Cần có cơ chế để thêm nhiều người bệnh được tiếp cận với kỹ thuật ghép phổi

Ngày 7/5, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia đã tổ chức Lễ kỷ niệm 116 năm ngày sinh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (07/05/1909 – 07/05/2025) và 5 năm thành lập Trung tâm Ghép phổi (2020 – 2025).

Mới đây, bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công 2 ca ghép phổi cho 2 bệnh nhân. Ảnh: TTXVN phát

Mới đây, bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công 2 ca ghép phổi cho 2 bệnh nhân. Ảnh: TTXVN phát

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và cũng là Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao Trung ương – tiền thân của Bệnh viện Phổi Trung ương ngày nay.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh: Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch không chỉ là người thầy lớn của ngành Y tế Việt Nam nói chung, của chuyên ngành Lao và Bệnh phổi nói riêng mà còn là người chiến sỹ kiên cường - một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước đã hy sinh hạnh phúc riêng, tận hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ngày 24/06/1957, Chính phủ ký Quyết định thành lập Viện Chống lao Trung ương, ngay từ ngày đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã nêu quan điểm: "Chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước mới chẩn đoán bệnh lao ít sai lầm". Ông cũng khẳng định việc nghiên cứu và thực hành lâm sàng bệnh lao không thể tách rời các bệnh phổi. Tinh thần "khó mấy cũng làm" của ông đã trở thành "kim chỉ nam" trong sứ mệnh thanh toán bệnh lao và chăm sóc, nâng cao sức khỏe phổi cho nhân dân Việt Nam.

TS.TTƯT Đinh Văn Lượng, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

TS.TTƯT Đinh Văn Lượng, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: Tinh thần "khó mấy cũng làm" của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hình thành, phát triển và lớn mạnh của Bệnh viện Phổi Trung ương ngày nay. Với tinh thần ấy, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao quốc gia không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và tinh thần phục vụ người bệnh, đã đạt được rất nhiều thành công trong thực hiện các kỹ thuật cao về bệnh phổi và kiểm soát lao, đặc biệt là lĩnh vực ghép phổi, một trong những kỹ thuật khó nhất của ghép tạng.

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, sau hơn 30 năm phát triển kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đã thực hiện hơn 9.000 ca ghép tạng nhưng trong số này chỉ có 14 ca ghép phổi. Thời khắc này cũng đánh dấu chặng đường 5 năm thành lập Trung tâm Ghép phổi – Bệnh viện Phổi Trung ương, đơn vị tiên phong, nòng cốt cho ghép phổi đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự thành công của 6 ca ghép phổi.

Trong năm 2024, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công 3 ca ghép phổi toàn diện cho người bệnh từ người hiến chết não, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong nước.

Bệnh nhân ghép phổi tập hồi phục. Ảnh: TTXVN phát

Bệnh nhân ghép phổi tập hồi phục. Ảnh: TTXVN phát

Đặc biệt chỉ trong vòng 1 tuần của tháng 4/2025, Bệnh viện đã phối hợp với các chuyên gia, đơn vị, các bệnh viện trong nước và quốc tế (Bệnh viện E, Trung tâm Điều phối ghép tạng và cơ thể người, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bện viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân 115…) thực hiện thành công liên tiếp thêm 2 ca ghép phổi cho 2 người bệnh, nâng tổng số ca ghép phổi trong 5 năm qua lên 6 ca, đóng góp vào thành tựu chung gần 50% (6/14 ca) ghép phổi tại Việt Nam.

Toàn bộ các ca ghép phổi do Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện đều thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của Trung tâm Ghép phổi UCSF. Đến nay, ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương - một trong những kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng - đang trở thành thường quy.

Bệnh nhân ghép phổi tập hồi phục. Ảnh: TTXVN phát

Bệnh nhân ghép phổi tập hồi phục. Ảnh: TTXVN phát

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết thêm, hiện nay, nhu cầu ghép phổi tại Việt Nam là khoảng 900 ca. Với mục tiêu xây dựng Bệnh viện thành Trung tâm Ghép phổi vùng phục vụ cho người bệnh trong nước và người bệnh quốc tế, trong thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị, bệnh viện hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật, đào tạo chuyển giao công nghệ ghép tạng, tiên phong trong kỹ thuật ghép phổi; tập trung đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; tăng cường giáo dục tinh thần trách nhiệm cho cán bộ ngành Y theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch…Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng chia sẻ, hiện chi phí cho một ca ghép phổi tại Việt Nam dù ở mức thấp so với thế giới, nhưng vẫn là gánh nặng tài chính lớn vượt quá khả năng chi trả đối với nhiều gia đình. Vì vậy để có thêm nhiều người bệnh có thể tiếp cận với kỹ thuật ghép phổi, đặc biệt là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, cần có cơ chế chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế và sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác. Hiện nay, hầu hết các ca ghép phổi đều được bệnh viện hỗ trợ kinh phí.

Tập thể người bệnh ghép phổi tặng hoa chúc mừng lãnh đạo, y bác sĩ bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tập thể người bệnh ghép phổi tặng hoa chúc mừng lãnh đạo, y bác sĩ bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

BT (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/can-co-co-che-de-them-nhieu-nguoi-benh-duoc-tiep-can-voi-ky-thuat-ghep-phoi-20250507170650195.htm
Zalo