Làng cổ ở Nam Định có 'báu vật' 800 tuổi, nhiều người tìm đến 'chữa lành'

Sở hữu không gian yên bình mang nét đẹp cổ kính với đền, chùa, giếng nước… và 'báu vật' có tuổi đời khoảng 800 năm, làng cổ Dịch Diệp (Nam Định) trở thành điểm đến thu hút du khách.

Cách Hà Nội khoảng 110km và cách trung tâm TP Nam Định hơn 20km, làng Dịch Diệp (thuộc địa phận xã Trực Chính, huyện Trực Ninh) là một trong những ngôi làng cổ ở miền Bắc.

Khung cảnh bình yên ở làng cổ Dịch Diệp

Khung cảnh bình yên ở làng cổ Dịch Diệp

Theo người dân địa phương, làng Dịch Diệp được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XI, với tên gọi ban đầu là Dịch Diệp Trang.

Nơi đây hiện vẫn còn giữ được những nét đẹp cổ kính của một ngôi làng Việt truyền thống với cây đa, đền, chùa, giếng nước…, trở thành điểm đến “chữa lành” cho những du khách muốn tìm chốn bình yên.

Nhìn từ trên cao, làng Dịch Diệp có hình dáng như một con tàu với mũi hướng về phía cổng Nam

Nhìn từ trên cao, làng Dịch Diệp có hình dáng như một con tàu với mũi hướng về phía cổng Nam

Có dịp ghé thăm làng Dịch Diệp gần đây, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Cung (ở Thái Bình) không khỏi ấn tượng trước những hình ảnh đẹp thanh bình, tĩnh lặng thân thuộc của làng quê Bắc Bộ.

Làng hiện còn lưu giữ được 6 cổng nhà cổ, 1 cổng làng cổ (cổng Nam), 2 nhà gỗ (1 nhà hơn 100 năm tuổi và 1 nhà hơn 200 năm lợp ngói mũi nam), 1 cây cầu cuốn bắc qua sông và 3 giếng nước ở cuối làng.

Trong đó, nơi dễ nhận thấy nhất ở làng Dịch Diệp, thu hút sự chú ý của du khách khi tới đây chính là chiếc cổng phía Nam, nối liền với cây cầu cuốn bằng đá được xây dựng từ năm 1864.

Khu vực ao làng và giếng nước

Khu vực ao làng và giếng nước

Cây cầu cuốn bắc qua sông, cạnh cổng làng phía Nam

Cây cầu cuốn bắc qua sông, cạnh cổng làng phía Nam

Khi dạo bộ trong làng, du khách còn bắt gặp những chiếc cổng cổ chủ yếu được xây theo kiểu cuốn mái vòm parabol, thiết kế uốn lượn, mềm mại.

Mái cổng lợp ngói, liên kết với vòm cổng là hai trụ thẳng đứng, được đắp vẽ kỳ công. Mặt cổng cũng được trang trí cầu kỳ, đắp nổi đại tự thể hiện phương châm xử thế hay cốt cách của chủ nhà.

Tùy vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi nhà mà vòm cổng có quy mô, bề thế khác nhau.

Cổng làng phía Nam (trái) và cổng nhà (phải) ở làng Dịch Diệp

Cổng làng phía Nam (trái) và cổng nhà (phải) ở làng Dịch Diệp

Điều thú vị khác là ở làng Dịch Diệp còn có một “báu vật xanh” khoảng 800 năm tuổi. Đó là cây bồ đề cổ thụ cao hơn 20m, phần thân có kích thước “khủng”, khoảng 5 người lớn ôm mới xuể.

Xung quanh thân cây có những chiếc rễ to khoảng 40cm, mọc dài và bám chặt xuống đất.

Với những giá trị gắn liền với lịch sử, tháng 4/2021, cây bồ đề cổ thụ ở làng Dịch Diệp đã chính thức được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao quyết định công nhận là cây di sản Việt Nam.

Ảnh: Nguyễn Trọng Cung

Thảo Trinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lang-co-o-nam-dinh-co-bau-vat-800-tuoi-nhieu-nguoi-tim-den-chua-lanh-2344341.html
Zalo