Thị trường chứng khoán: Tâm lý nhà đầu tư dần ổn định

Theo thống kê từ FiinTrade quý I/2025 là quý tăng trưởng thứ 9 liên tiếp đối với quy mô margin toàn thị trường. Trong tháng đầu của quý II, sau nhiều biến động, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đã bước vào giao dịch tương đối cân bằng, với VN-Index dao động trong biên độ hẹp nhưng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Số dư tiền gửi của nhà đầu tư đạt gần 74,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 3 - Ảnh minh họa

Số dư tiền gửi của nhà đầu tư đạt gần 74,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 3 - Ảnh minh họa

Số dư tiền gửi của nhà đầu tư hơn 74 nghìn tỷ đồng

Theo thống kê từ FiinTrade, tại thời điểm cuối quý 1/2025, dư nợ margin của 70/85 công ty chứng khoán chiếm 99,7% quy mô vốn chủ sở hữu toàn ngành đạt gần 275 nghìn tỷ đồng, tăng 13% tương đương 31,6 nghìn tỷ đồng so với quý trước. Đặc biệt, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tăng nhẹ 2,1%, đạt gần 74,5 nghìn tỷ tại thời điểm cuối tháng 3.

Theo thống kê, đây cũng là quý tăng trưởng thứ 9 liên tiếp đối với quy mô margin toàn thị trường tính từ quý II/2023, nhưng chỉ có 4/85 công ty chứng khoán duy trì được chuỗi tăng trưởng về dư nợ margin như vậy, trong đó, đáng chú ý là TCBS và ACBS.

Nhóm ghi nhận tăng trưởng vượt trội về dư nợ margin trong quý 1 nổi bật là SSI, TCBS, Chứng khoán VPS, KIS Việt Nam, VCBS, Chứng khoán VPBank và một số Công ty chứng khoán nhỏ như Chứng khoán Dầu khí (PSI) và Chứng khoán APG (APG).

Xét trên toàn thị trường, tổng dư nợ cho vay margin hiện tương đương 97,6% vốn chủ sở hữu toàn ngành, vẫn còn thấp so với mức trần 200% theo quy định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ này đã rất cao ở nhiều công ty chứng khoán lớn như MASC (183%), HCM (195%), Chứng khoán VPS (158%), MBS (164%).

Tăng trưởng dư nợ margin góp phần làm tăng thanh khoản và hỗ trợ hoạt động mua ròng của nhà đầu tư cá nhân. Dư nợ margin tăng 13% so với quý trước trong quý I/2025. Trong khi đó, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HOSE và HNX tăng 20,4%, đạt gần 15,2 nghìn tỷ đồng trong quý I khi Vn-Index tăng thấp 3,2%.

Quy mô tài sản của nhà đầu tư tăng nhẹ trở lại trong quý I/2025 sau khi bất ngờ giảm mạnh trong quý trước đó. Cụ thể, tổng giá trị tài sản tài chính của nhà đầu tư phần lớn là cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ... được quản lý bởi các công ty chứng khoán tăng 15,5 nghìn tỷ đồng tương ứng tăng 1% trong quý I/2025, trước đó giảm -1,5% trong quý IV/2024. Số dư tiền gửi cũng tăng nhẹ 2,1%, đạt gần 74,5 nghìn tỷ tại thời điểm cuối tháng 3.

Con số này tỷ lệ thuận với mức tăng mở tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong quý I vừa qua. Trong 3 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 400.000 tài khoản chứng khoán. Tính đến cuối tháng 3/2025, nhà đầu tư trong nước có tổng cộng hơn 9,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9,6% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ dư nợ margin/tổng tài sản của nhà đầu tư tiếp tục tăng và đều ở mức rất cao, lần lượt là 11,3% và 18,3% tại thời điểm cuối tháng 3/2025. Tỷ lệ đòn bẩy là tỷ lệ giữa dư nợ margin/tổng giá trị vốn hóa điều chỉnh theo free-float.

Dòng tiền thông minh dịch chuyển nhóm ngành

Dòng tiền thông minh có dấu hiệu dịch chuyển sang các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thuế quan - Ảnh minh họa

Dòng tiền thông minh có dấu hiệu dịch chuyển sang các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thuế quan - Ảnh minh họa

Trong thời gian vừa qua, các nhóm cổ phiếu từng chịu áp lực bán mạnh do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực từ thương chiến như bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản đã có sự phục hồi rõ nét. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại và nhiều cổ phiếu tốt bị bán tháo trước đó đang được thị trường nhìn nhận lại giá trị thực.

Dòng tiền thông minh không rút khỏi thị trường, mà có dấu hiệu dịch chuyển sang các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thuế quan, điển hình như nhựa, bán lẻ và xây dựng. Đây là minh chứng cho thấy nhà đầu tư đang chủ động tái cơ cấu danh mục, săn tìm những cơ hội có nền tảng cơ bản tốt trong thời điểm thị trường tích lũy.

Khối ngoại cũng góp phần nâng đỡ thị trường với một tuần mua ròng trở lại, tập trung vào các mã lớn như HPG, MWG, BMP, STB, TCH… Trong khi đó, lực bán của nhà đầu tư nước ngoài chỉ diễn ra ở một vài cổ phiếu như TPB, KBC, HCM, FTS... Diễn biến này phù hợp với bình diện quốc tế - căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn phức tạp nhưng đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ phát đi thông điệp ôn hòa, cho biết Mỹ sẽ điều chỉnh thuế với một số quốc gia trong vài tuần tới đang mở ra hy vọng các nền kinh tế lớn sẽ chuyển từ đối đầu sang tìm kiếm sự ổn định, ít nhất là trong ngắn hạn.

Về kịch bản sắp tới, tuần giao dịch cuối tháng 4 nhiều khả năng tiếp tục là giai đoạn tích lũy với thanh khoản thấp do ảnh hưởng từ kỳ nghỉ lễ kéo dài. Tuy nhiên, nếu không xuất hiện yếu tố bất lợi, thị trường có thể chứng kiến nhịp bứt phá sau kỳ nghỉ, với mục tiêu vượt mốc 1.250 điểm và hướng đến vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm trong tháng 5.

Nam Sơn

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thi-truong-chung-khoan-tam-ly-nha-dau-tu-dan-on-dinh-39870.html
Zalo