Về nơi một thời khói lửa

Tròn 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2025), những người lính năm ấy mới có dịp quay trở lại TP. Hồ Chí Minh thăm chiến trường xưa. Từng thước phim ký ức tưởng chừng đã nhạt phai theo năm tháng nay lại được tái hiện, sống động đến lạ kỳ.

Đoàn cựu chiến binh tỉnh chụp hình lưu niệm tại Dinh Độc lập - Ảnh: HỘI CCB TỈNH

Đoàn cựu chiến binh tỉnh chụp hình lưu niệm tại Dinh Độc lập - Ảnh: HỘI CCB TỈNH

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Quảng Trị đã tổ chức một chuyến đi ý nghĩa, đưa 50 cán bộ, hội viên, đặc biệt là những người từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh - mùa xuân năm 1975 trở lại thăm chiến trường xưa. Trong chuyến hành trình kéo dài 7 ngày ấy, các CCB đã có cơ hội đến thăm Dinh Độc lập, Bến Nhà Rồng, địa đạo Củ Chi, di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột, Nhà tưởng niệm anh hùng Núp... Đứng trên những vùng đất bình yên mà biết bao đồng đội đã phải đánh đổi bằng mạng sống, các CCB không khỏi nghẹn ngào.

Tôi có dịp gặp CCB Lê Minh Cam (sinh năm 1953), ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, sau khi ông vừa kết thúc chuyến đi “về nguồn” với Hội CCB tỉnh. Kể với tôi về những địa điểm đoàn đã ghé qua trong suốt hành trình, ông Cam xúc động cho hay: “50 năm sau ngày đất nước giành được độc lập, tôi mới có cơ hội thăm lại chiến trường xưa.

Đặt chân lên vùng đất cũ, nhìn cảnh vật tươi xanh, trù phú, người dân khắp nơi có cuộc sống ấm no, đủ đầy mới thấy sự hy sinh của chúng tôi khi chỉ mới là những chàng trai tuổi đôi mươi có ý nghĩa biết bao”. Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 5/1972, ông Cam nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 16, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325.

Cuối năm 1972, sau khi bộ đội ta rút khỏi thị xã Quảng Trị, Tích Tường - Như Lệ trở thành vị trí tiền tiêu của ta trên hướng Tây. Lúc bấy giờ, đơn vị của ông Cam bổ sung quân số từ miền Bắc vào với nhiệm vụ bảo vệ vùng đất này.

Nhà đày Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, để lại trong ký ức nhiều cựu chiến binh ấn tượng khó quên - Ảnh: HỘI CCB TỈNH

Nhà đày Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, để lại trong ký ức nhiều cựu chiến binh ấn tượng khó quên - Ảnh: HỘI CCB TỈNH

Ông nhớ lại, mùa xuân năm 1975, Trung đoàn được lệnh tổ chức ăn tết sớm cho bộ đội, sau đó hành quân từ thị trấn Ái Tử ra Cam Lộ, đi theo đường 22 vào Tây Nguyên. Sau khi phối thuộc với các đơn vị ở Tây Nguyên giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột vào đúng 2 giờ sáng ngày 10/3/1975, đơn vị của ông tiếp tục hành quân vào vùng Đông Nam Bộ, phối thuộc với các đơn vị, chiến đấu tại thị xã Xuân Lộc - Long Khánh. “Ngày 29/4/1975, được sự chỉ đạo của cấp trên, bộ đội ta triển khai tiến công trong hành tiến.

Đây là phương pháp chuyển vào tiến công từ vị trí cách xa quân địch phòng ngự, bộ đội vận động từ phía sau lên, lần lượt triển khai đội hình trước chiến đấu và đội hình chiến đấu, không dừng lại trước tiền duyên của địch làm công tác chuẩn bị mà thực hành công kích ngay”, ông Cam giải thích. Nhận được tin quân ta giành lại được chính quyền vào thời điểm đoàn quân giải phóng đang tiến đến Biên Hòa, dù vui mừng song ông và đồng đội vẫn giữ vững tay súng để đánh trả với lực lượng thiện chiến còn sót lại của kẻ thù.

Hòa bình lập lại, ông Cam chọn Quảng Trị làm quê hương thứ 2 để lập nghiệp và xây dựng gia đình. Với những cống hiến cho mảnh đất này, ông nhiều lần được chính quyền và người dân tín nhiệm bầu giữ chức vụ quan trọng trong hội, đoàn thể tại địa phương. Ông vẫn luôn nhắc nhở con cháu và lớp trẻ sau này rằng: “Dòng chảy lịch sử không ngừng đặt lên vai mỗi thế hệ một sứ mệnh riêng biệt. Hòa bình là món quà vô giá được vun đắp từ bao hy sinh của thế hệ cha anh. Bởi vậy, tuổi trẻ hôm nay cần khắc ghi công ơn ấy, ra sức học tập, rèn luyện, không ngừng bồi đắp những giá trị tốt đẹp của dân tộc, kiến tạo một Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Ông Nguyễn Đình Khoảnh (sinh năm 1954), ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, cũng vinh dự tham gia chuyến đi vừa qua của Hội CCB tỉnh. Ông kể, đời binh nghiệp của mình bắt đầu từ tháng 8/1971. Sau khi đi B, ngày 8/4/1975, đơn vị của ông Khoảnh từ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai luồn sâu theo đường giao liên và thị xã Xuân Lộc - Long Khánh chiếm lĩnh trận địa, chính thức chiến đấu vào rạng sáng 9/4/1975. Tại đây, quân giải phóng liên tục bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch với ý đồ bao vây kẹp chặt.

Trước sức mạnh của quân ta, địch dần rút ra khỏi thị xã Xuân Lộc rồi về Trảng Bom. Theo mô tả của ông Khoảnh, những trận đánh giữa bộ binh, xe tăng, pháo binh giữa ta và địch lúc bấy giờ diễn ra rất ác liệt, đạn pháo nổ rền trời. Rạng sáng ngày 30/4/1975, đơn vị hành tiến vào sa lộ Biên Hòa - Sài Gòn, theo các đơn vị xe tăng và bộ binh của quân ta vào Thủ Đức. Lúc đơn vị của ông đang có trận đánh tại Tam Hiệp thì nhận được tin Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng, đoàn quân giải phóng tiếp tục vượt cầu Sài Gòn tiến vào thành phố.

“Quang cảnh trước mắt chúng tôi khi ấy vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc. Tại ngã 3, ngã 4, ngã 5, ngã 7, các đồng chí biệt động Sài Gòn, sinh viên Sài Gòn tay thắt băng vải đỏ, vác súng dẹp trật tự, dẫn đường cho các cánh quân vào thành phố. Đồng chí, đồng đội tôi được người dân thành phố hân hoan chào đón. 50 năm trôi qua, những ký ức tưởng như bị thời gian xóa nhòa như thước phim quay chậm trong đầu khi tôi có dịp trở lại thăm TP. Hồ Chí Minh”, ông Khoảnh bộc bạch.

Các thành viên trong chuyến “về nguồn” của Hội CCB tỉnh Quảng Trị chụp hình lưu niệm cùng giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - Ảnh: HỘI CCB TỈNH

Các thành viên trong chuyến “về nguồn” của Hội CCB tỉnh Quảng Trị chụp hình lưu niệm cùng giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - Ảnh: HỘI CCB TỈNH

Bên cạnh cảm giác bồi hồi khi trở lại vùng đất từng in dấu chân của những chiến sĩ trẻ tuổi năm nào, ông càng xúc động hơn khi có cơ hội giao lưu với các bạn sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn; được thầy cô, sinh viên nhà trường trao cho vòng nguyệt quế bằng tất cả sự kính trọng, quý mến. Nhắn gửi đến các bạn trẻ hôm nay, ông Khoảnh cho hay: “Tuổi trẻ chính là rường cột của quốc gia. Chỉ khi những trái tim trẻ luôn hướng về cội nguồn, trân trọng lịch sử đã qua thì đất nước mới có thể vững bước trên con đường phát triển”.

Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Trị Hồ Thanh Tự khẳng định, chuyến đi vừa qua đã mang lại nhiều kỷ niệm, cảm xúc đáng nhớ cho tất cả các thành viên trong đoàn. “Không chỉ trở lại chiến trường xưa, tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc, đây còn là dịp để chúng tôi ôn lại những ký ức hào hùng, nhắc nhở nhau về một thời chiến đấu gian khổ mà oanh liệt; củng cố thêm ý chí, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trong cuộc sống hiện tại. Quan trọng hơn là thông qua chuyến đi, gặp gỡ với giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, chúng tôi mong muốn truyền lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, để các cháu hiểu được giá trị của hòa bình hôm nay. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, xứng đáng với sự hy sinh của cha anh”, ông Tự nói.

Nam Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ve-noi-mot-thoi-khoi-lua-193355.htm
Zalo