Vì sao các tăng ni đều cạo đầu nhưng Đức Phật lại để tóc?
Mái đầu cạo trọc tượng trưng cho sự từ bỏ và khiêm hạ của những người xuất gia, nhưng tại sao các bức tượng Phật cho thấy ngài vẫn để tóc?
Một trong những hình ảnh quen thuộc khi nhắc đến tăng ni Phật giáo là mái đầu cạo trọc, thể hiện sự buông bỏ thế tục, bước vào đời sống xuất gia thanh tịnh. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người thắc mắc là: Trong khi tăng ni đều cạo đầu, vì sao các tượng Phật, trong đó có Phật Thích Ca, luôn được khắc họa có tóc? Liệu đây là mâu thuẫn trong hình tượng tôn giáo, hay còn có ý nghĩa sâu xa nào khác?

Kiểu tóc xoắn ốc thường thấy ở các bức tượng Phật.
Cạo đầu - biểu tượng của sự từ bỏ và khiêm hạ
Trong giáo lý nhà Phật, cạo tóc là nghi thức quan trọng đánh dấu sự xuất gia, từ bỏ cuộc sống thế tục để bước vào con đường tu hành. Việc mái tóc (vốn được xem là biểu tượng của sắc đẹp, ngã mạn và dính mắc thế gian) bị cạo sạch đồng nghĩa với việc người tu hành nguyện rũ bỏ mọi vướng víu vật chất, danh vọng và sắc dục.
Các vị tăng ni sau khi thọ giới đều duy trì việc cạo đầu thường xuyên như một hình thức tu tập: Luôn nhắc nhở bản thân về chí nguyện ban đầu, giữ sự khiêm hạ, giản dị, sống không vì hình tướng.
Hơn nữa, việc cạo đầu còn có lợi ích thực tế trong môi trường tu viện, giúp đơn giản hóa việc sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh cá nhân, và tránh phân biệt giàu nghèo thông qua ngoại hình.
Đức Phật cạo đầu hay không?
Kinh điển Phật giáo có chép lại rằng khi Thái tử Tất Đạt Đa quyết định xuất gia, ngài đã tự tay dùng kiếm cắt tóc và cởi bỏ y phục vương giả. Hành động này tượng trưng cho việc đoạn lìa thế tục, bắt đầu con đường tìm đạo.
Từ đó về sau, trong suốt thời gian tu hành và thuyết pháp, Đức Phật vẫn giữ hình ảnh là một vị sa môn – giản dị, mặc áo cà sa, không trang sức, không tóc tai kiểu cách. Như vậy, về mặt lịch sử và giáo lý, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hoàn toàn là người xuất gia, vì vậy chắc chắn không để tóc.
Trong kinh Sanadantta, kinh Trường bộ, đạo sĩ Bà la môn Sanadanta mô tả đức Phật: “Samon Gotama cạo bỏ râu tóc xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình…”.
Kinh Phật cũng kể chuyện Ưu Ba Li - người thợ cắt tóc của hoàng cung được gọi đến cạo đầu cho Đức Phật khi ngài đã thành đạo, trở về thăm gia đình. Trong lúc cạo đầu cho Phật, Ưu Ba Li được ngài độ hóa.
Vậy thì tại sao hầu hết các bức tượng, tranh vẽ hay hình tượng Đức Phật sau này đều thể hiện tóc xoắn ốc hoặc búi cao trên đỉnh đầu?
Tóc xoắn ốc - biểu tượng chứ không phải hình tướng thật
Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo, hình ảnh tóc xoắn ốc hoặc búi tóc trên đầu Đức Phật không phải là mô tả thực tế lịch sử, mà là hình tượng mang tính biểu tượng và nghệ thuật được xây dựng từ những thế kỷ sau khi Phật nhập diệt.
Hình ảnh này xuất hiện nhiều từ thời Gandhara (khoảng thế kỷ I - V), nền văn hóa Phật giáo kết hợp với nghệ thuật Hy Lạp - La Mã, nơi lần đầu tiên hình tượng Đức Phật được điêu khắc. Mái tóc xoắn ốc được mô tả như một dấu hiệu tôn quý, khác biệt với phàm nhân. Theo quan niệm Ấn Độ cổ đại, tóc xoắn ốc là một trong ba mươi hai tướng tốt (tam thập nhị tướng) của các vị Phật – biểu hiện cho trí tuệ siêu việt và sự phi thường.

Tượng Đức Phật trong nghệ thuật Phật giáo Hy Lạp ở Gandhāra, thế kỷ thứ 1. Ngài được thể hiện với mái tóc có búi cao trên đỉnh đầu.
Ngoài ra, búi tóc trên đỉnh đầu (Usnisha) – đôi khi được hiểu nhầm là búi tóc, thực chất là một trong các tướng đại nhân, biểu thị trí tuệ tối thượng, cái nhìn vượt ngoài tam giới.
Như vậy, tóc trên đầu Đức Phật trong hình tượng điêu khắc là một biểu tượng, không phải biểu hiện thực tế của sự không cạo đầu hay không xuất gia.
Để tránh hiểu lầm, cần phân biệt Đức Phật lịch sử và Đức Phật trong nghệ thuật. Đức Phật lịch sử là một sa môn đã cạo tóc, sống đời tu hành và giác ngộ. Trong khi đó, hình tượng Phật trong điêu khắc, hội họa là kết tinh của nhiều yếu tố văn hóa, biểu tượng hóa và sự tôn kính từ hậu thế.
Một số học giả cho rằng, việc tạc tượng Phật với kiểu tóc xoắn ốc cũng là cách các nghệ nhân xưa làm nổi bật sự siêu phàm của ngài, để phân biệt với chư tăng bình thường – những người cũng cạo đầu, nhưng chưa giác ngộ hoàn toàn.
Hình ảnh Đức Phật với mái tóc xoắn ốc đã trở thành khuôn mẫu phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo không chỉ tại Ấn Độ mà còn lan rộng khắp châu Á. Tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Campuchia… hình tượng này đều được sử dụng trong các pho tượng thờ tại chùa chiền.
Một số truyền thuyết dân gian lý giải rằng tóc Đức Phật tự cuộn tròn xoắn ốc sau khi ngài giác ngộ như một biểu tượng của năng lượng nội tại và trí tuệ viên mãn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tất cả những mô tả đó đều có yếu tố biểu trưng, nghệ thuật và văn hóa hóa chứ không mô tả trực tiếp hình tướng lịch sử của Đức Phật.