Cần gìn giữ, phát huy giá trị tấm bia cổ Di tích quốc gia tại chùa An Long
Ngôi chùa An Long nép mình trong khu vườn sát bên đường 2 Tháng 9, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Cũng giống như nhiều ngôi chùa khác ở khắp mọi miền đất nước về kiến trúc nhưng chùa An Long có một cổ vật cực kỳ quý giá, đó là tấm bia đá bằng sa thạch, đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào ngày 2-12-1992.

Một góc chùa An Long.
Việc tấm bia đá được xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ khá sớm cũng đủ cho chúng ta thấy mức độ giá trị của tấm bia như thế nào rồi. Về gốc tích của ngôi chùa được khởi nguồn từ sự huyền bí mang đậm sắc màu thần thoại dân gian, chứ không ai biết rõ vì sao tại vùng đất này được tiền nhân chọn xây chùa. Mãi đến năm 1903, khi người ta phát hiện trong lòng đất trước sân chùa có một tấm bia lạ, liền khai quật lên thì sự bí ẩn hàng trăm năm về ngôi chùa này bắt đầu được giải mã. Tấm bia đá màu xám được đưa lên đã bị gãy làm đôi, cao 1,25 mét, rộng 1,20 mét, dày 0,21 mét. Hình tấm bia được thu nhỏ dần từ dưới lên trên, tạo ra đỉnh tròn trông giống như một quả chuông úp. Chính giữa phía trên cùng tấm bia có hình mặt trời, mây lởn vởn, phần dưới cùng là đài sen, hai con nghê chầu hai bên. Văn tự được khắc trên tấm bia bằng chữ Hán khá mờ nhạt do bị bào mòn, gồm 368 chữ, trong đó có 6 chữ lớn khắc theo đường ngang, đóng khung là “Lập Thạch Bi Thủ Long Tự”. Dòng này có 2 chữ vạn nhỏ ở hai đầu. Trong lòng mặt bia có 360 chữ được khắc lõm theo hàng dọc từ phải qua trái, mặt sau của tấm bia chạm khắc hoa văn, không có chữ. Khi nội dung văn tự trên tấm bia này được học giả người Pháp là Henri Cosserat dịch ra bằng chữ quốc ngữ thì mọi bí mật chôn giấu bao đời được bật mở.

Tấm bia cổ - Di tích quốc gia tại chùa An Long bị các vật dụng che khuất.
Theo văn tự, tấm bia dựng ngày 1-4-1654, triều Lê Thần Tông thứ 5. Văn bia do ông Lê Gia Phước, người làng Hải Châu biên soạn. Xứ đất có ngôi chùa là làng Nại Hiên, huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vợ chồng Cai thuộc hội chủ Nguyễn Văn Châu, các vợ chồng Cai hợp ty tướng Trần Hữu Lễ, Trần Hữu Kỷ, xã trưởng Phạm Văn Ngao cùng dân làng Nại Hiên chung công, góp của dựng lên ngôi chùa trên khu đất do vợ chồng ông Trần Hữu Lễ dâng hiến. Văn bia còn ghi đây là khu đất linh thiêng, đức Phật, đầu rồng luôn hiện hữu, ứng cảm, cứu hộ cho những số phận bất hạnh ở chốn dương trần nên lúc đầu chùa có tên Long Thủ.
Trong thời kỳ chiến tranh giữa hai triều phong kiến nhà Tây Sơn với chúa Nguyễn, chùa Long Thủ bị sập đổ hoàn toàn nên năm 1882, vua Minh Mạng cho xây dựng lại chùa. Năm 1925, Toàn quyền Đông dương Pháp ra quyết định công nhận tấm bia đá này là vật cổ tích. Năm 1935, vua Bảo Đại cho đổi tên từ chùa Long Thủ thành chùa An Long. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa xuống cấp, hư hỏng nặng nề, năm 1961, các tăng ni, phật tử, đạo hữu của phố Nại Hiên, phường Bình Hiên quyên góp xây dựng mới ngôi chùa An Long có dáng dấp như ngày nay.
Chùa An Long tọa lạc cận kề bên Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Nhiều du khách sau khi tham quan bảo tàng, họ không quên ghé qua chùa An Long để ngắm nhìn tấm bia đá cổ xưa được dựng gần cổng tam quan trong sân chùa. Không ít du khách phàn nàn bởi tuy di tích có nhà che bảo vệ nhưng mặt trước tấm bia lại xây một trụ bê-tông, đặt các pho tượng theo kiểu điêu khắc Chăm che khuất hoàn toàn tấm bia cổ. Xung quanh đặt các chậu cây cảnh che khuất tầm nhìn di tích, trông rất nhếch nhác. Đề nghị ngành chức năng kiểm tra, chấn chỉnh và gắn bảng thông báo Di tích cấp quốc gia cho tấm biađể người dân, du khách thập phươngtiện quan sát cũng như hiểu thêm về cổ vật quý giá này, qua đó góp phần tôn vinh, phát huy di tích được tốt hơn.