Chính phủ trình kịch bản tăng trưởng 8% trở lên năm 2025
Chiều nay 10/2, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Tăng trưởng GDP năm 2025 cần đạt 8% trở lên
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên. (2) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%. (3) Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi NSNN lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Về điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025, Chính phủ nhấn mạnh tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Cùng với đó phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong tờ trình, báo cáo của Chính phủ. Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, do vậy, đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.
Tháo gỡ ngay những “điểm nghẽn”
Ủy ban Kinh tế cho rằng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, đề nghị Chính phủ triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Kết luận số 123-KL/TW của BCH Trung ương Đảng, Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội và tùy tình hình thực tế có các giải pháp điều hành phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là mục tiêu nền tảng trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, để tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Cùng với đó tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là về quy trình, thủ tục đầu tư, quy hoạch và tiếp cận đất đai. Thúc đẩy chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, thực chất, lan tỏa rộng rãi hơn.
“Ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi”, theo ông Vũ Hồng Thanh.
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho rằng, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng với các địa phương thì cần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, trong có giải pháp cho DN ở khu vực. Ông cũng tán thành việc lựa chọn lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng, song đề nghị các chính sách ưu đãi nhất cho lĩnh vực này cần được vận hành ngay.
Đề cập nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề cần tập trung vào vấn đề gì, đồng thời cho rằng nên rà soát “điểm nghẽn” pháp luật để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Dẫn Luật Lâm nghiệp, ông Trần Quang Phương nêu quan điểm, nếu không sửa nhanh thì còn ách tắc, từ quy hoạch, đất đai đến khoanh nuôi bảo vệ rừng.
“Quy hoạch rừng do ngày xưa làm kiểu "vung tay" nên chồng lấn rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng sản xuất. Nhiều nơi có rừng quan ngại vì không phát triển được. Đụng đâu cũng rừng phòng hộ, đầu nguồn nhưng thực tế không còn. Rồi đất nông lâm trường vướng lắm, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, miền núi. Ngoài ra, sửa luật cũng giải quyết được câu chuyện kinh tế dưới tán rừng, tín chỉ carbon”, ông Trần Quang Phương nêu và đề nghị sửa ngay luật này.
Về đẩy mạnh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương cho biết Quốc hội có cơ chế đặc thù nhưng Chính phủ, bộ ngành chưa có hướng dẫn chuyển nguồn nên địa phương không thực hiện được. “Đây cũng là điểm cần tháo gỡ thì mới đẩy nhanh tiến độ được”, ông nói.
Sau thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định đề xuất của Chính phủ tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.