Về miền di sản

Những ngày đầu năm mới, Nghĩa Lộ khoác lên mình sắc màu rực rỡ của những nếp nhà sàn duyên dáng, những bộ váy thổ cẩm tinh xảo và những điệu xòe mê hoặc lòng người. Từ một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, thị xã đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm du lịch văn hóa của vùng Tây Bắc. Đó là thành quả của sự đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân, khi văn hóa và du lịch không chỉ song hành mà còn nâng đỡ lẫn nhau.

Phụ nữ dân tộc Thái thị xã Nghĩa Lộ trình diễn kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống trên khung cửi.

Phụ nữ dân tộc Thái thị xã Nghĩa Lộ trình diễn kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống trên khung cửi.

Bước chân vào các bản làng người Thái ở Nghĩa Lộ, du khách như lạc vào không gian văn hóa ngập tràn hơi thở truyền thống. Những mái nhà sàn duyên dáng, những chiếc khăn piêu đỏ thắm, tiếng khung cửi lách cách đan xen trong câu hát Then, điệu múa xòe... tất cả tạo nên bức tranh văn hóa sống động, có sức hút đặc biệt.

Tại bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, du khách sẽ được hòa mình vào không gian bình dị nhưng đậm đà bản sắc văn hóa của người Thái. Những mái nhà sàn truyền thống xen lẫn với phong cảnh xanh mướt của núi rừng tạo nên một bức tranh sống động, mời gọi mỗi người đến khám phá.

Tại đây, du khách không chỉ được trải nghiệm cuộc sống bản địa qua các hoạt động như: tham gia dệt thổ cẩm, học đan lát thủ công hay tự tay nhuộm vải bằng lá rừng… mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản, nghe kể chuyện truyền thống từ người dân địa phương.

Mỗi trải nghiệm tại bản Sà Rèn như một hành trình tìm về cội nguồn văn hóa, khiến mỗi khách đến đây đều cảm nhận được sự ấm áp, chân thật và giá trị tinh thần của vùng đất này. "Chúng tôi muốn mỗi du khách khi đến đây đều mang theo một phần của văn hóa Thái khi ra về” - chị Hoàng Thị Loan - chủ homestay Loan Khang chia sẻ.

Chị Loan đã góp phần phát triển du lịch cộng đồng địa phương bằng cách duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo ra môi trường lưu trú ấm cúng, gần gũi với thiên nhiên, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Không chỉ giữ hồn di sản trong từng nếp nhà, Nghĩa Lộ còn tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Rằm tháng Giêng, Hội Hạn khuống, Tết Xíp xí. Đặc biệt, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò đã trở thành sự kiện thường niên, thu hút hàng vạn du khách đến thưởng thức những màn xòe Thái huyền thoại, hòa mình vào không gian văn hóa đậm đà bản sắc.

Sự kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch đã giúp Nghĩa Lộ tạo dựng thương hiệu riêng. Sự kiện nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2021), Hội Hạn khuống và Lễ Xên đông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã đưa Nghĩa Lộ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Tây Bắc.

Với phương châm "Biến di sản thành tài sản”, thị xã tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Tuyến phố đi bộ trung tâm thị xã là nơi các nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tái hiện những nghi lễ truyền thống, mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thực. Ngoài ra, loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại suối Thia, đồi chè Phù Nham cũng đang được đầu tư mạnh mẽ.

Năm 2024, thị xã Nghĩa Lộ đã đón 352.888 lượt khách, vượt kế hoạch đề ra; trong đó, khách quốc tế chiếm hơn 50.000 lượt. Đây là con số ấn tượng, phản ánh sức hút ngày càng lớn của du lịch Nghĩa Lộ. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị du lịch văn hóa, thời gian tới, Nghĩa Lộ tiếp tục tập trung khuyến khích cộng đồng tham gia làm du lịch, nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế.

Xây dựng các bản văn hóa truyền thống gắn với mô hình du lịch cộng đồng, giữ gìn nghề thủ công và kiến trúc nhà sàn; mở rộng các sự kiện văn hóa, đặc biệt là Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò để tăng cường quảng bá hình ảnh địa phương; phát triển "Cộng đồng du lịch văn minh”, xây dựng hình ảnh con người Nghĩa Lộ - Mường Lò thân thiện, sáng tạo và hội nhập.

Với những bước đi vững chắc và chiến lược dài hạn, Nghĩa Lộ đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam, trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi khám phá Tây Bắc.

Anh Dũng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/346438/ve-mien-di-san.aspx
Zalo