Người đánh võng chuối duy nhất trên cù lao Tân Phong
Thuở nghèo khó lấy tàu chuối khô 'chế' võng ru con, bà Phương đâu hay mình lại gắn bó hơn 45 năm với cái nghề đầy tính hoài niệm của miền Tây sông nước.
Du khách ghé cù lao Tân Phong, khoảng giấc trưa chiều, có duyên sẽ bắt gặp bà Phương đang ngồi trước hiên, khéo léo đan võng chuối với những bện đều tăm tắp như tóc đuôi sam của người con gái miền quê giản dị.
Chiếc võng chuối từ tình thương con
Thời nghèo đói còn mênh mang như cánh cò bay, người miền Tây vẫn thường sáng tạo trên “của nhà trồng”, thiên nhiên sông nước để lấp đầy thiếu thốn sinh hoạt. Vỏ cây bình bát, cây cỏ năng, tàu lá chuối cứ thế được “hô biến” thành bao vật phẩm. Cánh võng chuối kẽo kẹt trong thước phim cũ của đời sống vùng Cửu Long Giang cũng có gốc tích như thế.
Bây giờ, số lượng người biết đánh võng chuối thủ công chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Riêng ở trên cù lao Tân Phong, Cái Bè, Tiền Giang, chỉ duy nhất bà Đoàn Thị Phương (64 tuổi) làm nghề này. Đặc biệt hơn, bà bén duyên với nghề do tự mày mò, tuyệt nhiên chưa từng “tầm sư học đạo”.

Bà Đoàn Thị Phương, người đánh võng chuối duy nhất trên cù lao Tân Phong
“Hồi đó nhà nghèo lắm, con không ngủ được, cứ khóc hoài mà mình chẳng có tiền mua võng", bà Phương nhớ lại. Năm ấy, bà 18 tuổi vừa có con đầu lòng. Cô gái trẻ nghe tiếng con khóc xót đứt ruột, cứ nhìn cái võng nhà hàng xóm rồi lật đật ra vườn, lặt mấy tàu lá chuối khô về tước đều. Đoạn, thử bện lại, kết thành mắt cáo, cứ vậy điều chỉnh thành cái võng cho con.
Võng chuối tự chế vậy mà bền dai. Đứa con đầu lớn lên khỏe mạnh trong lòng chiếc võng mẹ tự tay kết. Hàng xóm thấy võng đan khéo, bền dai cũng đặt làm. Võng trẻ con, võng người lớn bà nhận hết, vừa có thêm thu nhập, lại giúp bà con cùng làng.
Phải là tàu của cây chuối… còn “trinh”
Nghề đánh võng chuối rất cực. Cực từ khâu tìm nguyên liệu cho đến khâu hoàn thiện sản phẩm. Võng phải làm bằng tàu chuối của cây chuối xiêm chưa trổ buồng mới bền lâu, không mục. Theo năm tháng quện lại cùng sương gió, thêm phần chắc chắn.
“Hồi ấy, bà lặt tàu khô để tàu tươi còn cho thân vươn lên, đậu trái mà ăn. Lúc sau, cũng thử tàu chuối già, đủ loại cỏ vẫn thấy đúng loại tàu lá khô trên cây non, chưa ra buồng mới đủ độ dẻo dai để võng nằm chắc, không bị tuột, không bị mục", bà Phương chia sẻ.

Tàu chuối khô trên cây non, qua xử lý sẽ trở thành nguyên liệu lý tưởng cho võng chuối
Tàu chuối khô đem về sẽ được tước vỏ, tước sợi, ngâm nước, phơi khô. Công đoạn thắt đòi hỏi người thợ phải khéo tay để sợi võng dày đều, mắt võng chắc, cân đối khoảng cách. Sợi chuối khô bện lằn đỏ tay, bà xịt thêm nước cho dễ đan. Thuở nhỏ lớn lên trên đất Đồng Tháp, xứ chuối miệt vườn bao la. Từ ngày lấy chồng về huyện Cái Bè, nguồn nguyên liệu đúng yêu cầu càng khan hiếm hơn, phải qua phía bên kia sông may ra mới có để thu gom. Nay lớn tuổi, bà tiết kiệm, lựa sợi đẹp dài cho việc đan võng, sợi ngắn kém mã hơn thì bện thành võng nhỏ, dùng treo cây hoặc trang trí.
Chẳng còn ai truyền nghề
“Bụt chùa nhà không thiêng” chắc là câu nói chỉ đúng bản chất thị trường thủ công ở Việt Nam. Cái võng 1,8 mét cho người lớn nằm, tốn trung bình 2 tuần công. Giá bán 500.000 đồng. Nhỏ hơn, bằng nửa thì 200.000 đồng. Nhưng người Việt thì chê mắc. Thị trường võng vải sắc màu, võng dù rẻ áp đảo. Dẫu gọi là nghề, việc đánh võng chuối không tạo đủ kế sinh nhai. Gần đây, du lịch về cù lao Tân Phong, nhiều hướng dẫn viên địa phương biết bà Phương, dẫn khách đến tham quan cũng kết nối thêm đơn hàng.
“Người nước ngoài đi ngang thấy mình làm, họ thích họ mua. Người biết xài thấy cái công người ta quý, người không biết họ bảo chê mắc”, bà Phương bộc bạch.


Bàn tay đã 45 năm khéo léo bện võng chuối
Giờ đây đã ngoài 60, đều đặn hàng ngày, bà dậy sớm lo cơm nước, phụ việc vườn rồi vào đan võng đến 4 giờ chiều nghỉ tay. Nguyên cù lao chỉ có mình bà Phương làm nghề này. Nói về chuyện truyền nghề, bà bảo: “Bọn trẻ nó chê không học vì đâu được mấy đồng mà cực quá. Giờ mình lớn tuổi rồi, đi làm không ai mướn. Có cái nghề này, mấy năm nay thêm khách du lịch nước ngoài họ thích, mua túc tắc được đồng ra đồng vào, phụ con cháu trong gia đình kiếm bột ngọt, đường, muối.”

Giữ nghề như giữ nhà, bà Phương vẫn tiếp tục cái nghề đầy duyên nợ bên hiên nhà
Khách Tây nhìn bà Phương đánh võng tấm tắc khen. Không mua được sản phẩm lớn, họ chọn chiếc võng nhỏ mang về. Có vài người lại giới thiệu, cho bà thêm khách. Tuy nhiên, số lượng hàng thủ công giới hạn, người làm chỉ có một nên thu nhập không phải là động lực chính.

“Bà quen rồi, cứ làm miết quanh năm, làm đến khi nào tay đau thì nghỉ, tay khỏe lại làm. Cứ giữ nghề như giữ nhà vậy thôi, cũng không vất vả gì", Bà Phương miệng cười, tay thoăn thoắt đan. Phong thái lạc quan của người miền Tây vì thế đáng quý đáng mến bội phần.