Hành trình hơn nửa thế kỷ của tập thơ 'Cùng Việt Nam'
Vừa qua, với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Tây Ban Nha và Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam, tập thơ 'Cùng Việt Nam' đã được NXB Kim Đồng ra mắt độc giả đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đây là tuyển thơ do nữ sĩ Angelina Gatell biên soạn từ năm 1968 và có số phận khá “long đong” khi bị cấm xuất bản tại Tây Ban Nha rồi rơi vào quên lãng. Sau một hành trình dài với nhiều nỗ lực, đến nay, lần đầu tiên “Cùng Việt Nam” đến được với Việt Nam.

Bà Carmen Cano de Lasala - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Tây Ban Nha tại Việt Nam và dịch giả Nguyễn Thị Kim Dung tại buổi ra mắt tập thơ "Cùng Việt Nam".
Hành trình đến Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ
“Cùng Việt Nam” gồm hơn 40 bài thơ được sáng tác trong những năm 1960 - giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất, cũng là lúc phong trào phản chiến, ủng hộ Việt Nam lan rộng trên toàn thế giới với nhiều cuộc tuần hành của người dân yêu chuộng hòa bình ngay trong lòng nước Mỹ.
Tập thơ do nữ sĩ Angelina Gatell biên soạn, với sự tham gia của nhiều nhà thơ nổi tiếng của Tây Ban Nha lúc bấy giờ như Rafael Alberti, Gabriel Celaya, Gloria Fuertes, José Agustín Goytisolo, Celso Emilio Ferreiro... Tập thơ được Angelina Gatell tổ chức bản thảo và tiến hành các thủ tục để xuất bản năm 1968, nhưng do nội dung phản đối chiến tranh và đế quốc, tập thơ đã bị chính quyền độc tài Franco kiểm duyệt và cấm xuất bản.
Theo thông tin được tiết lộ vào năm 2016, khi bản thảo tập thơ được tìm thấy trong kho lưu trữ của cơ quan kiểm duyệt và được chính thức xuất bản thì: “Vào tháng 9/1968, NXB Ciencia Nueva gửi tác phẩm có tựa đề “Cùng Việt Nam” tới các cơ quan kiểm duyệt của chính phủ. Sau nhiều lần báo cáo, tháng 1/1969, Cục Biểu diễn và Văn hóa quần chúng thuộc Bộ Thông tin và Du lịch Tây Ban Nha đã từ chối cấp phép xuất bản...”.
Vì thế, “Cùng Việt Nam” đã không được phát hành tại Tây Ban Nha và dần chìm vào quên lãng. Sau này, nhờ ông Julio Neira Jiménez - GS giảng dạy Văn học Tây Ban Nha và Lý thuyết Văn học tại Đại học UNED, bản thảo được tìm lại trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan kiểm duyệt tại Alcalá de Hanares và được NXB Visor Libros cho ra mắt bạn đọc Tây Ban Nha vào năm 2016. Ấn phẩm tiếng Việt “Cùng Việt Nam” cũng là lời tri ân, tưởng nhớ tới GS, nhà văn, nhà thơ, tiểu luận gia đáng kính Julio Neira Jiménez, đã qua đời năm 2022.
Tập thơ được TS Nguyễn Thị Kim Dung - giảng viên Khoa Tiếng Tây Ban Nha, Đại học Hà Nội - chuyển ngữ với tất cả sự xúc động và thấu hiểu. Theo đánh giá của ông Julio Neira Jiménez trong lời tựa “Một cuốn sách bị cấm” khi giới thiệu về hành trình trở lại của tập thơ “Cùng Việt Nam”: “Tập thơ đưa ra ánh sáng những tác phẩm thơ quý giá suýt bị lãng quên, nhiều bài của các tác giả như Ángel González, Blas de Otero, José Agustín Goytisolo, Victoriano Crémer, Ángel Figuera, Rafael Morales... chưa từng được công bố. Tuyển tập còn là chứng tích cho sự dấn thân chính trị mãnh liệt của thi ca Tây Ban Nha trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động...”.
Giáo sư Julio Neira Jiménez cũng ghi theo lời kể của nữ sĩ Angelina Gatell - người đứng ra tổ chức biên soạn tập thơ “Cùng Việt Nam” - vào tháng 1/1968, theo đề nghị của Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, bà bắt đầu sưu tập các bài thơ chống chiến tranh Việt Nam.
Dự án được lấy cảm hứng từ tập thơ “Tây Ban Nha hát cho Cuba” xuất bản năm 1962 để ủng hộ cách mạng Cuba. Họa sĩ Julio Álvarez được mời thực hiện các bức vẽ và bản khắc minh họa cho tuyển tập, nhưng rất tiếc, các bức tranh này đã thất lạc. Việc biên soạn hoàn thành vào năm 1968 nhờ sự ủng hộ và đón nhận nhiệt tình của giới trí thức, văn nghệ sĩ Tây Ban Nha lúc bấy giờ.
Khi nhà thơ Gabriel Celaya nhận được lời mời của nữ sĩ Gatell, ông đã gửi hồi đáp vào ngày 17/2/1968 với lời chia sẻ đầy xúc động: “Bạn biết không, khi nghĩ đến “Tây Ban Nha hát cho Cuba”, tôi đã muốn tạo nên một “Tây Ban Nha hát cho Việt Nam". Ý tưởng ấy xuất hiện trong đầu tôi khi tôi ở Havana và tôi đã chia sẻ với mọi người. Chúng ta hãy bàn bạc cụ thể hơn. Tôi muốn góp một số ý kiến trước khi bạn tuyển thơ...”.
Sau đó, nhà thơ thơ Gabriel Celaya đã góp tiếng nói trong tập thơ “Cùng Việt Nam” với bài thơ đầy suy cảm có tên “Tin tức từ cuộc chiến cuối cùng”, trong đó có đoạn:
Giết chóc là việc làm ăn
Khi có tin đình chiến ở Việt Nam,
phố Wall liền suy thoái.
những kẻ vẫn còn thứ gì đó để mất
bỗng chốc nghèo đi,
nhưng, báo động giả,
cổ phiếu và giá cả, mọi thứ lại tăng
(tất nhiên trừ tiền lương, thứ này gây lạm phát)...”.
Cầu nối văn hóa Việt Nam - Tây Ban Nha
Phát biểu tại lễ ra mắt “Cùng Việt Nam” tại Hà Nội hôm 23/4, bà Carmen Cano de Lasala - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Tây Ban Nha tại Việt Nam - xúc động chia sẻ: “Gần 60 năm kể từ khi ra đời, cuốn sách giờ đây đến tay bạn đọc Việt Nam, mang theo những tình cảm mãnh liệt mà các nhà thơ Tây Ban Nha từng dành cho Việt Nam trong thời kỳ khốc liệt ấy. Cuốn sách không chỉ là một nhịp cầu kết nối hai dân tộc, mà còn là không gian thơ ca để công chúng Việt Nam tìm hiểu và khám phá nền thi ca Tây Ban Nha qua những tên tuổi lớn đương đại...”.
Trong “Lời nói đầu của tập thơ “Cùng Việt Nam””, bà Carmen Cano De Lasala nhấn mạnh: “Vào thời điểm mà ở nhiều nơi trên thế giới, con người chưa được hưởng hòa bình, tuyển tập thơ này cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tôn vinh những con người ngày nay vẫn tiếp tục đấu tranh cho hòa bình và công lý. Các tác phẩm ngợi ca lòng dũng cảm và sự hy sinh của các thế hệ năm xưa, nhắc nhở tất cả chúng ta rằng tự do là điều vô giá mà ta cần chung tay gìn giữ...".
Có một điều đáng tiếc là, do không thể tìm lại các bức tranh và bản khắc ban đầu họa sĩ Julio Álvarez thực hiện, nên trong lần xuất bản bằng tiếng Việt này, “Cùng Việt Nam” đã được 6 họa sĩ Tây Ban Nha và 6 họa sĩ Việt Nam vẽ minh họa mới. Điều này tạo nên một cuộc đối thoại nghệ thuật xuyên thời gian và không gian, thể hiện sự cộng hưởng sâu sắc giữa thi ca và hội họa trong việc truyền tải thông điệp hòa bình, phản chiến và tình đoàn kết nhân loại.

Bài thơ "Cô gái và cái chết ở Việt Nam" của nhà thơ José Albi với tranh minh họa của Huỳnh Kim Liên (màu nước trên giấy).
Có thể thấy rằng, ngày hôm nay, khi Việt Nam đã hòa bình, sự xuất hiện của “Cùng Việt Nam” - một tuyển tập đáng lẽ đã có thể ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước - đã như một minh chứng sống động bằng ngôn ngữ thi ca về sự ủng hộ Việt Nam sâu sắc, chân thành từ bên kia bán cầu, thể hiện tình đoàn kết quốc tế và khát vọng hòa bình của nhân loại.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng Khoa Văn, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Tập thơ không chỉ là một tài liệu văn học quý báu mà còn là một dấu mốc văn hóa, thể hiện tinh thần nhân đạo của giới trí thức quốc tế. “Cùng Việt Nam” là tiếng nói của lương tri, là tình cảm chân thành mà các nhà thơ Tây Ban Nha dành cho Việt Nam - một đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do...”:
Dưới mái nhà, tất cả chỉ còn chết chóc
Ba tìm con, Việt Nam, người chiến sĩ bị đâm xuyên, xác thân đạn xé
Những con sông, những bàn tay đỏ máu,
những chiếc mũ thần chết Quaker
Những động cơ mù khói, nỗi kinh hoàng và những hình nhân rách nát
ở những góc phố, trên những cánh đồng...
(“Cô gái và cái chết ở Việt Nam”, José Albi)
Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc NXB Kim Đồng: “Dù chưa một lần đặt chân đến Việt Nam nhưng những trí thức, nghệ sĩ Tây Ban Nha yêu hòa bình và công lý đã sát cánh và ủng hộ nhân dân Việt Nam bằng chính những hoạt động nghệ thuật của mình. Giờ đây, tập thơ ấy đã đến tay bạn đọc Việt Nam, tiếp tục là minh chứng sống động cho sức sống mãnh liệt của thơ ca và lòng nhân ái, cũng như tình hữu nghị giữa Việt Nam và Tây Ban Nha...”:
Kỳ diệu thay người du kích nhỏ
Bước ra từ bóng tối, vươn mình trong ánh sáng.
Kỳ diệu thay khi cảm nhận giữa đêm
Tiếng bước chân khiến kẻ thù kiêu ngạo chẳng thể ngủ yên.
(“Khinh miệt và diệu kỳ cuộc chiến Việt Nam”, Rafaen Alberti (1902-1999).