Văn học, nghệ thuật - ngọn lửa tinh thần soi đường cho dân tộc trong kỷ nguyên mới

Đầu tư cho văn học, nghệ thuật không phải là sự ưu ái cho một lĩnh vực tinh thần mà là đầu tư vào lòng yêu nước, vào khả năng phản biện, sáng tạo và lan tỏa giá trị Việt.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong công cuộc đổi mới và hội nhập, văn học, nghệ thuật đã không ngừng đổi mới, lan tỏa, khơi dậy khát vọng phát triển bền vững. (Ảnh NVCC)

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong công cuộc đổi mới và hội nhập, văn học, nghệ thuật đã không ngừng đổi mới, lan tỏa, khơi dậy khát vọng phát triển bền vững. (Ảnh NVCC)

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để nhìn lại một hành trình hào hùng không chỉ về những thành tựu kinh tế, chính trị, mà còn là chặng đường trưởng thành của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Từ “người chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng những năm tháng khói lửa, đến “người bạn đồng hành” trong công cuộc đổi mới và hội nhập, văn học, nghệ thuật đã không ngừng đổi mới, lan tỏa và khơi dậy khát vọng phát triển bền vững.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã có những đánh giá sâu sắc, đầy cảm hứng về hành trình 50 năm của nền văn học nghệ thuật nước nhà, cũng như những định hướng chiến lược để đưa văn hóa trở thành “nguồn lực mềm” của quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình.

Những chặng đường phát triển của văn học, nghệ thuật

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, ông đánh giá thế nào về vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày đất nước thống nhất?

Có thể nói, trong suốt 50 năm qua, văn học, nghệ thuật luôn là ngọn lửa âm ỉ nhưng mãnh liệt, giữ ấm tâm hồn dân tộc, truyền đi những thông điệp mạnh mẽ về niềm tin, lòng nhân ái và khát vọng vươn lên. Khi đất nước bước ra khỏi khói lửa chiến tranh, còn ngổn ngang những đau thương và mất mát, chính những trang văn, vần thơ, những bộ phim, bài hát đã lặng lẽ nhưng bền bỉ làm nhiệm vụ hàn gắn vết thương, khơi dậy tình yêu quê hương, hun đúc niềm tin vào ngày mai.

Tôi vẫn còn nhớ bộ phim Cánh đồng hoang, hình ảnh người lính giữ vững cánh đồng trong đầm lầy giữa bom đạn không chỉ là biểu tượng của sự kiên cường, mà còn là biểu tượng cho tinh thần nghệ thuật vì Tổ quốc. Hay bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm vừa dịu dàng, vừa hùng tráng, đã trở thành bài học đầu đời về tình yêu đất nước cho biết bao thế hệ học sinh.

Văn học, nghệ thuật trong thời bình cũng không hề nghỉ ngơi. Nó theo bước công cuộc đổi mới, phản ánh những chuyển mình của xã hội, những day dứt và hy vọng của con người thời hội nhập. Không ít tác phẩm văn học đương đại, từ những cuốn tiểu thuyết như Nỗi buồn chiến tranh đến các tác phẩm điện ảnh như Mùa len trâu hay gần đây là Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đều là những nỗ lực không ngừng nghỉ để kể lại câu chuyện dân tộc bằng ngôn ngữ của cảm xúc và chiều sâu văn hóa.

Văn học, nghệ thuật không đứng bên lề lịch sử. Nó đi song hành, đôi khi đi trước, luôn đi cùng dân tộc. Khi đất nước đứng trước những ngã rẽ, khi lòng người còn phân vân, chính nghệ thuật đã góp phần soi sáng con đường. Đó là sức mạnh đặc biệt mà không một ngành nào khác có thể thay thế được.

Tôi tin rằng, trong kỷ nguyên mới hôm nay, khi đất nước đang khát vọng vươn lên tầm cao mới, văn học, nghệ thuật sẽ tiếp tục là ngọn lửa dẫn đường, không phải bằng sự ồn ào, mà bằng những rung động sâu xa, những lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp và một tình yêu nước lặng thầm nhưng vĩ đại.

Góc nhìn của ông về những dấu ấn nổi bật cũng như những đóng góp quan trọng của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển kể từ năm 1975 đến nay?

Mỗi chặng đường phát triển của đất nước đều in đậm dấu ấn của văn học, nghệ thuật như một dòng chảy tinh thần không bao giờ cạn. Sau ngày đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật bước vào giai đoạn mới với sứ mệnh hàn gắn, xây dựng và nuôi dưỡng niềm tin cho cả một dân tộc vừa đi qua khói lửa chiến tranh.

Từ 1975 đến 1986, các tác phẩm văn học nghệ thuật tập trung ca ngợi chiến thắng vĩ đại, khắc họa hình tượng người lính, người mẹ, người công nhân, nông dân trong công cuộc dựng xây hậu chiến.

Những bài thơ như Nhớ của Hữu Thỉnh, truyện ngắn Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, hay những bộ phim như Bao giờ cho đến tháng Mười đã lay động hàng triệu con tim Việt, làm sáng lên tinh thần nhân văn, lòng biết ơn và niềm tin vào ngày mai.

Giai đoạn 1986–2000 đánh dấu bước ngoặt lớn với làn sóng đổi mới. Văn học nghệ thuật chuyển mình rõ rệt, không còn dừng lại ở sử thi hay lý tưởng cách mạng, mà bắt đầu đi sâu vào những khúc quanh tâm lý, vào số phận con người thời kỳ chuyển tiếp.

Những tác phẩm như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thời xa vắng của Lê Lựu, hay các bộ phim như Gánh xiếc rong của Việt Linh đã mạnh dạn chạm đến những nỗi đau, dằn vặt, phản tỉnh, mở ra cánh cửa mới cho nghệ thuật biểu đạt cảm xúc sâu sắc và đa chiều hơn.

Từ năm 2000 đến nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và bùng nổ công nghệ, văn học nghệ thuật Việt Nam bước vào kỷ nguyên sáng tạo mới. Bên cạnh các loại hình truyền thống, các hình thức như văn học mạng, nghệ thuật sắp đặt, điện ảnh độc lập và gần đây là phim trực tuyến đã bùng nổ với sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Các phim như Đập cánh giữa không trung, Đảo của dân ngụ cư… không chỉ tạo dấu ấn trong nước mà còn gây tiếng vang quốc tế.

Điều đáng mừng là thế hệ trẻ đang từng bước khẳng định mình với những góc nhìn táo bạo, tinh tế, đa dạng về đề tài từ cá nhân, môi trường, đến bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập. Sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại đang tạo nên diện mạo sinh động, phong phú cho nền văn học nghệ thuật đương đại.

Tất cả những điều đó cho thấy, dù ở giai đoạn nào, văn học nghệ thuật cũng không chỉ phản ánh hiện thực mà còn góp phần định hình tâm thế dân tộc, nuôi dưỡng khát vọng và làm nên sức mạnh mềm để Việt Nam đi xa hơn trên con đường phát triển bền vững.

Cảnh phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối“. (Nguồn: Nhà sản xuất)

Cảnh phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối“. (Nguồn: Nhà sản xuất)

Hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số hiện nay, văn học, nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức gì? Làm sao để bảo tồn bản sắc mà vẫn hội nhập?

Chúng ta đang bước vào một thời đại mà không gian nghệ thuật không còn bị giới hạn bởi biên giới địa lý hay thời gian. Chỉ một cú click chuột, một dòng trạng thái, một video ngắn cũng có thể đưa tác phẩm đến với hàng triệu người trên toàn cầu. Chính chuyển đổi số và toàn cầu hóa đã mở ra một kỷ nguyên đầy hứa hẹn cho văn học, nghệ thuật Việt Nam với vô vàn cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Cơ hội lớn nhất là khả năng mở rộng không gian sáng tạo và công chúng tiếp nhận. Chưa bao giờ các nghệ sĩ Việt Nam lại có nhiều công cụ và nền tảng để lan tỏa tác phẩm như hiện nay. Những sáng tác như MV Bắc Kim Thang, series hoạt hình Hành trình nước Việt, hay phim ngắn độc lập The girl on the rooftop... đã vượt qua biên giới quốc gia, được giới trẻ quốc tế yêu thích, thể hiện rõ tiềm năng hội nhập toàn cầu của nghệ thuật Việt nếu biết tận dụng công nghệ.

Tuy nhiên, thách thức không hề nhỏ. Trong làn sóng dữ dội của sản phẩm văn hóa đại chúng toàn cầu, đặc biệt từ các “siêu cường nghệ thuật” như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… văn học nghệ thuật Việt Nam dễ bị “hòa tan”, đánh mất bản sắc nếu không có bản lĩnh. Những nội dung mang yếu tố thuần Việt đôi khi bị đánh giá là kén người xem, hoặc không phù hợp với thị hiếu thời thượng, khiến nhiều nghệ sĩ trẻ rơi vào lúng túng giữa việc “giữ chất” và “bắt trend”.

Vậy làm sao để vừa hội nhập mà không "đánh mất mình"? Tôi cho rằng, trước hết, phải xây dựng được một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, trong đó mỗi nghệ sĩ phải là một chiến sĩ gìn giữ bản sắc. Chúng ta có thể học hỏi kỹ thuật, công nghệ, cách làm của thế giới nhưng “tâm hồn Việt” trong từng vần thơ, từng giai điệu, từng hình ảnh phải được giữ lại.

Chẳng hạn, Đào, phở và piano – một bộ phim lịch sử nhưng được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại chính là minh chứng cho việc có thể làm ra sản phẩm vừa đậm đà truyền thống, vừa hợp thời và có sức lan tỏa quốc tế.

Đồng thời, cần có hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo văn hóa hiện đại, nơi Nhà nước tạo cơ chế, doanh nghiệp đầu tư, xã hội đồng hành và công nghệ trở thành công cụ. Phải để văn học, nghệ thuật phát triển trong môi trường sáng tạo tự do, lành mạnh nhưng có định hướng, có giá trị. Quan trọng hơn cả là nuôi dưỡng thế hệ trẻ có tình yêu văn hóa dân tộc, có năng lực thẩm mỹ, được tiếp xúc với nghệ thuật từ sớm trong nhà trường và đời sống.

Văn học, nghệ thuật Việt Nam không cần trở thành bản sao của bất kỳ ai. Chúng ta chỉ cần là chính mình, một dân tộc từng viết nên Nam quốc sơn hà, từng vẽ nên tranh Đông Hồ, từng hát lên ca trù, quan họ với tâm thế hiện đại và khát vọng thời đại. Khi đó, không chỉ hội nhập, mà chúng ta còn có thể tạo ra dấu ấn riêng trên bản đồ văn hóa toàn cầu.

Theo ông, đâu là những “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay trong công tác sáng tác, phổ biến và quản lý văn học, nghệ thuật? Cần thay đổi gì về thể chế, chính sách để giải quyết những vấn đề này?

Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực mang tính đặc thù, nơi cảm xúc và tư duy sáng tạo là trung tâm, nơi cái đẹp, cái thiện được tìm kiếm qua muôn vàn lối đi. Nhưng chính vì thế, khi hệ thống quản lý, thể chế, cơ chế chính sách không bắt nhịp kịp với đặc trưng sáng tạo, thì những điểm nghẽn sẽ hình thành.

Điểm nghẽn đầu tiên và dễ thấy nhất chính là sự thiếu hụt những tác phẩm có chiều sâu tư tưởng, có khả năng lay động cộng đồng và phản ánh được tầm vóc của thời đại. Một phần vì môi trường sáng tác chưa thực sự khơi dậy được khát vọng lớn; một phần vì chưa có chính sách ưu tiên cho các dự án nghệ thuật công phu, dài hơi. Chúng ta có không ít tác phẩm xuất sắc, nhưng số lượng chưa đủ để tạo nên trào lưu, để văn học nghệ thuật trở thành “hơi thở” của xã hội như nó từng là.

Thứ hai, khoảng cách thế hệ giữa những người làm nghề. Các văn nghệ sĩ đi qua chiến tranh, đổi mới mang trong mình vốn sống sâu dày và cảm hứng lớn, đang dần lui về hậu trường, trong khi thế hệ trẻ dù năng động, hiện đại, lại thiếu hệ giá trị nền tảng để làm “trụ cột tinh thần”. Sự chuyển giao đang bị đứt đoạn. Thiếu những chương trình đào tạo bài bản, thiếu những sân chơi nuôi dưỡng tài năng, khiến không ít người trẻ loay hoay giữa cái tôi nghệ thuật và áp lực thị trường.

Một điểm nghẽn khác cũng rất quan trọng là sự lạc hậu trong mô hình quản lý và chính sách hỗ trợ nghệ thuật. Chúng ta đã có Nghị quyết, có chiến lược, nhưng vẫn thiếu cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả. Việc đặt hàng tác phẩm, hỗ trợ kinh phí, hay tạo không gian cho thử nghiệm nghệ thuật vẫn còn rào cản. Không ít nghệ sĩ tâm huyết phải tự xoay xở, thậm chí chấp nhận hy sinh kinh tế để bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Đáng tiếc hơn cả là hiện tượng “không quản được thì cấm” đôi khi vẫn lẩn khuất đâu đó, khiến sáng tạo nghệ thuật thay vì được khích lệ lại bị thu hẹp trong sự dè chừng.

Cũng không thể không nhắc đến sự rời rạc giữa các thiết chế văn hóa – giáo dục – truyền thông. Khi tác phẩm tốt ra đời, hành trình đưa nó đến công chúng lại gặp nhiều khó khăn. Không có hệ thống truyền thông hỗ trợ, không có nền giáo dục định hướng thẩm mỹ, không có thị trường nghệ thuật đủ mạnh thì tác phẩm dù hay đến mấy cũng dễ bị lãng quên.

Các hoạt động văn học nghệ thuật có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng. (Nguồn: VGP)

Các hoạt động văn học nghệ thuật có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng. (Nguồn: VGP)

Theo tôi, trước hết là cần kiến tạo một hệ sinh thái sáng tạo văn hóa toàn diện. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, không can thiệp sâu vào nội dung sáng tạo, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế tài trợ minh bạch, quy trình đặt hàng công khai và ưu tiên cho các tác phẩm có giá trị dài hạn. Bên cạnh đó, cần đầu tư mạnh mẽ cho đào tạo, đặc biệt là các tài năng trẻ; phát triển các quỹ sáng tạo; tăng cường hợp tác công – tư trong công nghiệp văn hóa.

Thể chế văn hóa nếu linh hoạt, nhân văn và đồng hành cùng nghệ sĩ, sẽ không chỉ gỡ những nút thắt của hiện tại, mà còn mở ra một tương lai mà ở đó, văn học, nghệ thuật không chỉ là ánh sáng thẩm mỹ mà còn là nội lực phát triển của quốc gia.

Trở thành nguồn lực mềm của quốc gia

Trong kỷ nguyên mới, khi văn hóa được xác định là “nguồn lực mềm” của quốc gia, văn học, nghệ thuật cần tập trung vào những định hướng nào để phát huy vai trò chiến lược của mình trong phát triển đất nước?

Chưa bao giờ văn hóa lại được đặt vào trung tâm của chiến lược phát triển như hiện nay. Trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng, chuyển đổi số mạnh mẽ, sự cạnh tranh toàn cầu diễn ra từng giờ, văn học, nghệ thuật không chỉ là sự giải trí hay nuôi dưỡng cảm xúc mà trở thành một nguồn lực mềm chiến lược, góp phần định vị bản sắc dân tộc, lan tỏa hình ảnh quốc gia, thúc đẩy phát triển bền vững từ gốc rễ tinh thần.

Để phát huy được vai trò ấy, theo tôi, văn học, nghệ thuật Việt Nam cần tập trung vào một số định hướng lớn:

Thứ nhất, giữ vững bản sắc dân tộc trong dòng chảy hội nhập. Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là một mảnh hồn của đất nước, một dấu ấn văn hóa riêng biệt không thể lẫn vào đâu. Chúng ta cần những tác phẩm như Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối vừa mang tinh thần Việt Nam, vừa có ngôn ngữ hiện đại để đối thoại với thế giới. Chúng ta cũng cần khơi dậy cảm hứng sáng tạo từ kho tàng văn hóa dân gian, lịch sử, phong tục tập quán, nhưng bằng góc nhìn mới, kỹ thuật mới, để truyền thống được làm mới trong một hình hài hiện đại.

Thứ hai, phát triển đội ngũ nghệ sĩ, trí thức sáng tạo có bản lĩnh, tâm huyết và trách nhiệm xã hội. Nghệ sĩ không chỉ là người làm nghề, mà còn là người định hình giá trị. Chúng ta cần có cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh xứng đáng các tài năng nghệ thuật, đặc biệt là thế hệ trẻ. Họ cần được sống được bằng nghề, sáng tạo trong môi trường tự do, dân chủ, nhưng cũng cần được định hướng giá trị, để cái tôi cá nhân luôn hài hòa với lợi ích cộng đồng và quốc gia.

Thứ ba, xây dựng nền công nghiệp văn hóa hiện đại, hội nhập, dựa trên nền tảng chuyển đổi số. Cần có chính sách phát triển thị trường nghệ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, quảng bá, phân phối tác phẩm cả trong nước và quốc tế. Những mô hình thành công như K-pop, phim Hàn, văn hóa Nhật Bản cho thấy: nếu có chiến lược, nghệ thuật hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và công cụ quyền lực mềm quốc gia.

Thứ tư, đưa văn học, nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cần liên kết chặt chẽ giữa văn hóa, giáo dục và truyền thông. Đưa nghệ thuật vào trường học không chỉ như một môn học, mà như một cách rèn luyện cảm xúc, đạo đức, thẩm mỹ. Phải tạo ra những kênh truyền thông hiện đại, gần gũi, bắt nhịp công nghệ để đưa tác phẩm đến công chúng qua TikTok, YouTube, nền tảng số, nơi giới trẻ đang hiện diện và tương tác mỗi ngày.

Thứ năm, chủ động hội nhập quốc tế và xuất khẩu sản phẩm văn hóa có chọn lọc. Không chỉ “dân tộc hóa” tinh hoa nhân loại, mà còn “quốc tế hóa” nghệ thuật Việt bằng tâm thế tự tin, sáng tạo và bản sắc. Phải để thế giới biết đến văn học, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật Việt không chỉ như một phần của quá khứ hào hùng, mà là năng lượng sống động của một đất nước đang trỗi dậy mạnh mẽ trong thế kỷ 21.

Đầu tư cho văn học, nghệ thuật không phải là sự ưu ái cho một lĩnh vực tinh thần mà là đầu tư vào chiều sâu của quốc gia. Đó là đầu tư vào lòng yêu nước, vào khả năng phản biện, sáng tạo và lan tỏa giá trị Việt.

Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của bản sắc, nhân văn và kết nối văn học, nghệ thuật sẽ không chỉ đi sau, mà phải đi cùng, thậm chí đi trước, để soi sáng những bước chân phát triển và làm nên tầm vóc văn hóa của một Việt Nam hùng cường.

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/van-hoc-nghe-thuat-ngon-lua-tinh-than-soi-duong-cho-dan-toc-trong-ky-nguyen-moi-312687.html
Zalo