Về Tiên Động nhớ Ngư Phong - Nguyễn Quang Bích

Ghi nhớ công lao của Nguyễn Quang Bích, cảm động trước tinh thần bất khuất, yêu nước, nhiều nơi đã lấy tên ông để đặt tên cho các đường phố. Xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ và nhiều nơi khác cũng lấy tên ông để đặt tên cho những ngôi trường. Ấy vậy mà căn cứ Tiên Động và đền thờ 'người hùng của núi rừng Tây Bắc' trên đồi Tướng Quân xem ra còn chưa được nhiều người biết đến.

Chân dung Thượng thư bộ Lễ sung Hiệp thống quân vụ Bắc Kỳ đại thần Nguyễn Quang Bích

Chân dung Thượng thư bộ Lễ sung Hiệp thống quân vụ Bắc Kỳ đại thần Nguyễn Quang Bích

Ngư Phong - Nguyễn Quang Bích, người hùng của núi rừng Tây Bắc

Ngư Phong là tên hiệu của thủ lĩnh miền Thao - Đà trong thời Cần Vương chống Pháp ở Bắc Kỳ. Ông tên thật là Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890). Đương thời ông được nhân dân miền Tây Bắc xưng tụng là “Phật sống” và hết lòng yêu quý, ngưỡng mộ.

“Phật sống” Nguyễn Quang Bích cũng có tên gọi khác là Ngô Quang Bích. Lý do, ông vốn là người của dòng họ Ngô Vương nhưng ông nội ông lại đổi sang họ ngoại, họ Nguyễn.

Ngư Phong - Nguyễn Quang Bích sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn (tức 7 tháng 5 năm 1832) tại làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Nguyễn Quang Bích dùng danh xưng Ngư Phong để thể hiện tấm lòng yêu quý và thương nhớ quê hương. Ngư Phong tên một ngọn đồi chốn quê nhà Nguyễn Quang Bích ở Thái Bình. Đó chính là gò Chài, ở cửa bể, nơi những người dân chài quê ông mỗi khi đi biển về thường ngồi nghỉ và phơi chài, phơi lưới để chuẩn bị cho lần sau ra khơi. Nguyễn Quang Bích đặt tên hiệu của mình là Ngư Phong nhằm nhắc nhở, ngụ ý rằng luôn nhớ về quê hương. Nghe kể, thủa nhỏ ông học rất giỏi nhưng đỗ muộn.

Năm 1861, ông đỗ cử nhân và được bổ làm giáo thụ phủ Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ông làm được một năm thì cáo quan về dạy học.

Đến năm 1869 ông tiếp tục thi đình và đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ.

Sau đó ông được bổ làm Tri phủ Lâm Thao (Phú Thọ), rồi Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa) và lần lượt làm Án sát tỉnh Sơn Tây, Tế tửu Quốc tử giám ở Huế, Án sát tỉnh Bình Định.

Năm 1875, ông từng được vua Tự Đức giao cho duyệt bộ sách “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”. Cũng trong năm đó nhà Nguyễn cho mở doanh điền Hưng Hóa (Phú Thọ) để vừa khai hoang vừa phòng vệ ở khu vực núi rừng Tây Bắc và Nguyễn Quang Bích lại được cử làm Chánh sứ Sơn phòng Hưng Hóa.

Năm sau ông được kiêm thêm chức Tuần phủ Hưng Hóa.

Năm 1885, khi vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương kêu gọi văn thân sĩ phu và nhân dân cả nước đứng dậy chống Pháp cứu nước, Nguyễn Quang Bích được phong cấp Thượng thư bộ Lễ sung Hiệp thống quân vụ Bắc Kỳ đại thần, được toàn quyền chọn văn võ các cấp và hai lần được giao nhiệm vụ mang quốc thư sang Trung Quốc cầu viện.

Tuy nhiên do Pháp - Thanh ký Hiệp ước Thiên Tân (1885) nên việc bất thành. Dẫu vậy, ông đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và cũng phần nào tranh thủ được tình cảm cùng sự giúp đỡ ít ỏi của người Hoa, cụ thể là Sầm Dục Anh - Tổng đốc Vân Quý, đã gửi một ít vũ khí (600 khẩu súng), đạn dược, vật phẩm, bạc nén sang để khích lệ tinh thần kháng chiến của nghĩa quân.

Tác giả trước đền thờ Ngư Phong - Nguyễn Quang Bích

Tác giả trước đền thờ Ngư Phong - Nguyễn Quang Bích

Suốt cuộc đời làm quan, Nguyễn Quang Bích sống thanh liêm, đức độ. Đặc biệt, ông là vị quan nhà Nguyễn cương quyết chống lại đường lối thỏa hiệp với Pháp. Sau sự việc cầu Thanh bất thành, Nguyễn Quang Bích đã trực tiếp lãnh đạo phong trào chống Pháp ở Tây Bắc.

Khi Pháp tấn công Hưng Hóa, ông đã chỉ huy binh lính giữ thành. Do tương quan giữa hai bên không cân sức, lực yếu quân mỏng, Nguyễn Quang Bích định theo gương Tổng đốc thành Hà Nội (Hoàng Diệu) tuẫn tiết ngay trên vọng lâu của kỳ đài. Tuy nhiên các tướng lĩnh bên ông đã kịp thời can ngăn, đưa ông lên ngựa, phá vòng vây của quân Pháp chạy về Tam Nông (Phú Thọ) rồi đến Cẩm Khê (Phú Thọ). Tại đây ông đã thu thập quân binh tính chuyện chiến đấu dài lâu, ông đã nói với các tướng sĩ và con cháu rằng: “Ta đã đem thân hứa quốc, không cần đi lại thăm nom. Sau này có nhớ đến ta cứ lấy ngày mất thành Hưng Hóa mà làm giỗ”.

Cột cờ bên đền thờ Ngư Phong - Nguyễn Quang Bích

Cột cờ bên đền thờ Ngư Phong - Nguyễn Quang Bích

Khi Pháp xâm lược Bắc Kỳ, từng nghe uy danh của “Phật sống” nên quân Pháp đã không ít lần sai người dùng vinh hoa phú quí dụ ông đầu hàng nhưng Nguyễn Quang Bích đã khẳng khái trả lời bọn chúng: “Rồi, nếu mà thắng, mà sống thì là nghĩa sĩ của triều đình, nhưng chẳng may mà thua, mà chết thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc… Thà chịu tội với nhất thời, quyết không chịu tội với vạn thế; một chữ thú từ nay xin đừng nhắc lại nữa và cũng đừng có khuyên bừa”.

Từ năm 1885 đến 1890, Nguyễn Quang Bích vừa trực tiếp chỉ huy lực lượng vừa tìm cách liên kết với các thủ lĩnh phong trào yêu nước khác ở trong vùng như Nguyễn Thiện Thuật, Đèo Văn Trì, Nông Văn Quang, Cầm Văn Hoan, Cầm Văn Thanh… để cùng nhau chống Pháp.

Ông cũng đã lôi kéo được khá nhiều sĩ phu, hào trưởng cùng đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Mường, H’Mông, Dao, Nùng… trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc ủng hộ nghĩa quân nổi dậy chống Pháp.

Cuộc kháng chiến của ông đang phát triển và thu được một số thắng lợi thì bất ngờ ông đổ bệnh rồi mất tại căn cứ Tôn Sơn vào ngày rằm tháng Chạp năm Canh Dần (tức 24 tháng 1 năm 1890).

Ông ra đi trong niềm thương tiếc và ngưỡng mộ của mọi người khi nợ nước còn đang dang dở. Thi hài của ông đã được nghĩa quân mai táng tại đại bản doanh trên núi Tôn Sơn - Mộ Xuân xã Xuân An, huyện Yên Lập (Phú Thọ).

Vài năm sau, hài cốt của ông đã được gia đình bí mật đưa về quê nhà.

Cảm kích tấm lòng nhân nghĩa, yêu nước của Nguyễn Quang Bích, nhân dân nhiều nơi ở Phú Thọ đã dựng đền, lập miếu để thờ ông và nghĩa quân, trong đó có căn cứ Tiên Động ở xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Không chỉ là một võ tướng, đương thời ông còn là một nhà ngoại giao, một thi sĩ rất tài hoa. Tác phẩm “Ngư Phong thi tập” (gồm 112 bài bằng chữ Hán) của ông để lại tựa như một cuốn nhật ký và thể hiện một cách rất sinh động về cảnh vật cũng như cuộc sống kháng chiến chống Pháp của con người vùng Tây Bắc hồi cuối thế kỷ XIX.

Đền thờ Tướng quân tĩnh lặng giữa trập trùng non xanh cọ biếc

Chúng tôi về Tiên Lương vào những ngày đầu xuân tiết trời rất đẹp. Bầu trời sáng trong cùng những làn gió vẫn còn hơi lạnh thổi nhẹ làm đung đưa những tàu cọ xanh biếc trên những đồi gò nhấp nhô khiến đất trời vùng trung du Tây Bắc hiện lên thật trữ tình. Xe chúng tôi sau một hồi rẽ trái, quẹo phải trên cung đường quanh co bên dòng sông Thao rồi cuối cùng cũng đến chân đồi Tướng Quân.

Khi đến chân đồi, google map báo kết thúc nơi đến nhưng nhìn bốn phía chỉ thấy làng quê ẩn nấp bên những đồi, gò rợp bóng cọ xanh, chẳng thấy đền miếu đâu cả. Những tưởng nhầm đường đành dừng lại hỏi thăm một chú bé bên đường. Chú bé nhanh nhảu bảo đi ngược lại và hướng dẫn rẽ vào con đường đi lên đỉnh đồi. Theo chỉ dẫn, chúng tôi quay xe và theo con đường nhỏ với những bóng cọ xèo ô hai bên là đến thẳng đền thờ Nguyễn Quang Bích và các nghĩa sĩ Cần Vương giữa trung tâm căn cứ Tiên Động.

Đền thờ Nguyễn Quang Bích nằm trên đồi Tướng quân năm xưa, ở giữa đại bản doanh của nghĩa quân Cần Vương ở Tiên Động.

Nghe kể, năm 1884, sau sự kiện thất thủ thành Hưng Hóa, Nguyễn Quang Bích đã đưa quân về lập căn cứ ở Tiên Động. Thời ấy, địa bàn Tiên Động là nơi giáp ranh giữa Cẩm Khê, Hạ Hòa và Yên Lập. Đó là một cánh đồng chiêm trũng sình lầy khoảng hơn chục cây số vuông và được bao quanh bởi những đồi núi hiểm trở. Phía Đông, cách đó không xa là sông Thao; phía Nam là đầm lầy; phía Tây là dãy núi Lưỡi Hái, sừng sững như bức tường thành; phía Tây Bắc là những đồi núi thấp xen kẽ những dộc, ngòi ngoằn nghèo tạo thành một vòng cung. Từ Yên Lập chảy qua Tiên Động đổ ra sông Thao có Ngòi Giành.

Với địa hình như thế; ra, vào căn cứ Tiên Động, người ta có thể đi được bằng cả hai đường thủy, bộ. Đường thủy thì đi theo ngòi Giành. Đường bộ qua Minh Côi (Hạ Hòa) men theo đường núi hình vòng cung để vào khu trung tâm Tiên Động. Từ căn cứ Tiên Động khi tiến có thể dùng thuyền đi trên ngòi Giành ra sông Thao để sang Thanh Ba hoặc xuôi về Cẩm Khê hay ngược lên Hạ Hòa. Khi rút có thể vào Yên Lập để đi lên Nghĩa Lộ và cả vùng Tây Bắc mênh mông. Với vị trí và địa hình như thế, thời đó, căn cứ Tiên Động có thể coi là một địa bàn có vị trí chiến lược địa - quân sự quan trọng và rất hiểm yếu. Địa thế ấy có khả năng tiến công và cũng có khả năng phòng thủ, rút lui rất tốt.

Trên địa bàn chiến lược Tiên Động, Chánh sứ Sơn phòng Ngô Quang Bích đã xây dựng một hệ thống đồn lũy liên hoàn, đảm bảo cho sự phòng thủ và tấn công kẻ thù một cách rất hiệu quả. Hệ thống đồn lũy ở Tiên Động đã biến nơi đây trở thành một căn cứ địa vững chắc của cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng Trung du, miền núi Tây Bắc. Theo hệ thống ấy thì đại bản doanh của nghĩa quân đóng trên một gò cao, nay gọi là gò Quan Đại.

Đây là quả đồi cao khoảng một trăm năm mươi mét so với mặt bằng ở trong khu vực, giáp với núi Lưỡi Hái, đỉnh đồi lồi lên bề mặt thành ba mỏm. Mỏm giữa gọi là đồi Tướng Quân, nơi đóng đại bản doanh của nghĩa quân, cũng là nơi sau này nhân dân dựng đền thờ Nguyễn Quang Bích. Bên phải là mỏm Hồ Gia, án ngữ con đường đi qua núi Lưỡi Hái để thông sang Yên Lập. Đây cũng chính là con đường Nguyễn Quang Bích cho rút quân vào Yên Lập. Bên trái là gò Cổng Đồn, Nguyễn Quang Bích đã cho xây dựng đồn vệ binh ở đây để bảo vệ đại bản doanh.

Nhìn tổng thể mỗi mỏm đồi ấy cách nhau khoảng ba trăm đến bốn trăm mét, gần chân đồi hiện nay vẫn còn những vết tích của giếng nước và nơi buộc ngựa của nghĩa quân năm xưa. Trong khu căn cứ Tiên Động bây giờ nhiều chỗ vẫn còn giữ nguyên các tên gọi của thời kỳ cách đây hơn một trăm năm như: Đồi Tướng quân, đồi Cột Cờ, gò Mai, gò Đồn, gò Múc, đồi Cỏ Rác… Đây chính là những địa danh gắn liền với tên tuổi thủ lĩnh Ngô Quang Bích cùng với những hoạt động kháng chiến của các nghĩa sĩ Cần Vương và phong trào khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Tây Bắc.

Bia đá khắc ghi ý chí chống giặc ngoại xâm của Nguyễn Quang Bích

Bia đá khắc ghi ý chí chống giặc ngoại xâm của Nguyễn Quang Bích

Đền thờ Ngô Quang Bích nằm trên đồi cao thoáng đãng, dưới những tán cọ xanh biếc, nhìn ra bốn phía mênh mông ruộng đồng, ao ngòi tươi đẹp. Ngôi đền có quy mô không lớn, khoảng hơn một ngàn mét vuông nhưng thanh thoát, đẹp đẽ với tường xây bằng gạch và mái gỗ lợp ngói ta theo kiến trúc truyền thống cùng những đầu đao mềm mại, vút cong duyên dáng. Dẫn lên đền là con đường nhỏ quanh co bên sườn đồi.

Nhìn tổng thể đền thờ tướng quân có đủ các hạng mục, gồm cổng đền với các trụ hoa biểu trang trí rất đẹp; đền thờ với hai gian tiền tế và nhà hậu cung tạo thành chữ Đinh; cột cờ rất cao, trong lòng cột cờ có cầu thang bộ lên đỉnh, đứng trên đỉnh cột cờ, cảnh vật xung quanh dưới chân đồi có thể hiện trong tầm mắt rất rõ, cột cờ này chính là nơi khi xưa nghĩa quân tổ chức tế cờ.

Trong đền có tượng Nguyễn Quang Bích, bút tích của vua Tự Đức và một số đồ dùng của tướng quân lúc đương thời (bộ ấm chén, phạng sứ đựng cơm màu da lươn, một số đạn và vỏ đạn của nghĩa quân). Bên ngoài đền, nhìn ra cánh đồng, ở phía cổng vào, có một khẩu súng hỏa mai từ thời xưa vẫn còn được lưu giữ.

Ngoài những hạng mục chính, khu di tích đền thờ còn có một số nhà phụ trợ khác và đặc biệt có rất nhiều bia đá khắc thơ văn của Nguyễn Quang Bích và những lời đánh giá về ông cùng nghĩa quân Cần vương của các văn nhân, bè bạn đương thời. Ví dụ: Bia khắc thư của Nguyễn Quang Bích trả lời khi giặc dụ hàng; tấm bia khắc bốn câu thơ cảm phục, ca ngợi của Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết dành cho ý chí và tấm lòng yêu nước của Nguyễn Quang Bích: “Lòng trung không nỡ bỏ Tây Châu/ Giữ lấy Thao, Đà dải thượng lưu/ Họp đám cô quân nơi viễn cảnh/ Cầm ba thước kiếm chém quân thù”…

Đứng dưới những tán cọ, bên cột cờ, giữa đại bản doanh của nghĩa quân Cần Vương năm xưa, trong không gian tĩnh mịch, thoang thoảng hương thơm của cây cỏ mùa xuân trong tôi nghe như vang lên, vọng về hai câu thơ tựa như một lời tuyên ngôn bất hủ của Hiệp thống Bắc kỳ quân vụ đại thần trong buổi lễ tế cờ: “Việt quốc thiên thu nguyên bất dịch/ Lạc Hồng tiên chủng phục hoàn tô”, dịch nghĩa là: “Giữ gìn nước Việt ngàn năm không đổi/ Nòi giống Lạc Hồng sẽ phục dựng lại thắm tươi”.

Từ đỉnh cột cờ tựa như đài viễn vọng, nhìn ra trập trùng đồi gò nhấp nhô bóng cọ xanh um; sông ngòi, đầm ao cùng ruộng đồng quanh co của miền quê trung du Tây Bắc, tôi như đang thấy đâu đây hiện về những bóng hình của Tống Duy Tân, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy, Nguyễn Cao và biết bao văn nhân, chí sĩ yêu nước của một thời Cần Vương đang tụ hội về đây cùng Hiệp thống Bắc kỳ quân vụ đại thần Ngô Quang Bích mưu bàn việc nước.

Bên khẩu hỏa công trước đền thờ Ngư Phong - Nguyễn Quang Bích

Bên khẩu hỏa công trước đền thờ Ngư Phong - Nguyễn Quang Bích

Bây giờ Tiên Động đã khác thời xưa nhưng cảnh đẹp của vùng núi trung du với những ruộng đồng, đồi núi, ao đầm, sông ngòi xen lẫn cùng với rừng cọ, nương chè hẳn là vẫn ít nhiều bóng dáng thủa trước. Một thoáng hơn trăm năm đâu có là bao? Bóng người xưa còn như đang phảng phất đâu đó nơi này! Dấu tích của miền chiến địa một thời vẫn còn đó. Các địa danh đồi Tướng Quân, gò Mai, gò Đồn, gò Múc, đồn Cỏ Rác… kia đó không chỉ là một miền thắng cảnh mà mỗi khi được nhắc đến bông ngâm lên trong trí tưởng tượng như thể đang gọi về trong ta tháng năm oanh liệt, bi hùng của nghĩa quân chống Pháp.

Cũng bởi những giá trị không gì thay thế được như thế mà hồi cuối năm 1999, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đối với căn cứ Tiên Động (xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ).

Để tưởng nhớ “Phật sống” Nguyễn Quang Bích và các nghĩa sĩ Cần Vương từng hy sinh ở nơi đây, nhân dân Tiên Lương đã chọn ngày 16 tháng Hai tổ chức lễ hội Tiên Động để thể hiện tấm lòng biết ơn của mình với những người đã hy sinh vì nền độc lập của nước nhà.

Đến di tích Tiên Động, nhớ về một thủa oanh liệt, đầy bi hùng của dân tộc ở nơi đây lòng nào chẳng trào dâng bao xúc động.

Bất chợt tôi lại nhớ đến nhà sử học người Pháp (Charles Fourniau) đã viết về Nguyễn Quang Bích với những nhận xét đầy cảm kích: “Chúng ta biết khá rõ về ông và ông là hiện thân như mẫu của những nhà nho yêu nước lớn, tạo nên linh hồn của cuộc kháng chiến của dân tộc”.

Đặc biệt, một nhà văn và cũng là một triết gia người Mỹ (JamesWilhelm) đã ca ngợi ông rằng: “Ngài là một vị tướng nổi tiếng và là tầm một anh hùng thế giới, bởi ngài là tiêu biểu cho ý chí chống chủ nghĩa thực dân xâm lược!”.

Ghi nhớ công lao của Nguyễn Quang Bích, cảm động trước tinh thần bất khuất, yêu nước của ông, có nhiều nơi đã lấy tên ông để đặt tên cho các đường phố; xã Tiên Lương và nhiều nơi khác cũng lấy tên ông để đặt tên cho những ngôi trường. Ấy vậy mà căn cứ Tiên Động và đền thờ “người hùng của núi rừng Tây Bắc” trên đồi Tướng quân xem ra còn chưa được nhiều người biết đến.

Những ngày đầu xuân, chiêm bái, vãn cảnh nhiều khu di tích lịch sử, có nơi từng là chiến địa một thời, tôi thấy có rất nhiều người.

Đến Tiên Động, cảnh đẹp, truyền thống hào hùng nhưng lại rất vắng vẻ. Trước, sau tôi đến chẳng thấy bóng người, chỉ có một mình chúng tôi, mấy anh em giữa bốn bề không gian thâm trầm, vắng vẻ, tĩnh mịch, cô liêu, xôn xao lá động. Tiếc thay!

Phan Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ve-tien-dong-nho-ngu-phong-nguyen-quang-bich-a27921.html
Zalo