'Vàng xanh' nơi đá núi Hà Giang và hành trình thoát nghèo từ cây dược liệu

Từ vùng đất đá tai mèo khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, nhiều năm qua, người dân Hà Giang đã và đang kiên trì tìm kiếm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu. Một trong những hướng đi nổi bật và hiệu quả là phát triển cây dược liệu bản địa.

Đáng chú ý,nhờ sự vào hình thành và phát triển của các HTX, tổ hợp tác, cùng sự tham gia của các doanh nghiệp, mô hình liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ dược liệu từng bước hình thành tại nhiều địa phương, mở ra con đường thoát nghèo bền vững, làm giàu từ chính những sản vật của núi rừng.

Đánh thức tiềm năng kinh tế từ những triền đá núi

Hà Giang được đánh giá là “kho dược liệu” của cả nước với hàng trăm loại cây quý như đương quy, hà thủ ô đỏ, tam thất, đan sâm, thảo quả, xuyên khung, cát cánh, lan kim tuyến... vốn mọc hoang trong rừng, được bà con dân tộc như Mông, Dao, Tày, Nùng sử dụng làm thuốc chữa bệnh từ bao đời nay.

Cây dược liệu đang mang lại cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho người dân vùng núi đá Hà Giang (Ảnh: BHG).

Cây dược liệu đang mang lại cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho người dân vùng núi đá Hà Giang (Ảnh: BHG).

Những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng kinh tế to lớn từ cây dược liệu, chính quyền tỉnh Hà Giang đã định hướng đưa dược liệu trở thành ngành hàng chủ lực. Nhiều chương trình hỗ trợ người dân trồng, chăm sóc, sơ chế dược liệu đã được triển khai.

Tuy nhiên, phải đến khi các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp bắt đầu phát huy vai trò “bà đỡ” liên kết, chuỗi giá trị cây dược liệu mới thực sự hình thành và đem lại lợi ích rõ rệt cho người nông dân.

Một trong những mô hình thành công nhất là HTX Cộng đồng Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ). Từ năm 2017, HTX đã triển khai trồng cây đương quy, xuyên khung, cát cánh trên diện tích đất đá cằn cỗi mà trước đây chỉ để hoang hoặc trồng ngô năng suất thấp.

Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng, thu hái đúng quy trình, sản phẩm của HTX đạt chất lượng cao và được doanh nghiệp bao tiêu với giá ổn định. Không dừng lại ở đó, HTX còn mở rộng sang chế biến thô, sản xuất cao dược liệu và dầu gội thảo dược mang thương hiệu riêng. Hiện nay, HTX tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động địa phương, trong đó hơn 70% là phụ nữ người Dao.

Chị Vàng Thị Mỷ – một phụ nữ Dao đỏ từng sống cảnh “ngày hai bữa, quanh năm no đói thất thường” – nay đã có thu nhập ổn định 70 triệu đồng mỗi năm nhờ triển khai mô hình trồng đương quy, cát cánh, đồng thời tham gia sơ chế dược liệu cho HTX.

“Trước kia trồng ngô chẳng đủ ăn, giờ trồng cây thuốc, có người bao tiêu, có kỹ thuật, làm tại nhà, nuôi con cũng thuận. Phụ nữ như tôi thấy mình có giá trị hơn nhiều rồi!”, chị Mỷ cười rạng rỡ nói.

Tự chủ từ liên kết sản xuất

Ở một góc cao khác của huyện Quản Bạ, HTX Sản xuất và Dịch vụ Nông lâm nghiệp Cao Mã Pờ (xã Cao Mã Pờ) cũng đang chứng minh rằng dược liệu không chỉ là cây thuốc, mà còn là cây làm giàu.

Với hơn 20ha trồng thảo quả, tam thất và hà thủ ô, HTX liên kết chặt chẽ với bà con theo mô hình “3 cùng” – cùng giống, cùng kỹ thuật, cùng bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả vượt trội.

Từ chỗ thu nhập vài chục nghìn mỗi ngày, giờ đây, nhiều hộ dân xã biên giới Cao Mã Pờ đã có của ăn của để, con cái được đi học đến nơi đến chốn, nhà cửa xây kiên cố. Trên nền đất xám bạc, một màu xanh mới đang hồi sinh.

“Chúng tôi không để người dân tự làm đơn lẻ nữa. Phải có tổ chức, có quy trình, có liên kết mới ra sản phẩm đồng đều, mới giữ được giá trị thật sự của cây thuốc núi rừng”, đại diện HTX Sản xuất và Dịch vụ Nông lâm nghiệp Cao Mã Pờ nhấn mạnh.

Liên kết sản xuất trong các HTX giúp các hộ trồng dược liệu ở Hà Giang nâng cao giá trị kinh tế (Ảnh: BHG).

Liên kết sản xuất trong các HTX giúp các hộ trồng dược liệu ở Hà Giang nâng cao giá trị kinh tế (Ảnh: BHG).

Một mô hình khác cũng rất đáng chú ý là HTX Dược liệu Phong Quang (huyện Vị Xuyên). HTX đang liên kết với hơn 100 hộ dân để trồng cây dược liệu trên tổng diện tích hơn 70ha, trong đó chủ lực là đan sâm và hà thủ ô đỏ.

Nhờ sự đồng hành của các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật từ các viện nghiên cứu dược liệu, HTX đã xây dựng quy trình sản xuất an toàn, đạt chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới). Điều này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn mở rộng được thị trường tiêu thụ ra các tỉnh phía Nam.

Điểm chung ở các mô hình HTX trên là khả năng tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các khâu: từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Trước đây, người dân thường trồng dược liệu theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, phụ thuộc thương lái nên thu nhập bấp bênh.

Khi tham gia vào HTX, các thành viên, hộ liên kết được hướng dẫn kỹ thuật, tiếp cận giống cây chuẩn, được bao tiêu sản phẩm theo giá ổn định. Bên cạnh đó, HTX đóng vai trò “bà đỡ” trong việc kết nối với doanh nghiệp, cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ và đặc biệt là xây dựng thương hiệu.

Thêm điểm tựa hỗ trợ

Những thành công hiện tại của khu vực kinh tế hợp tác, HTX chứng minh các chính sách hỗ trợ của ban ngành tỉnh, địa phương tại Hà Giang đang đi đúng hướng. Đặc biệt là vai trò đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đang mang lại hiệu quả tích cực.

Trong những năm gần đây, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, HTX, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Một trong những hoạt động nổi bật là việc hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Cụ thể, trong năm 2024, 5 HTX tại Hà Giang đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với tổng số tiền lên tới 18 tỷ đồng. Nguồn vốn này giúp các HTX đầu tư vào sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam còn phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Hà Giang tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại. Trong năm 2024, 32 HTX đã được hỗ trợ tham gia 8 hội chợ xúc tiến thương mại trên cả nước, giúp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Ngoài ra, 12 HTX được tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, 4 HTX đã được hỗ trợ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, góp phần khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm địa phương.

Có thể nói, những chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đã và đang góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển bền vững tại địa phương.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng việc phát triển cây dược liệu ở Hà Giang vẫn còn không ít khó khăn: vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian trồng dài, thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định, năng lực chế biến còn hạn chế.

Để tháo gỡ, cần có thêm chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, quy hoạch vùng trồng phù hợp, đặc biệt là xúc tiến thương mại để sản phẩm dược liệu Hà Giang tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.

Với sự vào cuộc đồng bộ từ người dân, HTX, doanh nghiệp và chính quyền, Hà Giang hoàn toàn có thể trở thành trung tâm dược liệu của vùng cao phía Bắc, góp phần làm giàu cho cả vùng đất và con người nơi địa đầu Tổ quốc.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/vang-xanh-noi-da-nui-ha-giang-va-hanh-trinh-thoat-ngheo-tu-cay-duoc-lieu-1106364.html
Zalo