Phân công rõ trách nhiệm của các sở ngành, UBND các xã, phường, thị trấn trong khắc phục tồn tại về phòng cháy, chữa cháy
Ngày 09/5/2025, Đoàn kiểm tra Bộ Công an về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) do Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã thông qua kết quả kiểm tra đối với UBND thành phố Hà Nội.
Làm việc với Đoàn, về phía thành phố Hà Nội có đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Thiếu tướng Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Thành ủy, UBND thành phố.

Toàn cảnh Hội nghị.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác PCCC và CNCH tại một số bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố Hà Nội là địa bàn đầu tiên Đoàn tiến hành kiểm tra.
Theo đó, Đoàn đã kiểm tra tại Thành ủy, UBND thành phố; Công an thành phố, Sở Xây dựng, Sở Công Thương; Đảng ủy, UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa); Đảng ủy, UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) và một số đơn vị, cơ sở, Đội PCCC chuyên ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kết quả kiểm tra, trong thực hiện các nhóm nhiệm vụ tại Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, thành phố Hà Nội đã chủ động rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH, các văn bản quy phạm pháp luật của các ngành, lĩnh vực có liên quan đến PCCC và CNCH để kịp thời tham mưu các cấp, các ngành có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội. Đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức trong công tác tuyên truyền PCCC và CNCH; triển khai trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH; triển khai bộ tài liệu tập huấn, hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH cho học sinh các cấp học trên địa bàn thành phố.

Đại tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thông qua kết quả kiểm tra công tác PCCC và CNCH tại thành phố Hà Nội
Xây dựng và duy trì hoạt động 65 phong trào, mô hình an toàn về PCCC và CNCH. Thành lập 8.975 Tổ liên gia an toàn PCCC; xây dựng 23.788 Điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu trên 50m, xe chữa cháy không tiếp cận được. Tổ chức tuyên truyền, vận động hơn 687.000 hộ gia đình (đạt 98,7 %) mở lối thoát nạn thứ 2; 93,5% các hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay.
Hằng năm, thành phố đã chỉ đạo tăng cường công tác huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, cử cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chữa cháy, CNCH...Về việc thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg, Hà Nội đã hoàn thành việc rà soát 100% nhà ở nhiều căn hộ có nhiều tầng, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao; nghiên cứu, hướng dẫn giải pháp cụ thể để khắc phục từng tồn tại, vi phạm theo hướng dẫn của UBND thành phố và phù hợp với điều kiện thực tế của nhà, yêu cầu thời hạn hoàn thành việc khắc phục tồn tại, vi phạm.
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng, cấp giấy phép xây dựng. Tăng cường kiểm tra an toàn trong sử dụng điện, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng điện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH, động viên khích lệ nhân dân tích cực tham gia công tác PCCC và CNCH bằng nhiều hình thức, biện pháp.
Về tổ chức, hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành, Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ban quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội đôn đốc tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công an về tổ chức, hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành... Xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở trang bị chưa đầy đủ phương tiện chữa cháy cơ giới...

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phát biểu tại Hội nghị.
Bên cạnh các kết quả đạt được, kết luận của Đoàn kiểm tra đã chỉ ra, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Số vụ cháy ở nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao (gần 50%). Việc triển khai thực hiện một số chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác PCCC và CNCH chưa triệt để, còn tồn tại số lượng lớn các cơ sở chưa hoàn thành việc khắc phục tồn tại, vi phạm.
Một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là UBND cấp huyện, UBND cấp xã chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC. Một bộ phận người dân, lực lượng PCCC tại chỗ chưa nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản trong công tác PCCC và CNCH; chưa được trang bị các dụng cụ, phương tiện PCCC cần thiết để kịp thời thoát nạn và khống chế đám cháy ngay từ khi mới phát sinh...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đề nghị, thành phố Hà Nội cần khẩn trương xây dựng kế hoạch khắc phục toàn bộ những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong công tác PCCC và CNCH; phân công rõ trách nhiệm của các sở ngành, UBND các xã, phường, thị trấn.
Công an thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở ngành tham mưu địa phương hoàn thành việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác PCCC. Tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, thực chất các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an trong công tác PCCC và CNCH; trọng tâm là: Chỉ thị 01/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg và các Công điện 27/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến phát biểu tại Hội nghị.
Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai Luật PCCC và CNCH ngay khi Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Chuẩn bị các trang bị thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH và truyền tin báo cháy đối với nhà ở thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nhấn mạnh, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức và người dân trong phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH ở cơ sở rộng khắp, chất lượng, hiệu quả thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Phối hợp với các phương tiện thông tin, đại chúng trung ương và địa phương nâng cao chất lượng, tăng số lượng các bản tin về công tác PCCC và CNCH; đa dạng các hình thức tuyên truyền để truyền tải đến người dân hiệu quả. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn đi đôi với xử lý nghiêm các vi phạm quy định về PCCC và CNCH…