Vấn nạn 'chặt chém' làm xấu xí bức tranh du lịch
Vấn nạn 'chặt chém' du khách, hành vi không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn làm tổn hại sâu sắc đến uy tín của ngành du lịch nước nhà.
Ngành du lịch Việt Nam đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực không ngừng để nâng tầm chất lượng dịch vụ, vẫn tồn tại những “vết hằn” làm xấu xí bức tranh du lịch trong mắt du khách. Một trong số đó chính là nạn “chặt chém” du khách, hành vi không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn làm tổn thương sâu sắc đến uy tín của ngành du lịch.
Nỗi ám ảnh của du khách
Thời gian qua, hàng loạt vụ việc “chặt chém” du khách đã bị phát hiện và xử lý, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Đơn cử, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa) đã ra quyết định xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với ông Phạm Vũ Linh (trú TP. Nha Trang, chủ bè nổi tại đảo Trí Nguyên), trong vụ bán 1 kg cá bò hòm với giá 3,5 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Nha Trang làm việc với ông Hồ Văn Tâm (áo đen, bìa trái) - chủ nhà hàng Aroma Beach vào tối 6/2/2025. Ảnh: Đức Thảo
Hay hồi tháng 2/2025, một nhà hàng hải sản tại TP. Nha Trang đã bị phạt hơn 96 triệu đồng vì tính bữa ăn cho du khách Trung Quốc lên tới hơn 20 triệu đồng, với nhiều vi phạm như không niêm yết giá, quảng cáo không đúng quy định và không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Vụ việc này không chỉ làm khách hàng bức xúc mà còn gây xôn xao dư luận trong nước và quốc tế.
Không chỉ Nha Trang, tình trạng này còn xảy ra ở nhiều điểm du lịch khác, như tại Hà Nội, nhiều bãi giữ xe tự ý nâng giá vé trong dịp Tết Nguyên đán; Hạ Long, một nhà hàng bị phạt 6,5 triệu đồng vì tính giá cao bất hợp lý và có thái độ thiếu văn hóa với khách.

Bài đăng của du khách khi gặp quán bán 1 kg cá bò hòm với giá 3,5 triệu đồng. Ảnh: MXH
Anh Nguyễn Minh Nhật, chuyên gia ngành du lịch, dịch vụ cho rằng, việc “chặt chém” du khách không chỉ là hành động kinh doanh thiếu trung thực mà còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đối với ngành du lịch. Trong đó phải kể đến việc mất niềm tin từ du khách quốc tế và nội địa. Khi khách du lịch bị “chặt chém” hay đối xử thiếu minh bạch, họ sẽ mang theo ấn tượng xấu về ngành du lịch Việt. Đặc biệt, trong thời đại số, những trải nghiệm tiêu cực dễ dàng lan tỏa qua mạng xã hội, gây tổn hại lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiếp theo đó là cản trở phát triển du lịch bền vững. Khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, văn minh và an toàn. Tuy nhiên, nếu nạn “chặt chém” không được xử lý triệt để, mục tiêu này sẽ trở nên xa vời. Du khách một lần đến rồi không trở lại, kéo theo đó là sự suy giảm lượng khách quốc tế và mất đi nguồn thu lâu dài.
Ngoài ra còn gây thất thoát doanh thu du lịch. Theo thống kê của ngành du lịch, mỗi năm Việt Nam đón hàng triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, nếu chỉ vì một số cơ sở kinh doanh “chặt chém” mà du khách không muốn quay lại, Việt Nam có thể mất đi nguồn thu khổng lồ. Đáng nói hơn, điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu lao động phụ thuộc vào du lịch.
Cần chế tài xử lý nghiêm
Chị Như Trang, chủ một quán hải sản ở Nha Trang chia sẻ, để tránh bị “chặt chém” khi đến nhà hàng, quán ăn nhỏ tại các điểm du lịch, khách nên xem thực đơn, giá tiền niêm yết cụ thể trước. "Với những nơi không ghi hoặc ghi giá mập mờ, khách nên chủ động hỏi nhân viên hoặc chủ nhà hàng, tránh tình trạng gọi ít, thanh toán nhiều. Những nơi làm ăn tử tế sẽ để giá tiền tương ứng với món ăn. Nhiều nơi cố tình để trống giá sẽ để ba số 0, che số tiền phía trước hoặc ghi dòng "theo thời giá". Khi khách hỏi lúc đó quán mới nói giá, còn không hỏi rất dễ rơi vào trường hợp bị "chặt chém" - chị Trang nói.
Còn anh Nguyễn Tuấn Thanh, một hướng dẫn viên du lịch cho rằng, kinh doanh thì ở bất cứ đâu cũng có tốt, xấu. "Khi đi du lịch, du khách cần nên trang báo uy tín, mạng xã hội, diễn đàn du lịch tham khảo những nhà hàng, quán ăn tại nơi sắp đến để loại trừ những cơ sở từng vướng tai tiếng "chặt chém" để tránh, đồng thời chọn sẵn một vài điểm uy tín được cộng đồng mạng đánh giá cao"- anh Thanh chia sẻ.

Ngành du lịch đang từng ngày phát triển theo hướng bền vững, tạo hình ảnh đẹp trong lòng du khách. Ảnh: Hiền Mai
Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) cho rằng, để chấm dứt tình trạng "chặt chém" du khách, cần có sự đồng bộ trong cách thức quản lý và giám sát. Cần có chính sách quản lý bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai toàn bộ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá cả và nguồn gốc hàng hóa… một cách cụ thể trên trang web du lịch của tỉnh, thành phố. Đồng thời nên thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện sai phạm phải cương quyết phạt thật nặng, tước bỏ giấy phép kinh doanh, thậm chí đóng cửa cơ sở và đăng công khai trên các trang web du lịch.
"Chặt chém du khách là hành động phản cảm, gây tổn thương đến hình ảnh du lịch Việt Nam, một đất nước thân thiện, hiếu khách. Nếu không sớm chấn chỉnh, những "vết hằn" này sẽ trở thành nỗi ám ảnh, đẩy lùi sự phát triển của ngành du lịch. Đã đến lúc, cần sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cả cộng đồng để xóa đi những hình ảnh tiêu cực, mở lối cho một ngành du lịch bền vững, phát triển" - ông Hà chia sẻ.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam yêu cầu các địa phương chỉ đạo Ban quản lý khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị kinh doanh liên quan tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm,... phục vụ khách du lịch. Các đơn vị kinh doanh cần tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá bán hàng hóa.