Vay gạo
Cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược kéo dài suốt 30 năm vừa kết thúc thắng lợi, dân tộc ta lại bước vào cuộc chiến tranh biên giới ác liệt ở cả phía Bắc và phía Tây Nam.
Nhưng trên tinh thần toàn thắng, cả dân tộc ta vẫn hăng say, sôi nổi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai, thứ ba (1976-1985). Trong các kế hoạch 5 năm, xây dựng và phát triển kinh tế luôn được xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Nỗ lực là thế nhưng suốt 10 năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn mà còn có dấu hiệu khủng hoảng.
Trong nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi lạm phát lên đến 700-800%, mọi mặt hàng thiết yếu đều chỉ có thể mua được bằng tem phiếu thì tài sản quan trọng nhất đối với mỗi nhà là sổ mua gạo gia đình.
Có lẽ đó là nguồn cơn cho câu ví von “nhìn như mất sổ gạo” ra đời, để chỉ trạng thái hoảng loạn, thất thần hiện ra trên gương mặt ai đó. Vì ở thời điểm ấy, không có sổ gạo đồng nghĩa với việc không có gì để “đổ vào nồi”, tức là sẽ đói.

Ảnh: Internet
Trong mỗi sổ gạo, cơ quan chức năng sẽ ghi rõ số lương thực mà gia đình được mua hàng tháng. Tùy theo số người, tính chất công việc, người lớn hay trẻ em… mà mỗi hộ có số gạo được mua khác nhau. Mức cao nhất là 21 kg/tháng cho đối tượng lao động nặng nhọc; 13 kg/tháng cho cán bộ, nhân viên văn phòng (hồi ấy hay gọi là người làm việc bàn giấy); sinh viên, học sinh được 15 kg...
Thời đó, ai biết nấu cơm thì đương nhiên phải biết qua các công đoạn: đãi gạo, nhặt thóc, nhặt phân chuột… vì gạo để lâu trong kho, khi mua về thường có rất nhiều mọt, sạn. Đổ thau nước ra, ngâm rá gạo vào, lấy tay khoắng nhẹ, những con mọt sẽ nổi lên đen mặt nước. Nhẹ nhàng đãi mọt ra, nâng rá gạo khỏi mặt nước, căng mắt lên để nhặt từng hạt thóc, đầu mày (đầu vỏ lúa), rồi mới nhẹ nhàng lắc cho gạo dồn ra phía ngoài, vớt bỏ vào nồi. Đáy rá sẽ còn lại cả mớ sạn. Bây giờ nghe chuyện này thì chắc nhiều bạn trẻ không thể hình dung được.
Tuy nhiên, có sổ gạo không có nghĩa là tháng nào người sở hữu cũng được mua đủ số lượng gạo ghi trong sổ. Nhiều tháng, nhiều năm, một phần trong sổ gạo được quy thành mì lát, bắp xay, mì sợi, bo bo… Ở miền Trung-Tây Nguyên, mì lát là thứ lương thực thường được bán thay gạo nhất.
Thời của chúng tôi, ai đã từng ăn cơm tập thể, chắc không thể quên món “bánh xe lịch sử”, tức là thứ bánh được làm từ bột mì khô rồi hấp hoặc luộc lên. Cũng do sống trên xứ sở của củ mì nên hầu như trong bếp của các gia đình ở Gia Lai-Kon Tum, nhà nào cũng có cái bàn mài củ mì để lấy bột chế biến các loại bánh ăn thay cơm.
Tôi còn nhớ, sau nhiều năm quen với cơm độn mì, độn khoai theo kiểu “một lát củ mì cõng vài hạt gạo”, lần đầu nhận bo bo về, cha tôi ngâm nước thật lâu, rồi cũng hầm thật lâu mới thấy nó mềm để cả nhà ăn. Ban đầu, chị em tôi rất thích vì lúc nhai, hạt bo bo vỡ ra, kêu bùm bụp trong miệng, có vị ngọt gần giống như bắp. Nhưng sau đó, mọi người bắt đầu sợ bo bo, vì nó dai, cứng.
Cảnh thiếu đói ám ảnh từng nhà, từng người nhưng tình làng, nghĩa láng giềng lúc ấy ấm áp lắm. Vì ai cũng khó như nhau nên việc mang rá sang nhà hàng xóm vay vài lon gạo, xin ít thìa muối trở thành chuyện bình thường. Người thiếu đi vay không cảm thấy ngại ngần, người thấy trong thùng gạo nhà mình có thể vét để chia sẻ với hàng xóm được thì cũng xúc ngay mà không hề toan tính.
Đấy cũng là hoàn cảnh để những câu ngạn ngữ kiểu “bán bà con xa mua láng giềng gần”, “tắt lửa tối đèn có nhau”… trọn vẹn ý nghĩa! Chả thế mà mỗi khi đi xa, hàng xóm luôn là những người đáng nhớ nhất, cũng là nơi để người ta về tìm, cùng nhau ôn lại chuyện ngày xưa.
Vay gạo là chuyện chưa xa. Nghe để biết chúng ta đã cùng nhau đi qua những tháng ngày gian khó, nghĩa tình như thế… để đến được với cuộc sống dần đủ đầy và no ấm hôm nay.