'Lộc biển' đầu năm
Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngư dân ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang rộn ràng vào mùa ruốc biển. Trung bình mỗi ngày một tàu có thể đánh bắt được từ 5 tạ đến 1 tấn thu về từ 10 đến 15 triệu đồng. Ngoài những người trực tiếp đánh bắt, mùa ruốc cũng mang đến nguồn thu nhập khá cho nhiều những lao động làm việc trên bờ.

Ngư dân ở cảng cá Quy Nhơn tấp nập chở ruốc biển vào bờ. Ảnh: Văn Chương
Tại cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, những chiếc tàu đánh cá của ngư dân tấp nập chở ruốc biển trở về bến từ lúc 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Lý giải về cường độ ra vào liên tục, ngư dân Nguyễn Văn Hải cho biết, lúc 3 giờ sáng ra biển, 6 giờ đánh phiên lưới đầu tiên, sau đó, chạy vô bờ bán và lại tiếp tục ra biển đánh phiên lưới thứ 2. Ruốc biển được ngư dân xem như "lộc biển" đầu Xuân mới. Điều kiện thuận lợi nhất là ruốc biển xuất hiện ở vùng biển sát bờ nên ngư dân mô tả rằng, chạy ra cửa biển 1-2 hải lý là xúc ruốc.
Tại cửa biển Tịnh Kỳ và bãi ngang xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, ngư dân cũng tấp nập trở về bến với "lộc biển" là ruốc. So với đoàn tàu làm nghề xúc ruốc ở Bình Định, đoàn tàu của ngư dân Quảng Ngãi mới hơn, còn đoàn tàu xúc ruốc của ngư dân Bình Định đã rất già nua. Ngư dân Trần Văn Phong, ngư dân ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi cho biết, cách đây 2-3 năm, lộc biển đầu năm là cá nục nhỏ như đầu đũa, ngư dân liên tục chở cá vô bờ từ mùng 10 âm lịch và kéo dài đến 20 ngày. Còn mùa ruốc biển năm nay, giá ruốc biển mua tại bến ở cảng cá Quy Nhơn là 10.000 - 12.000 đồng/kg, ruốc biển thu mua tại các cảng cá ở Quảng Ngãi là 15.000 đồng/kg, ngư dân vẫn mong chờ giá lên cao hơn nữa. Các ngư dân nhắc lại phiên biển đầu Xuân cách đây 4 năm về trước, ruốc được thu mua với giá lên tới 30.000 - 40.000 đồng/kg, đó là năm ngư dân ví von làm một mùa, ăn tới nửa năm.
Trong khi những đoàn tàu của ngư dân Quảng Nam và Quảng Ngãi nối đuôi nhau ra biển làm nghề xúc ruốc, thì chủ đoàn tàu làm nghề đèn pha luôn hóng tin về việc khi nào có cá cơm nồm, cá cơm than xuất hiện. Ngư dân Nguyễn Sinh ở cửa biển Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và ngư dân Trần Văn Vinh ở cửa biển Kỳ Hà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, cá cơm mọi người thường thấy là cá cơm than, còn cá cơm nồm nhỏ hơn đầu đũa, trông như con ruốc, nhưng là loại cá cơm có thể phơi khô và xuất khẩu, nên chỉ cần nửa tháng trúng cá cơm nồm thì coi như làm một mùa, ăn nửa năm.
Còn tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam, những chiếc tàu mang biển số của các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Bình tập trung về để chuẩn bị mở biển đi đánh cá bằng nghề mành đèn. Tới thời điểm hiện nay, ngư dân đều nâng cấp tàu đánh cá công suất 540 – 850 mã lực, thân vỏ dài từ 19 đến 23m, tầm hoạt động của tàu có thể bám biển xa bờ dài ngày, vì vậy, cứ nghe vùng biển nào có nhiều cá, nơi nào rộ lên chuyện ngư dân đang trúng "lộc biển" thì ngư dân ở các tỉnh dồn về để đợi thời cơ mở biển.
Ngư dân Huỳnh Văn Minh ở xã An Phú, thành phố Quảng Ngãi chia sẻ, vì sao ngư dân đi xúc ruốc biển cứ làm quần quật cả ngày, tàu vô bờ và bán ruốc xong lại hối hả vươn khơi. Bởi vì nhiều chục năm trước, "lộc biển" ở vùng biển nào thì ngư dân nơi đó tận hưởng. Vì thời đó, thông tin không rộng rãi như bây giờ, có khi sáng, ngư dân trúng cá thì chỉ vài giờ đồng hồ sau đã đến tai ngư dân ở các làng chài bên cạnh. Vậy rồi tàu ồ ạt đổ về, món quà của biển cả được chia sẻ cho ngư dân nhiều làng chài khác nhau. Trong khi những ngư dân chuyên đánh bắt hải sản gần sát bờ thì chiếm phần lớn là ngư dân nghèo, đi tàu thuyền ra nhỏ, cứ sau Tết lại hóng chờ "lộc" từ biển khơi.