Vụ tai nạn giao thông ở Vĩnh Long: Không để nỗi đau rơi vào im lặng!

Thông tin khởi tố vụ án tai nạn giao thông khiến nữ sinh tử vong tại Vĩnh Long nhận được sự đồng tình từ bạn đọc. Nhiều người bày tỏ xúc động, chia sẻ với gia đình nạn nhân và hoan nghênh sự vào cuộc nghiêm túc của cơ quan chức năng, củng cố niềm tin vào công lý.

Vừa qua, Cơ quan điều tra (CQĐT) VKSND Tối cao đã về làm việc tại Vĩnh Long để kiểm tra, xác minh thông tin có dấu hiệu tội phạm liên quan đến quá trình Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn giải quyết vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 11 giờ ngày 4-9-2024 tại Km08 Đường tỉnh 901 thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn. Vụ tai nạn đã khiến bé NNBT (sinh năm 2010) tử vong.

Ngày 8-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã mời bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ cháu T, đến nhận thông báo kết luận giám định và thông báo kết quả giải quyết nguồn tin liên quan đến vụ tai nạn giao thông của con gái bà.

Cũng tại buổi làm việc, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trước đó, ngày 7-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS.

Thông tin trên nhận được sự hoan nghênh của dư luận, nhiều bạn đọc bày tỏ sự xúc động và đánh giá cao nỗ lực minh bạch, quyết liệt từ phía cơ quan chức năng trong việc bảo vệ công lý và quyền lợi cho người bị hại.

Khi công lý lên tiếng

“Tôi rất xúc động khi nghe tin cơ quan điều tra đã vào cuộc quyết liệt và chính thức khởi tố vụ án. Là một người dân, tôi phần nào được an ủi khi thấy công lý được thực thi. Những vụ việc như thế này không chỉ là nỗi đau của riêng gia đình nạn nhân, mà còn chạm đến lương tâm của cả xã hội. Tôi mong rằng cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xử lý nghiêm minh, khách quan, đồng thời răn đe những hành vi coi thường pháp luật khi tham gia giao thông” - bạn đọc Mai Lan chia sẻ.

Bạn đọc Nguyễn Hoàng Phúc cho rằng việc khởi tố vụ án không chỉ là yêu cầu về pháp lý mà còn là yêu cầu về đạo lý xã hội: “Cái chết của một đứa trẻ không thể bị bỏ qua hoặc xử lý qua loa. Nếu có sai phạm trong quá trình điều tra ban đầu, cần làm rõ và xử lý nghiêm minh để tránh tạo tiền lệ xấu. Đây là lúc CQĐT cần chứng minh rằng pháp luật không phải là thứ để né tránh, mà là nơi để người dân yếu thế tìm đến khi mất mát. Đồng thời, việc CQĐT VKSND Tối cao về làm việc tại địa phương là minh chứng rõ ràng cho tinh thần không dung túng sai phạm và sẵn sàng giám sát nội bộ, điều mà người dân rất mong chờ trong các vụ việc có tính nhạy cảm” - bạn đọc Phúc viết.

 Điều tra viên Cục Điều tra VKSND Tối cao tiếp cận, ghi nhận hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Vĩnh Long cùng các nhân chứng. Ảnh: HD

Điều tra viên Cục Điều tra VKSND Tối cao tiếp cận, ghi nhận hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Vĩnh Long cùng các nhân chứng. Ảnh: HD

Cần minh bạch và khách quan

Luật sư Phùng Thị Huyền, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng trong vụ việc xảy ra tại tỉnh Vĩnh Long, việc không khởi tố vụ án nhiều lần, đơn thư khiếu nại chưa được giải quyết thỏa đáng đã làm gia đình cháu T phẫn uất, mất niềm tin và dẫn đến một vụ việc đáng tiếc khác làm dư luận dậy sóng. Đến khi có sự can thiệp thẩm tra từ Bộ Công an và VKSND Tối cao thì vụ việc mới được khởi tố là quá muộn màng.

Theo luật sư Huyền, việc oan sai trong vụ việc này đang được CQĐT VKSND Tối cao xem xét có thể xuất phát từ cái nhìn có phần phiến diện, thiếu khách quan của lực lượng điều tra ban đầu. Từ đó, việc đánh giá chứng cứ, giải quyết ý kiến của các bên liên quan chưa thấu đáo, toàn diện, chưa xác minh đầy đủ, thu thập lời khai của người làm chứng, chứng kiến sự việc và trích xuất camera xung quanh nơi xảy ra tai nạn.

Bên cạnh đó, khi có nhiều ý kiến khác nhau, cơ quan tư pháp địa phương họp và thống nhất từ trước hướng giải quyết dẫn đến việc giải quyết khiếu nại của gia đình cháu T chưa được xem xét độc lập, khách quan và chính xác.

Tiếp theo đó, dư luận xã hội dậy sóng sau sự việc của cha ruột cháu T dẫn đến việc Bộ Công an, VKSND Tối cao trực tiếp thẩm tra hồ sơ và lật lại vụ án là một điều đáng mừng, thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của các cơ quan đứng đầu ngành tư pháp.

Dư luận xã hội không phải lúc nào cũng phản ánh đầy đủ và khách quan về sự việc, cũng không thể tạo áp lực buộc cơ quan chức năng kết tội ngay người gây tai nạn. Thay vào đó, dư luận chỉ là một nguồn tham khảo trong quá trình thẩm tra vụ án. Do đó, CQĐT cần độc lập, không chịu tác động từ dư luận hay cấp trên, đảm bảo việc làm rõ sự thật diễn ra công tâm, công bằng, đúng pháp luật.

Động thái đúng đắn

Việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long khởi tố vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS là một động thái đúng đắn.

Trong câu chuyện bi thương này còn ẩn chứa một vấn đề về tính kịp thời và minh bạch trong hệ thống tư pháp. Việc CQĐT cấp tỉnh phải mất tới tám tháng sau vụ tai nạn để có quyết định khởi tố vụ án và chỉ sau khi đã xảy ra một bi kịch khác... cũng là điều đáng tiếc.

Từ góc độ của gia đình nạn nhân, tôi bày tỏ sự cảm thông sâu sắc trước bi kịch của ông Nguyễn Vĩnh Phúc, người cha đã phải dùng mạng sống của chính mình để đòi công lý cho con gái. Nỗi đau của người cha không chỉ đến từ việc mất con, mà còn từ sự bất lực khi kẻ gây ra cái chết cho con mình không phải chịu bất kỳ hình phạt nào. Cảm giác tuyệt vọng này đã đẩy ông Phúc đến quyết định bi kịch: Tự thực thi công lý rồi kết thúc cuộc đời mình.

ThS NGUYỄN ĐỨC HIẾU,
giảng viên Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM

TUẤN ANH - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-tai-nan-giao-thong-o-vinh-long-khong-de-noi-dau-roi-vao-im-lang-post848948.html
Zalo