Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã
Tiến sĩ Luật học Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về một số nội dung của Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Ông Lê Xuân Thân - Tiến sĩ Luật học, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
- Thưa ông, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được sửa đổi và được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2025. Tuy nhiên, tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội tiếp tục thảo luận và cho ý kiến sửa đổi luật này, xin ông cho biết lý do sửa đổi lần này?
- Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị (không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp), Đảng ủy Quốc hội đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương IX quy định về chính quyền địa phương, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã). Theo đó, sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thì kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành để bảo đảm thống nhất với nội dung sửa đổi của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 1-3-2025) đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phân định rõ thẩm quyền, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương và khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Tuy nhiên, do quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành đang được thiết kế theo mô hình 3 cấp (gồm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Vì vậy, căn cứ các định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu trên, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và giải quyết những vấn đề phát sinh khi chuyển đổi từ mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp sang mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
- Thưa ông, xin ông cho biết phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật lần này?
- So với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành gồm 50 điều thì dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) dự kiến có 54 điều (tăng 4 điều), trong đó: Giữ nguyên 4 điều, bỏ 4 điều; bổ sung mới 8 điều; sửa đổi, bổ sung 42 điều; đồng thời chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp (không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện). Vì vậy, căn cứ khoản 4 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, cần thiết phải ban hành luật để thay thế Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
- Thưa ông, để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, trong dự thảo luật lần này có những quy định gì nổi bật trong việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp?
- Trên cơ sở mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương theo hướng: (1) Cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên xã, phường, vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh; (2) Cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ Trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp xã.
Đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh: Để thực hiện nhất quán nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định hiện hành thì dự thảo luật đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… ở địa phương.
Đối với chính quyền địa phương cấp xã: Dự thảo luật quy định chính quyền địa phương cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã. Đồng thời, dự thảo luật quy định căn cứ tình hình thực tiễn, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND, Chủ tịch UBND cấp xã đối với các vấn đề cấp xã thực hiện hiệu quả, sát thực tiễn hơn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở phường để quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.
Tuy nhiên, trên cơ sở các nguyên tắc và quy định về phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương trong luật này, các luật, văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có liên quan khác cũng cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung để tiếp tục làm rõ các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã trong từng lĩnh vực chuyên ngành, nhất là các luật dự kiến cũng được trình Quốc hội xem xét, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung trong Kỳ họp thứ 9 (ví dụ như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Cán bộ, công chức, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước…).
- Xin cảm ơn ông!
TRÍ NGHĨA