Đẩy mạnh ứng dụng để văn hóa di sản lan tỏa mạnh mẽ hơn

Với bản sắc được tạo dựng hơn 4.000 năm lịch sử, di sản văn hóa được xem là tài sản vô giá và là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, hội nhập toàn cầu.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng nên có nhiều cách làm mới mẻ hơn, thực tế hơn để văn hóa và di sản dân tộc đến được nhiều tầng lớp nhân dân hơn. Đây cũng nội dung trao đổi giữa PV VOV và ông Trần Công Danh – Chi hội trưởng Chi hội kết nối trà Việt, Hội Di sản Văn hóa TP.HCM.

PV: Vừa qua Hội Di sản văn hóa TP.HCM tổ chức ngày hội văn hóa “Mây thơm ngang trời” nhân ngày Di sản Việt Nam, sự kiện thu hút rất đông đảo các bạn trẻ tham gia. Vì sao hiện nay có nhiều bạn trẻ bị thu hút bởi các sự kiện mang tính di sản truyền thống dân tộc?

Ông Trần Công Danh tại Ngày hội văn hóa "Mây thơm ngang đời"

Ông Trần Công Danh tại Ngày hội văn hóa "Mây thơm ngang đời"

Ông Trần Công Danh: Thường khi nghĩ đến di sản văn hóa thì mọi người hay có cảm giác xưa cũ hay già cỗi, và vì thế đó là 1 sự thay đổi trong nhận thức lẫn cách tiếp cận trong giai đoạn hiện nay. Hiện nay chúng ta có quá nhiều cách tiếp cận, nhiều thông tin thì đó cũng là nguồn cơn để tìm hiểu, tiếp xúc và biết được nhiều hơn, qua đó có sự tò mò và khơi gợi.

Nhưng khơi gợi không là chưa đủ mà phải làm sao để thu hút được nhiều hơn. Với đội ngũ đang được xây dựng hiện nay đã nói 1 tiếng nói khá tương đồng với các bạn trẻ thông qua chất liệu là di sản, văn hóa. Từ đó các bạn trẻ có thêm điểm chung, sự kết nối và quan tâm nhiều hơn.

Hát ca trù, loại hình nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (ảnh: Trần Anh Tuyên/ nhiepanhdoisong.vn)

Hát ca trù, loại hình nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (ảnh: Trần Anh Tuyên/ nhiepanhdoisong.vn)

PV: Chúng ta xác định phát triển công nghiệp văn hóa là mục tiêu lâu dài, tuy nhiên, khái niệm này có vẻ như còn hơi xa lạ với thế hệ trẻ hiện nay, vậy nên dùng thuật ngữ nào cho phù hợp để dễ dàng tiếp cận và phát triển hơn?

Ông Trần Công Danh: Trước hết, cũng khẳng định đường lối của Đảng và Nhà nước ta khi nói về văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa là hoàn toàn đúng đắn và có chiến lược rất dài hạn. Tuy nhiên để có những bước đi đầu tiên của quá trình này, thì thuật ngữ “ứng dụng văn hóa” có nghĩa là làm sao đưa văn hóa truyền thống, các di sản, giá trị văn hóa đặc sắc đi vào cuộc sống, vào sự tiếp nhận của từng người dân, từng bạn trẻ mà không chỉ gói gọn trong phạm vi các bảo tàng, các buổi biểu diễn nghệ thuật đóng khung, khép kín.

Ứng dụng văn hóa còn một ý nghĩa khác là làm sao vận dụng được những giá trị truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày thậm chí là trong công việc, trong doanh nghiệp. Nếu làm tốt những bước đi khởi đầu này thì hướng phát triển công nghiệp văn hóa hoàn toàn có thể tin cậy và chờ đợi

PV: Văn hóa di sản nói chung, nghệ thuật nói riêng là một món ăn tinh thần không thể thiếu. tuy vậy lâu nay những người làm văn hóa nghệ thuật vẫn đắn đo vì làm văn hóa thì nghèo trong khi cuộc sống thì “có thực mới vực được đạo”. Vậy theo ông, làm thế nào để văn hóa có thể tự nuôi mình cũng như có thể phát triển hơn trong tương lai?

Ảnh minh họa: VinaTea.com.vn

Ảnh minh họa: VinaTea.com.vn

Ông Trần Công Danh: Có một thực tế là chúng ta nói về văn hóa nhưng lại xa rời về kinh tế, bởi có lẽ chúng ta đang xem đó là hai mục tiêu khác nhau, một bên là vật chất, một bên là tinh thần. Quan điểm của tôi là có thực mới vực được đạo, do vậy cần phải làm sao để bán được sản phẩm văn hóa đó hoặc làm sao mang những sản phẩm văn hóa đó tạo ra được giá trị cho bản thân người làm văn hóa, cho đơn vị làm văn hóa và cho quốc gia sở hữu nền văn hóa đó.

Phải làm sao hiểu được mong muốn của đối tượng tiếp nhận, giống như khi đi bán hàng thì phải biết đối tượng khách hàng là ai, họ mong muốn điều gì thì từ đó sử dụng các nguyên liệu, chất liệu hiện có để phục vụ họ.

Có thể trước đây ta có suy nghĩ rằng có gì hay ho, tốt đẹp cứ show ra, trình diễn ra nhưng cái hay cái đẹp đó đã phù hợp với đại đa số quần chúng tham gia nên cuối cùng khó có thể khai thác được yếu tố kinh tế. Tôi nghĩ đây là yếu tố then chốt và phải được sự thay đổi về tư duy không chỉ trong lĩnh vực quản lý văn hóa mà với cả hoạt động tổ chức văn hóa cũng như với bản thân những người làm văn hóa.

PV: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huy Hoàng/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/day-manh-ung-dung-de-van-hoa-di-san-lan-toa-manh-me-hon-post1137643.vov
Zalo