Vẻ đẹp sự sẻ chia của bệnh viện hạng đặc biệt ở phía Nam

Tinh thần sẻ chia và lan tỏa yêu thương là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hoạt động của Bệnh viện Chợ Rẫy qua các thế hệ lãnh đạo. Sự sẻ chia ấy không chỉ đọng lại ở từng bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy, còn ghi dấu trong mạng lưới y tế ở cả khu vực phía Nam.

"Tranh thủ khai thác tôi đi!"

Gần đây, tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đã làm việc với 2 trong 10 đơn vị mới sáp nhập vào Bộ Y tế từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trước đây. Đó là Trung tâm Điều dưỡng, Phục hồi chức năng - Trợ giúp trẻ em và hỗ trợ người khuyết tật; Bệnh viện Chỉnh hình & Phục hồi chức năng TPHCM.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo và nhân sự chủ chốt 2 đơn vị trên đều bất ngờ và cảm kích trước sự chia sẻ chân tình của Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức.

Cả 2 đơn vị tuy chức năng nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều chung nỗi lo lắng, băn khoăn khi sáp nhập với mô hình tổ chức bộ máy, công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao...

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức - người kiêm nhiệm vai trò quản lý, điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy - đang chia sẻ với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt đơn vị mới sáp nhập vào Bộ Y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức - người kiêm nhiệm vai trò quản lý, điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy - đang chia sẻ với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt đơn vị mới sáp nhập vào Bộ Y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức đã giúp các đơn vị an tâm hơn khi đề cập đến các thuận lợi về mặt quản lý nhà nước, quản lý chuyên môn khi trực thuộc Bộ Y tế.

Đặc biệt, người đang kiêm nhiệm vai trò quản lý, điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy còn sẻ chia những kinh nghiệm và cách làm của bệnh viện về đề án vị trí việc làm, bệnh án điện tử, xây dựng giá dịch vụ...

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức còn hứa với các đơn vị, cần hỗ trợ vấn đề gì và với mức độ nào để hoạt động hiệu quả hơn, phía Bệnh viện Chợ Rẫy luôn sẵn lòng.

Sự sẵn lòng của Bệnh viện Chợ Rẫy còn bao gồm cả chuyển giao kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật với các khóa đào tạo ngắn hạn, thậm chí là cử người từ Chợ Rẫy tới các đơn vị để hỗ trợ trong 3 tháng, 6 tháng...

"Trong cả 2 vai (lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy - PV), các anh chị nên tranh thủ khai thác tôi tối đa, để đơn vị mình có lợi ích lớn nhất, để đơn vị mình phục vụ xã hội tốt nhất...", Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức hóm hỉnh nói khiến người nghe phải bật cười.

Nhưng, sau những tiếng cười đó, sự cảm kích dâng trào. Chợ Rẫy là bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế, vừa đa khoa vừa chuyên sâu, là đơn vị tuyến cuối của cả khu vực phía Nam. Nhận được sự sẻ chia hào sảng của Bệnh viện Chợ Rẫy về nhiều mặt hoạt động, sẽ rất có lợi cho các đơn vị mới sáp nhập.

Vẻ đẹp của sự sẻ chia nơi Bệnh viện Chợ Rẫy, không chỉ đến từ hôm nay mà là truyền thống của bệnh viện qua các thời kỳ lãnh đạo, tính từ cột mốc 1975 tới nay.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt

Ngược về quá khứ, theo tư liệu của Bệnh viện Chợ Rẫy, vị lãnh đạo thế hệ đầu tiên của bệnh viện từ năm 1976 là GS.BS Trịnh Kim Ảnh, đã là người khởi đầu sự sẻ chia của bệnh viện với mạng lưới y tế phía Nam.

Thời kỳ này, sốt rét là căn bệnh đáng sợ và hoành hành rộng khắp các địa phương phía Nam, với tỷ lệ mắc và tử vong cao. Dù không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bệnh viện Chợ Rẫy, song, với đội ngũ chuyên môn chắc tay, GS.BS Trịnh Kim Ảnh vẫn chỉ đạo bệnh viện vào cuộc để sẻ chia với y tế các địa phương.

Giáo sư Trịnh Kim Ảnh cho rằng, sốt rét là bệnh của người nghèo sống ở vùng rừng núi, ở chiến khu xưa…, với tỷ lệ mắc và tử vong rất cao. Do đó, giáo sư đã lập các điểm trên thực địa để nghiên cứu và phòng, chống kịp thời.

Trong suốt mấy chục năm ròng, mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy đều cử 20 lượt bác sĩ xuống các điểm nghiên cứu nhằm hạ thấp tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính, hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh sốt rét trong dân.

Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối của cả khu vực phía Nam. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối của cả khu vực phía Nam. Ảnh: BVCC.

Kế thừa tinh thần sẻ chia của người tiền nhiệm, thế hệ lãnh đạo kế tiếp là PGS.TS.BS Trương Văn Việt đã bắt tay xây dựng mạng lưới Ngoại thần kinh ở khắp 28 tỉnh thành phía Nam, ngay khi ông kế nhiệm vai trò Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy năm 1997.

Là chuyên gia hàng đầu về Ngoại thần kinh thời bấy giờ, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy nhận thấy khoảng cách từ các địa phương tới Chợ Rẫy quá xa, nên bệnh nhân chấn thương sọ não thường tử vong trên đường, hoặc tới bệnh viện thì diễn tiến quá nặng.

Theo PGS.TS.BS. Trương Văn Việt, người bị máu tụ trong sọ cũng giống như người đuối nước nên "thời gian vàng" là khoảng thời gian mà kỹ thuật y khoa có thể can thiệp hiệu quả nhất, thời điểm tối ưu nhất để cứu bệnh nhân thoát khỏi lằn ranh sinh tử.

Vậy là mạng lưới ngoại thần kinh ở khắp các địa phương phía Nam dần hình thành, giúp các bác sĩ tuyến dưới có thể thực hiện phẫu thuật chấn thương sọ não tại chỗ.

Chiến lược mà PGS.TS.BS Trương Văn Việt đề xướng và kiên trì thực hiện trong tinh thần sẻ chia chuyên môn, còn được gọi là "Sáng kiến Chợ Rẫy - Thời gian vàng", đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân chấn thương sọ não cả khu vực phía Nam.

Nối tiếp khát vọng chăm lo sức khỏe người dân phía Nam của những thế hệ đi trước, sau khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2008, PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn đã chọn "tiên phong và sẻ chia" làm hướng đi.

Trong giai đoạn này, Bệnh viện Chợ Rẫy tiên phong thực hiện các kỹ thuật mới, đầu tiên và chuyên sâu ở phía Nam như: lấy thận ghép từ người cho sống bằng phẫu thuật robot; ghép thận từ người cho chết não, ngừng tim; ghép tim, ghép gan ...

Dưới sự dẫn dắt của PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, tập thể thầy thuốc và nhân viên y tế còn nỗ lực đưa Chợ Rẫy thành bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam có trung tâm truyền máu theo từng thành phần; can thiệp động mạch vành trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp; đặt máy tạo nhịp tim không dây...

Song hành với định hướng tiên phong chính là sẻ chia, Bệnh viện Chợ Rẫy nỗ lực giúp bệnh nhân ở phía Nam tiếp cận kỹ thuật điều trị hiện đại tại chỗ.

Với tinh thần sẻ chia này, tập thể thầy thuốc, nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy đã không quản khó nhọc, lặn lội đường xa tới tất cả địa phương phía Nam để chuyển giao kỹ thuật, thiết lập bệnh viện vệ tinh...

Qua đó, mạng lưới y tế từ Tây Nam bộ tới Đông Nam bộ và cả Tây Nguyên đều được nâng cao năng lực điều trị. Còn người dân thì được chữa bệnh tại chỗ với kỹ thuật cao, đỡ phải "cơm ghe bè bạn" lên tận TPHCM chữa trị.

Lan tỏa yêu thương

Trong tháng 4/2025 vừa qua, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản đề nghị người đứng đầu các khoa lâm sàng phối hợp với Phòng Công tác xã hội (CTXH) giúp bệnh nhân nội trú, đến từ các tỉnh thành trên cả nước, tham gia mới hoặc gia hạn BHYT.

Việc giúp đỡ này không chỉ dừng ở thực hiện thủ tục, còn bao gồm cả hỗ trợ chi phí tham gia BHYT đối với bệnh nhân gia cảnh khó khăn. Nguồn kinh phí dành cho việc này được bệnh viện trích từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm.

Thân nhân người bệnh nhận sự hỗ trợ tham gia BHYT từ chuyên viên Phòng CTXH. Ảnh: BVCC

Thân nhân người bệnh nhận sự hỗ trợ tham gia BHYT từ chuyên viên Phòng CTXH. Ảnh: BVCC

Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy còn đặc biệt yêu cầu các khoa lâm sàng quan tâm và phối hợp với Phòng CTXH thực hiện "để cô bác được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời, để không ai bị bỏ lại phía sau...".

Trong cuộc trò chuyện với PV Sức khỏe và Đời sống về vấn đề này, ThS Lê Minh Hiển - Trưởng phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy đã "khoe" bút phê của Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức trong vai trò quản lý, điều hành bệnh viện.

Theo bản trình, phòng CTXH dự kiến thực hiện việc giúp đỡ BHYT đối với bệnh nhân nội trú ở 2 khoa lâm sàng, sau đó nhân rộng. Song, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức yêu cầu thực hiện ở tất cả các khoa lâm sàng, để yêu thương sớm lan tỏa toàn bệnh viện.

Trên thực tế, lâu nay Bệnh viện Chợ Rẫy đã giúp đỡ, hỗ trợ bệnh nhân nội trú tham gia BHYT nhưng việc này chưa lan tỏa được như mong muốn vì một số hạn chế về kỹ thuật, thủ tục.

Nay, các hạn chế nói trên đã được hóa giải nhờ chuyển đổi số. Chỉ một cú nhấp chuột tại phòng CTXH của Bệnh viện Chợ Rẫy là bà con cô bác đã nhận được kết quả hỗ trợ. Trước đó, quá trình này phải mất rất nhiều ngày.

Đó là lý do lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định triển khai hỗ trợ bệnh nhân nội trú tham gia BHYT trên tất cả các khoa lâm sàng, để kịp thời giúp đỡ bệnh nhân khó khăn nhập viện điều trị.

Có thể nói, tinh thần sẻ chia và lan tỏa yêu thương là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hoạt động của Bệnh viện Chợ Rẫy qua các thế hệ lãnh đạo. Sự sẻ chia ấy không chỉ đọng lại trên từng bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy mà còn ghi dấu trong mạng lưới y tế ở cả khu vực phía Nam.

Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những cơ sở y tế hàng đầu và lâu đời nhất tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1900.

Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa Trung ương hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y Tế, là bệnh viện lớn nhất miền Nam Việt Nam. Mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị nội trú trên dưới 150.000 ca, can thiệp phẫu thuật trên 42.000 ca.

Thanh Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ve-dep-su-se-chia-cua-benh-vien-hang-dac-biet-o-phia-nam-16925050705174049.htm
Zalo