Chú trọng công tác đào tạo nguồn lao động chất lượng cao

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp các sở, ngành liên quan và địa phương triển khai, thực hiện các chương trình đào tạo nguồn lao động chất lượng cao thông qua việc cải tiến, nâng chất lượng chương trình đào tạo, kết nối cung cầu lao động với các doanh nghiệp, công ty trong, ngoài tỉnh và ở nước ngoài.

Thành viên Câu lạc bộ ngoại ngữ Trung tâm Dịch vụ việc làm tham gia sinh hoạt rèn luyện kỹ năng tiếng Nhật

Thành viên Câu lạc bộ ngoại ngữ Trung tâm Dịch vụ việc làm tham gia sinh hoạt rèn luyện kỹ năng tiếng Nhật

Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH ban hành Kế hoạch và giao Trung tâm Dịch vụ việc làm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, Phòng LĐ-TB&XH, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện vận động, tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động, bộ đội xuất ngũ chưa tìm được việc làm; học sinh tốt nghiệp THCS, THPT không học trung cấp, cao đẳng, đại học và học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm để đăng ký, tìm việc làm trong và ngoài nước. Để thực hiện tốt công tác giới thiệu, giải quyết việc làm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các sở, ngành liên quan và địa phương triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Kết quả, năm 2024 đã giải quyết việc làm cho 39.953 người, đạt 133,18% chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong đó, có 2.276 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 113,8%) tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Số lao động đang học ngoại ngữ, giáo dục định hướng là 787 người, thị trường người lao động đăng ký tham gia gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc... Kết quả trên góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 43,7% năm 2023 xuống còn 41,3% vào năm 2024.

Nhằm kết nối cung - cầu lao động giữa các doanh nghiệp và người lao động đã qua đào tạo, Sở LĐ-TB&XH khảo sát nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ động triển khai, thực hiện thu thập thông tin người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về, cập nhật danh sách người lao động hết hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài trở về địa phương hàng năm.

Qua khảo sát, tập hợp, từ năm 2021 đến nay có 6.792 lao động hết hạn hợp đồng trở về nước. Để đảm bảo nguồn nhân sự phục vụ hoạt động đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, giảng dạy cho học sinh, sinh viên, người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ quản lý, giáo viên tham dự các lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ với 180 lượt người, đạt 150% kế hoạch. Trong đó, bồi dưỡng kỹ năng dạy học; lý luận chính trị, tham gia học tập kinh nghiệm. Kết quả, đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo được đào tạo đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong toàn tỉnh.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho 139 cán bộ quản lý và giáo viên. Cùng với đó, các đơn vị trường tích cực tìm kiếm các đối tác trong, ngoài tỉnh, ở nước ngoài liên kết đào tạo, tuyển dụng học sinh, sinh viên, người lao động đảm bảo các yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ năng bắt nhịp nhanh với công việc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.

Tiếp tục thực hiện đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, năm 2025, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các ngành, đơn vị tổ chức khảo sát tình trạng việc làm, nhu cầu việc làm của người lao động để kết nối với doanh nghiệp. Sở LĐ-TB&XH triển khai nhiều văn bản của Trung ương và địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động trong công tác tuyển sinh và đào tạo; kết hợp đào tạo nghề trực tuyến kết hợp trực tiếp, ký kết phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo lý thuyết tại trường, thực hành tại doanh nghiệp... để chủ động và nâng cao hiệu quả đào tạo.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đầu tư trang thiết bị có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đầu tư trang thiết bị các ngành nghề trọng điểm, ngành nghề có thế mạnh của tỉnh cho các trường trung cấp để tổ chức đào tạo nguồn lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định; huy động sự tham gia của các chuyên gia tại doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu doanh nghiệp.

D.C

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/chu-trong-cong-tac-dao-tao-nguon-lao-dong-chat-luong-cao-129133.aspx
Zalo