Vì sao các quỹ ngoại sẵn sàng hỗ trợ vốn cho F88?
Là doanh nghiệp trẻ, hoạt động theo một mô hình kinh doanh khác lạ, trong mảng thị trường còn chịu nhiều định kiến nhưng F88 lại thường xuyên nhận sự trợ vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế. Vậy điều gì khiến họ trở nên hấp dẫn trong mắt các quỹ ngoại?
F88 vừa công bố việc đã huy động thành công khoản vay trị giá 30 triệu USD, tương đương 780 tỷ đồng, từ quỹ tín dụng Lendable với kỳ hạn 3 năm. Đây là khoản vay có giá trị cao nhất mà quỹ ngoại có trụ sở tại London (Anh quốc) này dành cho một doanh nghiệp tài chính tại Việt Nam. Trước đó, từ 2022 đến 2023, quỹ ngoại này đã nhiều lần cấp khoản vay cho F88 với hạn mức mỗi lần từ 5 - 10 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn mà Lendable cho F88 vay là gần 70 triệu USD. “Điều đó cho thấy niềm tin của Lendable vào định hướng chiến lược, hiệu quả vận hành và khả năng quản trị rủi ro của chúng tôi”, đại diện của F88 cho biết.
Ngoài Lendable, F88 còn nhiều lần vay vốn từ các quỹ ngoại khác như Lending Ark Asia Secured Private Debt Holdings Limited (Lending Ark Asia), GreenArc Capital với tổng hạn mức hơn 170 triệu USD. Những con số này phần nào nói lên niềm tin của các quỹ ngoại vào mô hình hoạt động của F88 nói riêng và tiềm năng thị trường cho vay thay thế tại Việt Nam nói chung. Ngoài hình thức cho vay, các quỹ ngoại còn góp vốn cổ phần vào F88. Hiện các quỹ Mekong Capital (thông qua Skydom và Winter Flame), Granite Oak, Oman Investment Authority lần lượt nắm giữ 36,9%; 9,8% và 8,1% vốn điều lệ. Như vậy, cái tên F88 rất có sức hút với quỹ ngoại và câu hỏi đặt ra là sức hút đó đến từ đâu? Có lẽ là từ ba yếu tố.

Mảng kinh doanh chủ yếu của F88 là cho vay thay thế với sản phẩm chính là cầm cố ô tô, xe máy và dựa nhiều vào nền tảng công nghệ. Theo nghiên cứu mới nhất của Fiin Group thì khách hàng vay tiêu dùng tại Việt Nam có thu nhập bình quân dưới 20 triệu đồng/tháng, chiếm tới 97% tổng số dân trong độ tuổi lao động, tương đương 54,9 triệu người. Trong đó, ngân hàng, công ty tài chính và các tổ chức cho vay thay thế phục vụ 14,7 triệu khách hàng có thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng, chiếm 26% tổng lực lượng lao động. Hơn 40 triệu người có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, chiếm tới 71% lực lượng lao động, là khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng và tổ chức cho vay thay thế.
Báo cáo ghi nhận Việt Nam có 4 loại hình cho vay thay thế chính gồm cầm đồ, mua trước trả sau (BNPL), cho vay ngang hàng (P2P) và cho vay ngắn hạn (payday loan). Năm 2023, tổng dư nợ của hình thức cầm đồ là 72.673 tỷ đồng, gấp gần 8 lần tổng dư nợ 9.257 tỷ đồng của 3 loại hình vay còn lại. Về hiệu quả kinh doanh, dư nợ bình quân của cửa hàng cầm đồ công nghệ là 4,1 tỷ đồng (1.267 cửa hàng/5.227 tỷ đồng dư nợ) trong khi dư nợ bình quân cầm đồ truyền thống là 2,8 tỷ đồng (23.913 cửa hàng/68.446 tỷ đồng dư nợ). Năm 2023, tổng số cửa hàng cầm đồ công nghệ được ghi nhận là 1.267, trong đó F88 chiếm 836 cửa hàng. Dư nợ của F88 trong năm 2023 cũng chiếm 73,2% tổng dư nợ của các cửa hàng cầm đồ công nghệ. Điều này đã phần nào khắc họa vị thế dẫn đầu của F88 trong thị trường cho vay thay thế.
Kết quả kinh doanh và chiến lược phát triển cũng là điều các quỹ ngoại quan tâm. Trước năm 2022, F88 đã trải qua một giai đoạn phát triển bùng nổ, đỉnh điểm là mức lợi nhuận 211 tỷ đồng. Nhưng năm 2023, kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng do sự rung lắc của toàn thị trường cho vay tiêu dùng. Song đến năm 2024, F88 lại ghi nhận mức lợi nhuận lên đến 351 tỷ đồng. Hết quý 1/2025, lãi trước thuế của họ là 132 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ; giải ngân 3.284 tỷ đồng, tăng 25%; doanh thu đạt 820 tỷ đồng, tăng hơn 21%; tỷ lệ nợ xấu (Net Write-Off) giảm còn 2,78% so với 3,48% năm trước; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 23,51%, gấp đôi cùng kỳ. Theo dự phóng của FiinsRatings thì F88 sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao ở mức 500-700 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2026 nhờ chiến lược mở rộng cho vay và quản lý chi phí hiệu quả.
Nhờ sự cải thiện chất lượng tài sản, khả năng huy động vốn và vị thế dẫn đầu thị trường của F88 mà mới đây nhất. tháng 4/2025, FiinRatings đã nâng triển vọng của doanh nghiệp này từ mức “Ổn định” lên “Thuận lợi”. Kết quả xếp hạng tín nhiệm là căn cứ quan trọng để các quỹ tài chính, trong và ngoài nước, xẽm xét có hỗ trợ tài chính hay không và hỗ trợ như thế nào.
Ngày 6/5 vừa qua, F88 đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công nhận đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng. “Đây là dấu mốc giúp vị thế của F88 được nâng cao hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức”, đại diện F88 cho biết. Những con số tạo nên vị thế, vị thế tạo niềm tin và khi đã có niềm tin, việc các quỹ ngoại luôn sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho F88 là điều “có thể hiểu được”.