn định, bảo đảm trang thiết bị và nguyên, vật liệu cho sản xuất. Hoạt động xuất nhập khẩu biên mậu khá sôi động, kim ngạch đạt 850 triệu USD, tăng 172,67% so với năm 2023, đạt 270% kế hoạch.

Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển ổn định, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Trong năm 2024, huy động vốn ước đạt 74.077 tỷ đồng, tăng 8,47% so với cuối năm 2023 và dư nợ cho vay ước đạt 118.304 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cuối năm 2023. Công nghệ thông tin và truyền thông ngày càng bền vững, định hướng chuyển đổi theo hướng phát triển hệ thống thông tin chính quyền điện tử, các dịch vụ đô thị thông minh. Hệ thống logistics và vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa.

TN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/phat-huy-vai-tro-cong-nghiep-che-bien-tao-dong-luc-tang-truong-129132.aspx
Zalo