'Vẽ' cờ Tổ quốc từ những tấm giấy đỏ đặc biệt
Không cần dùng đến bút vẽ hay màu vẽ, nhiều gương mặt tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện đã tạo nên bức tranh lá cờ Tổ quốc đỏ tươi, lấp lánh từ chính những tấm giấy chứng nhận hiến máu của mình. Những lá cờ được tạo thành từ những tấm giấy đỏ đặc biệt không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng mà còn lan tỏa thông điệp sâu sắc về tinh thần đoàn kết và trách nhiệm với cộng đồng.
Chàng trai một tay “vẽ” cờ Tổ quốc
Là một trong 20 gương mặt thanh niên sống đẹp, truyền cảm hứng năm 2024, Nguyễn Phúc Đức (27 tuổi) xuất hiện ở hạng mục “Thanh niên sống đẹp trong công tác tình nguyện, vì cuộc sống cộng đồng” với những thành tích hoạt động nổi bật trong công tác xã hội. Được biết đến đến là chàng thanh niên dù khuyết 1 tay nhưng vẫn vượt mọi khó khăn và làm đẹp cho đời theo cách của riêng mình. Với tinh thần lạc quan và ý chí mạnh mẽ, Phúc Đức đã chọn lan tỏa những điều tốt đẹp qua việc tích cực vận động hiến máu, góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng bằng những hành động thiết thực và ý nghĩa.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Năm lên lớp 6, Nguyễn Phúc Đức đã phải đối mặt với biến cố lớn khi mất đi cánh tay phải trong một tai nạn bất ngờ. Khi tỉnh dậy trên giường bệnh, nhận ra cánh tay không còn nguyên vẹn, Đức hoang mang, sợ hãi tột độ. Mất mát này không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn để lại vết thương sâu sắc trong tâm hồn. Từ một cậu bé hoạt bát, Đức dần thu mình, mang nỗi tự ti khi phải đối mặt với việc trở thành một người khuyết tật.
Thế nhưng nhờ những lời động viên, khích lệ từ gia đình, thầy cô và bạn bè Nguyễn Phúc Đức đã dần lấy lại được động lực và ý chí muốn được sống. Với quyết tâm vượt qua nghịch cảnh, Đức kiên trì luyện tập để sử dụng thành thạo cánh tay trái, từ việc viết chữ, đi xe đến thực hiện các sinh hoạt cá nhân. Sau nhiều năm nỗ lực, cậu bé tự ti năm nào đã trở thành sinh viên của Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên.
Quyết định này đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời Nguyễn Phúc Đức. Tại môi trường đại học, Đức tham gia tích cực vào các hoạt động tình nguyện của Đoàn - Hội và địa phương, những hoạt động ấy không chỉ giúp Đức cởi mở hơn mà còn cho thấy được giá trị của việc sẻ chia, giúp đỡ người khác. Khi đó, Đức cảm thấy như mình được sinh ra thêm lần nữa. Có lẽ chỉ khi bản thân trải qua ranh giới sinh - tử người ta mới hiểu được ý nghĩa “Được sống là một đặc ân của mỗi người”, vậy nên phải sống sao cho đáng sống, sống làm người có ích cho xã hội.
Chính vì suy nghĩ “Được sống là một đặc ân của mỗi người” nên dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng Nguyễn Phúc Đức đã có 30 lần tham gia hiến máu. Mỗi lần hiến máu, Đức coi đó như một món quà nhỏ góp phần cứu sống những người bệnh cần sự giúp đỡ. Nhớ lại lần đầu tiên, Đức từng rụt rè và hồi hộp, nhưng khi nhận ra ý nghĩa lớn lao của việc làm này, cứ bảo đảm thời gian quy định, Đức lại đăng ký tham gia hiến máu. Không dừng lại ở đó, Đức còn trực tiếp tham gia Câu lạc bộ máu và lan tỏa thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Chàng trai 27 tuổi không chỉ truyền cảm hứng cho bạn bè, mà còn khuyến khích gia đình và người thân cùng tham gia, tạo nên một tinh thần tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Không chỉ xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện, Nguyễn Phúc Đức còn là một cán bộ Đoàn, Hội gương mẫu và năng nổ. Anh luôn tiên phong trong các hoạt động ý nghĩa như “Chủ nhật xanh”, “Mùa hè xanh”, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNeID, hay tham gia các cuộc thi do Đoàn - Hội phát động, bao gồm “Ánh sáng soi đường” và thi tìm hiểu về biển đảo. Đức cũng tích cực lan tỏa tinh thần thiện nguyện qua các câu lạc bộ và hiện đảm nhiệm vai trò Chi hội phó Chi hội Thanh niên Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên. Từ câu chuyện cá nhân thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, Đức không chỉ là hình mẫu sống đẹp mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần lạc quan, luôn hướng về cộng đồng và tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9 vừa qua, hưởng ứng trào lưu vẽ cờ Tổ quốc, Nguyễn Phúc Đức đã tạo nên một lá cờ độc đáo từ 30 giấy chứng nhận hiến máu của mình. Đây không chỉ là cách anh bày tỏ lòng tự hào dân tộc mà còn khẳng định tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt.
Được biết, để hoàn thiện tác phẩm độc đáo này, Nguyễn Phúc Đức đã dành nhiều giờ lên ý tưởng, phác thảo và sắp xếp sao cho từng tấm giấy chứng nhận khớp lại thành hình cờ đỏ sao vàng thiêng liêng. Sau nhiều lần thử nghiệm, tháo ra, ghép vào, Đức đã hoàn thành lá cờ Tổ quốc với 30 chiếc thẻ hiến máu được lưu giữ sau gần 1 thập kỷ tham gia công tác thiện nguyện hiến máu.
Những bức tranh đầy ý nghĩa
Trong dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9, không chỉ Nguyễn Phúc Đức mà nhiều gương mặt tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện trên mạng xã hội cũng tham gia “vẽ” hình lá cờ Tổ quốc bằng những tấm giấy chứng nhận hiến máu. Từ vài lá cờ ban đầu, trào lưu nhanh chóng lan rộng với hàng ngàn lá cờ độc đáo, sáng tạo ở nhiều hình thức khác nhau, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc trên không gian mạng. Qua đó, trào lưu ý nghĩa “xếp giấy chứng nhận hiến máu thành hình lá cờ” đã được hình thành và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng người hiến máu trên cả nước.
Là một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện ở Quảng Ngãi, anh Nguyễn Cu Em (42 tuổi, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) đang sở hữu một “gia tài” khá đồ sộ với gần 100 giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Nhìn lại hành trình 12 năm tham gia hiến máu tình nguyện cứu người, anh đã trung bình hiến máu và hiến tiểu cầu từ 8 đến 10 lần mỗi năm.
Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, anh Nguyễn Cu Em còn là thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Facebook Quảng Ngãi. Với quan niệm “máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu”, anh luôn trong tâm thế sẵn sàng hiến máu khi có yêu cầu. Công việc chính của anh là nhân viên bảo vệ khách sạn, nên thời gian ở nơi làm việc nhiều hơn ở nhà, nhưng mỗi khi biết tin có bệnh nhân cần máu gấp, anh không ngần ngại xin ý kiến của chủ khách sạn và lập tức lên đường ngay để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9, khi thấy trào lưu “vẽ” cờ Tổ quốc từ giấy chứng nhận hiến máu, anh Nguyễn Cu Em cảm thấy vô cùng xúc động và thiêng liêng. Anh cũng tỉ mẩn tham gia vào trào lưu này với hy vọng rằng qua lá cờ của mình, sẽ có thêm nhiều người nhận thức được ý nghĩa của việc hiến máu cứu người và cùng nhau tham gia phong trào nhân văn này.
Có cùng chung ý tưởng, Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng đã “vẽ” lá cờ Tổ quốc từ 26 giấy chứng nhận hiến máu. Để có thể hoàn thành bức tranh ý nghĩa này, từ năm 2007 đến nay, anh đã 26 lần tình nguyện cho đi những giọt máu của mình với mong muốn chia sẻ khó khăn và giúp các số phận không may mắn, cần truyền máu để duy trì sự sống.
Với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của hành động “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, Thiếu tá Phạm Văn Hiếu không chỉ tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện mà còn là người tuyên truyền, cổ vũ mọi người xung quanh tham gia. Đặc biệt, anh đã khuyến khích các thành viên trong gia đình tham gia hành động nhân ái này. Đến nay, gia đình anh đã có tổng cộng 51 lần hiến máu, trở thành một tấm gương sáng trong cộng đồng về tinh thần sẻ chia và trách nhiệm xã hội.
Có thể thấy, trào lưu “vẽ” cờ Tổ quốc từ giấy chứng nhận hiến máu không chỉ là một hành động đầy ý nghĩa, mà còn trở thành biểu tượng đẹp về tình yêu thương và tinh thần đoàn kết. Mỗi một lá cờ Tổ quốc đỏ tươi, lấp lánh từ những tấm giấy chứng nhận hiến máu vừa là đại diện cho sự cống hiến của cá nhân, vừa là minh chứng cho một tấm lòng nhân ái và cũng là để lan tỏa đi thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.